Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 11 năm 2021 | 15:23

Phải chấm dứt dạy học theo văn mẫu

Ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

bogd-dt.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn.

20 triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường do dịch Covid-19

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực.

Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài và cả những chuyện đau lòng đã diễn ra.

Toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu thay đổi chất lượng. Bộ GD&ĐT đã động viên giáo viên toàn ngành khắc phục khó khăn, cùng nhau ứng phó với dịch bệnh.

“Dịch bệnh đang dần kiểm soát, kinh tế và hoạt động xã hội dần phục hồi nhưng ngành giáo dục bắt đầu chặng đường mới. Hậu quả do dịch gây ra và việc khắc phục nó không phải một sớm một chiều với những ảnh hưởng lâu dài chưa thể đo đếm được như lỗ hổng về kiến thức, tác động lâu dài đến học sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Trên 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học trực tuyến

Trước những băn khoăn của đại biểu về chất lượng học tập của 53,9% học sinh gia đình khó khăn không thể tham gia học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ có việc của riêng Việt Nam. Đây là việc cả thế giới phải làm.

Đối với Việt Nam, dù có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước nhưng bước vào năm 2021, quy mô, tính chất, thời gian phải thực hiện chưa từng có trong tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức. 

Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến chuyển đổi số, đến phát triển hạ tầng công nghệ nhưng thực tế còn nhiều khó khăn.

Hiện theo thống kê, không phải là 1,5 triệu mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại gì cũng là tốt, có gia đình hai, ba anh chị em mới có một cái điện thoại để học.

Bộ trưởng bày tỏ: Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó, cho nên trước khi quan tâm đến chất lượng, thì một trong vấn đề rất mong các địa phương chia sẻ, quan tâm, đấy là số học sinh vì không có thiết bị trong tay đang dần dần phải bỏ học.

Thực tế đó là vấn đề còn cấp bách hơn, trước khi đánh giá xem các cháu học được gì qua đợt học trực tuyến vừa rồi, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Một số nơi việc học còn ở mức độ là để "duy trì cảm giác" về học tập, việc đón nhận tư duy trong học tập và được phần nào thì tốt phần đấy. 

Nhưng cũng có một điều đáng mừng là những vùng khó khăn hàng đầu như khu vực Tây Bắc, thời gian vừa qua lại được đến lớp học trực tiếp...

Cấm dạy thêm, học thêm?

Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đặt vấn đề dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, song thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm.

 

nguyen_huy_thai_-_doan_dbqh_tinh_bac_lieu.jpg

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

 

“Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về vấn đề này?”, đại biểu đoàn Bạc Liêu nêu chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy, học thêm là việc ngành ngăn chặn, nghiêm cấm. Gần đây nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến.

“Tôi khẳng định, bình thường đã cần ngăn, bây giờ càng phải ngăn, vì học trực tuyến học sinh căng thẳng hơn. Việc thêm giờ, thêm nội dung là việc cần ngăn chặn. Trong Thông tư 09 ngày 30/3 về quy định dạy và học trực tuyến, văn bản đó đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Nếu trường thấy học sinh học quá giờ quy định... yêu cầu Sở GD-ĐT cần thanh tra, kiểm tra xem có hiện tượng này không, có bố trí quá giờ hay không. Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, có đầy đủ căn cứ và quan điểm là tích cực ngăn chặn”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Tranh luận sau câu trả lời của Bộ trưởng Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, ông tán thành việc dạy thêm, học thêm trong điều kiện trực tuyến thì cần cấm. Tuy nhiên, về việc cấm dạy thêm, học thêm trong điều kiện bình thường thì cần phải xem xét lại. Vấn đề này thêm chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên.

“Thể hiện ở chỗ, từ trước đến nay chúng ta tiếp cận và coi việc dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội. Có những nơi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi đưa lên báo chí. Tôi cho rằng cách ứng xử đối với các nhà giáo như thế là không phù hợp”, ông Long nói.

Theo ông Long, không nên “cái gì không quản được thì cấm”, phải đánh giá việc dạy thêm có ý nghĩa như thế nào trong nhu cầu thực tiễn của phụ huynh học sinh.

“Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm cũng là nhờ học thêm”, ông nói và cho biết, cử tri cũng đặt ra câu hỏi “tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục lại không được dạy thêm”.

Giáo viên dạy thêm vì đời sống quá thấp?

Đại biểu đoàn Đồng Nai Nguyễn Công Long cũng cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ đời sống của các giáo viên quá thấp: “Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm là cách mưu sinh, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo”.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường, của những người không đang làm việc trong cơ sở giáo dục, việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu thì không thể cấm. 

“Còn giáo viên trực tiếp dạy học sinh của mình mà bớt các nội dung chính cần dạy, để dạy thêm thì việc đó thuộc điều lệ đạo đức nhà giáo, cái này bị cấm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục tranh luận về chủ đề dạy thêm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng: “Từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, và câu chuyện này chưa có hồi kết. Bộ trưởng nói sẽ rà soát các quy định của pháp luật, nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi”.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, có bốn vấn đề chiều sâu cần giải quyết liên quan đến việc dạy thêm. Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa: “Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết”.

Thứ hai, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề xuất thay đổi phương pháp, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu, chuyển sang cách dạy sáng tạo.

Thứ ba, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Nội dung thì “cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu”.

Thứ tư, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp.

Chấm dứt dạy học theo văn mẫu

Trả lời chất vấn của đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) về chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong dạy môn Ngữ văn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người. Trong khi đó, định hướng giáo dục của chúng ta là tăng yếu tố dạy người. Tương tự, ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt cũng rất quan trọng vì trước khi tăng cường năng lực ngoại ngữ, các thế hệ học sinh phải giỏi tiếng Việt.

“Phải ngăn chặn, chấm dứt dạy theo văn mẫu, đặc biệt việc giáo viên đọc cho học sinh chép, soạn văn mẫu rồi cho học sinh đọc thuộc. Việc này rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. Các công việc kiểm tra đánh giá, dạy học, biên soạn học liệu cũng sẽ được triển khai. Chấm dứt văn mẫu cũng là yếu tố chuyên môn để chấm dứt dạy thêm, học thêm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến mang tầm quốc gia

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và lâu dài, một điểm rất quan trọng là cần phải đầu tư để hình thành một nền tảng dạy học trực tuyến đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số vấn đề mang tính cụ thể. Trong số 1919 điểm "lõm sóng" thì chỉ trong vòng hai tháng Bộ Thông tin Truyền thông đã giải quyết được 283 điểm, tăng cường ngay và kịp thời.

Tuy vậy, việc "lõm sóng" còn ở rất nhiều nơi, do đó, một phần của hạ tầng cần phải tăng cường. Các tập đoàn lớn trong hệ thống bưu chính viễn thông phải tham gia trong một kế hoạch lớn thuộc về chuyển đổi số toàn quốc gia, chứ không chỉ là mỗi nơi có một nền tảng khác nhau, làm mỗi kiểu. Như vậy sẽ rất thiếu tính bền vững và lâu dài.

Bộ trưởng cho biết, các quy định, các hướng dẫn hiện nay cũng tương đối đầy đủ nhưng đang thiên về tính ứng phó tạm thời. Bộ sẽ có những đánh giá sâu hơn và sẽ pháp chế hóa một số các văn bản còn có tính chất hướng dẫn, quy định tạm thời. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để khi có nền tảng thì việc học tập trực tuyến sẽ đảm bảo. 

Chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược của ngành trong thời gian sắp tới. Trong chiến lược về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục đã có những nội dung liên quan đến việc chuẩn bị một cách bền vững, lâu dài cho việc chuyển đổi này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc dạy trực tuyến lúc này đang là một hình thức ứng phó tạm thời nhưng vẫn là một công việc lâu dài ngay cả khi dịch đã ổn định và đây vẫn là nội dung quan trọng mà ngành cần phải đưa vào thực hiện trong tầm chiến lược của mình.

Mạnh dạn đưa học sinh vùng xanh trở lại trường học

Nêu thực trạng sau một thời gian dài học sinh ở nhà để phòng chống dịch, phụ huynh rất mong muốn các cháu trở lại trường để việc học chất lượng hơn; tuy nhiên, phụ huynh có con học tiểu học chưa yên tâm khi trẻ chưa được tiêm vaccine, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để phụ huynh yên tâm.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngành giáo dục đã có kế hoạch thúc đẩy đưa học sinh trở lại trường học an toàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn và định hướng. Về mặt quan điểm, đối với các đơn vị cấp xã, phường, nơi nào đang là vùng xanh, an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu quay trở lại trường.

Hiện nay, các tỉnh phần lớn xử lý theo quy mô cấp huyện, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường. Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã phường, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã phường thuộc vùng xanh có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh. Cả huyện mà vùng xanh, an toàn thì mở cửa trường trung học.

Theo Bộ trưởng, hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc đến việc tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi trở xuống, nhưng với các nước trên thế giới thì đó vẫn là "câu chuyện phía trước". Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, tình hình từng địa phương để xem đưa học sinh quay lại trường đảm bảo các điều kiện an toàn. "Quan điểm của chúng tôi là vừa thực tiễn, nhưng cũng kiên quyết, mạnh mẽ xử lý nội dung công việc này", Bộ trưởng nói.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top