Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 2 năm 2016 | 8:17

Ông Đinh La Thăng làm Bí thư TP. HCM

Phát biểu tại buổi lễ, tân Bí thư Thành ủy TP. HCM từ tốn đứng dậy, nói rằng rất vinh dự và xúc động vì được Đảng và Bộ Chính trị tin tưởng giao trọng trách công tác tại Đảng bộ T.P HCM. "Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí tôi sẽ dành cho một việc duy nhất, đó là cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác kế tục một cách xứng đáng sự nghiệp vẻ vang, được xây dựng bởi các vị tiền bối", ông Thăng khẳng định.

Theo ông Thăng, áp lực lớn nhất của ông lúc này là phải nhận trách nhiệm lãnh đạo một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu tàu có sức hút và lan tỏa lớn của khu vực phía Nam, là đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, ông nhận mình may mắn vì được kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, được duy trì bởi những nhà lãnh đạo đi trước.

"Được kế thừa công việc của người tiền nhiệm, đồng chí Lê Thanh Hải, là niềm tự hào to lớn của tôi. Những gì mà Thành ủy TP. HCM, của những người tiền nhiệm như đồng chí Lê Thanh Hải, Võ Văn Thưởng đã đóng góp cho thành phố sẽ là động lực và niềm tin rất lớn để tôi hoàn thành nhiệm vụ", ông Thăng nói.

56 tuổi, ông Đinh La Thăng (quê Nam Định) có học vị Tiến sĩ, vừa được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khoá XII diễn ra hồi cuối tháng 1.

Ông Thăng nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ trong thời gian làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Thời điểm nhậm chức, ông nói: "Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền quyết định. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi".

Sau đó, ông "vi hành" để đốc thúc hàng loạt công trình trọng điểm, liên tục gây chú ý vì những vụ "trảm tướng" dự án chậm tiến độ. Trên công trường đường Nội Bài - Nhật Tân, Bộ trưởng Thăng từng nhắc nhở Giám đốc Ban quản lý dự án: "Ghế của ông lung lay rồi đấy. Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông ở vị trí tổng giám đốc".

Trong thời gian này, Bộ trưởng Thăng cũng cho cách chức hàng loạt cán bộ dưới quyền. Trong đó có việc đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng vì phát ngôn thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tháng 4/2014. Hai tháng sau, ông Thăng cho thôi chức Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Đạt Tường vì "Tổng giám đốc tốt mà để ngành trì trệ thì phải thay".

Mới đây nhất, hôm 3/2 ông Thăng yêu cầu cách chức Tổng giám đốc Đường sắt Hà Nội ngay sau thông tin Đường sắt Việt Nam muốn nhập hàng trăm toa xe cũ từ Trung Quốc.

Ông Thăng cũng để lại nhiều dấu ấn trong thời gian làm tư lệnh ngành Giao thông khi có hàng loạt dự án hoàn thành sớm hơn thời gian đề ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ... Ngoài ra, nhiều sân bay mới đã được đưa vào khai thác như Phú Quốc, Thọ Xuân, Đà Nẵng, Vinh, đặc biệt là nhà ga T2 sân bay Nội Bài... đưa tổng năng lực thông quan qua các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên mức 70 triệu hành khách năm 2015.

 

ong-dinh-la-thang-lam-bi-thu-tp-hcm-1

Tân Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi nhậm chức. Ảnh: Hữu Công

Trước đó, khởi nghiệp là kế toán viên, ông Thăng từng có 5 năm (1983-1988) công tác tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà. 5 năm tiếp theo (1989-1994) ông làm Phó, rồi Kế toán trưởng Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, đồng thời giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên tại đây.

Ông Thăng cũng từng làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà đến tháng 10/2003, sau đó được điều về giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế đến cuối năm 2005.

Đầu năm sau ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến cuối năm 2008. Tiếp đó ông làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), ông Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Giao thông vận tải cho đến nay.

Chuyển từ vị trí tư lệnh ngành Giao thông sang vai trò đứng đầu Thành ủy TP HCM trong 5 năm tới, ông Thăng được cho sẽ gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. TP HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước (đóng góp hơn 20% GDP và 30% nguồn thu ngân sách quốc gia), song đang đối diện với hàng loạt những yếu kém như: tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao.

Đặc biệt, TP HCM phải đối diện với những vấn đề phức tạp của đô thị lớn đang phát triển và có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, như: quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng quá tải bệnh viện, trường học, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; nạn ùn tắc giao thông; tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu...

* Ngày 4-2, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 01-QĐNS/TW về việc phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XII nhận nhiệm vụ như sau:

+ Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
+ Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
+ Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
+ Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
+ Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
+ Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. 
+ Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
 
Bộ Chính trị cũng phân công một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm:
+ Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
+ Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
+ Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
+ Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
+ Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
+ Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
 
PV.

 

 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top