Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; tháo gỡ bằng được mọi khó khăn, vướng mắc, quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19.
Sáng ngày 7/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 tại Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Dự buổi gặp mặt có GS.TS. Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học; PGS.TS. Lê Văn Truyền, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế, cùng nhiều nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở y học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Hai trụ cột của chiến lược vaccine
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu đã dành thời gian để bàn bạc, xem xét một vấn đề rất quan trọng hiện nay là công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine nói chung và đặc biệt là vaccine phòng COVID-19, tiếp nối các công việc quan trọng đã triển khai thời gian qua. Trước đó, việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn nên được cộng đồng, nhân dân vào cuộc tham gia đóng góp hết sức tích cực.
Điều này cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, việc tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung trên cơ sở thực tiễn và khoa học để vừa chống dịch có hiệu quả hơn, vừa sản xuất, kinh doanh, duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vaccine là: Phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Hiện nay việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vaccine lại phải tiến hành định kỳ lâu dài theo tinh thần “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Do đó, cùng với tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời việc mua vaccine, chúng ta phải phát huy truyền thống tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. “Trong cái khó ló cái khôn”, phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất, chủ động được nguồn vaccine, nhất là khi virus có thể tiếp tục biến chủng, nhiều loại dịch bệnh khác có thể tiếp tục xuất hiện trong tương lai.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, làm rõ sự cần thiết thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước; đánh giá, nhận định, dự báo về khả năng, nguồn lực cho công tác này. Đặc biệt, tập trung phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc nếu có về kinh phí, thể chế, quy định, nguồn nhân lực, quy trình thử nghiệm, cấp phép và đề xuất hướng giải quyết.
Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn là “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không , không nói khó, không nói có mà không làm”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.
Tại cuộc làm việc, các bộ, ngành đã báo cáo về một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam đã huy động tổng lực nguồn nhân lực chất lượng cao, mời các nhà khoa học và các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia công tác này. Nhờ đó, chúng ta đạt nhiều thành tựu trên nhiều mặt về nghiên cứu cơ bản xác định các chủng virus mới; phát triển kit xét nghiệm, sản xuất máy thở; nghiên cứu phác đồ, phương pháp điều trị mới; nghiên cứu, sản xuất vaccine; tiếp cận nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới với các đối tác nước ngoài… Các ý kiến cũng phân tích các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khó đến mấy cũng phải làm và có niềm tin sẽ làm được
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến đã phát biểu trách nhiệm, thẳng thắn và khoa học theo tinh thần “3 không”, “5 thật” như đề nghị của Thủ tướng. Yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện kết luận của cuộc họp để tổ chức thực hiện thật tốt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung.
Trước hết, phải thống nhất nhận thức, coi vaccine là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là trong phòng chống dịch COVID-19 nói riêng. Trong bối cảnh đại dịch, chúng ta vừa phải giải quyết các bài toán cấp bách, trước mắt, vừa phải tính toán các vấn đề lâu dài, chiến lược. Để chủ động thực hiện chiến lược vaccine, phải sản xuất được vaccine trong nước. Mọi chiến lược, kế hoạch, chính sách với việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine phải vừa mang tính xã hội, vừa mang tính thương mại. Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine cũng góp phần phát triển công nghiệp dược của Việt Nam, đây là một thế mạnh của chúng ta chưa được phát huy. Phát huy kết quả, thành quả đã đạt được trong suốt mấy chục năm vừa qua về phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccine, đồng thời khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập về tư tưởng, nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đầu tư…
Trên cơ sở nhận thức đó, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo lớn trong công tác này.
Thứ nhất, đây là công việc rất khó khăn, thách thức, nhưng khó đến mấy cũng phải làm, bởi chúng ta đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng, sinh mệnh của nhân dân là trên hết, là trước hết, nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Chúng ta có niềm tin sẽ làm được và củng cố niềm tin của người dân để người dân cùng tham gia, đóng góp cho nhiệm vụ này.
Thứ hai, đây là việc liên quan đến sinh mạng, sức khỏe người dân nên rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng nhiệm vụ càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, bàn bạc thấu đáo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, giữ vững đoàn kết, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau, quyết định theo đa số. Từ đó, vượt qua khó khăn, biến khó khăn, thách thức thành động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, biến sức mạnh, nội lực tinh thần thành hành động hiệu quả.
Thứ ba, tất cả vì quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng, trên cơ sở, đó, cơ quan quản lý tạo hành lanh pháp lý thông thoáng, các nhà khoa học tâm huyết, các doanh nghiệp chung tay đóng góp cho xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thời gian, nguồn lực đều có hạn nên phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, cụ thể là quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19 để chủ động lo cho người dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tháo gỡ bằng được các vướng mắc
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong nghiên cứu, thí điểm có thể có những rủi ro, nhưng nếu những người thực hiện không có động cơ xấu, không vì tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì Đảng, Nhà nước phải bảo vệ. Thủ tướng nhấn mạnh, phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng được chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
Thứ hai, phải quyết tâm tháo gỡ bằng được các vướng mắc về mặt pháp lý, các Bộ ngành phải bám sát tình hình, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao để giải quyết, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc này. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ ba, huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công – tư là chủ đạo, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cùng với các hình thức huy động, các nguồn hợp pháp khác như Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, với mục tiêu tất cả vì sức khỏe và sinh mạng của người dân, của cộng đồng.
Thứ tư, về con người, phải có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine. Đặc biệt, phải khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và lòng say mê nghiên cứu, duy trì điều này lâu dài, ổn định. Đảng, Nhà nước trân trọng và ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học.
Thứ năm, nghiên cứu rút ngắn thời gian thử nghiệm và đánh giá vaccine, vừa thận trọng, bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với thực tiễn.
Thứ sáu, nghiên cứu rút gọn quy trình cấp phép vaccine trên cơ sở thực tiễn và khoa học, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, khách quan, chống tiêu cực.
Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, với sự hợp tác của người dân.
Thứ tám, công tác truyên truyền bài bản, chặt chẽ, đúng hướng, hiệu quả, truyền cảm hứng để người dân tin tưởng, ủng hộ theo phương châm “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ chín, về phân công, tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia là đầu mối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine nói chung và vaccine phòng chống COVID-19 nói riêng. Xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine. Làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine trong thời gian tới.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính. Các bộ, ngành khác chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, “góp gió thành bão”, làm nên thành quả chung của cả nước thời gian qua, trong đó có thành quả chống dịch, bảo đảm sản xuất – kinh doanh, nhất là đóng góp vào Quỹ vaccine một cách tích cực, tự giác, hiệu quả. Thủ tướng một lần nữa kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, mọi tổ chức, cá nhân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước để đóng góp vật chất và ủng hộ tinh thần cho Quỹ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.