Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 6 năm 2016 | 9:58

Phấn đấu chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta cần phấn đấu xây dựng một xã hội an lành, đáng sống, bớt rủi ro hơn, bảo đảm quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân cũng như để chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những đóng góp quan trọng của người cao tuổi Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 6/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập (6/6/1941 - 6/6/2016). Tham dự buổi gặp mặt có: Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam...

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu cho biết cả nước hiện có trên 9,46 triệu người cao tuổi, trong đó có 8,4 triệu hội viên. Đến nay,100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội Người cao tuổi và đang hoạt động rất hiệu quả. Cùng với đó, trên 580 câu lạc bộ liên thế hệ đã được thành lập ở 15 tỉnh, thành phố thu hút gần 50.000 người tham gia.

Phong trào người cao tuổi tham gia làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc… được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa. Đặc biệt, người cao tuổi trên cả nước đã vận động được con cháu hiến 12 triệu m2 đất để mở đường. Người cao tuổi ở gần 1.000 xã ở 44 tỉnh, thành phố có đường biên giới đã ký phối hợp với các đồn biên phòng về công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động con cháu không nghe kẻ xấu, không vượt biên trái phép.

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những đóng góp quan trọng của người cao tuổi Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử phát triển đất nước bằng rất nhiều hoạt động hết sức thiết thực, cụ thể.

“Các cụ, các bác là những người hoàn toàn xứng đáng được nghỉ ngơi nhưng bằng nhiệt huyết của mình vẫn đang tiếp tục cống hiến, giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đặc biệt, thời gian qua, hoạt động của Hội Người cao tuổi được tổ chức khá bài bản, linh hoạt trên tinh thần tự chủ, không hành chính hóa nhưng vẫn có nền nếp, chỉ đạo thống nhất.

Đề cập đến những tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng khẳng định: Không có cách nào khác là chúng ta phải đối mặt và xử lý những vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trật tự an toàn xã hội, giao thông... Trong đó, vai trò của chính quyền các cấp là chủ yếu nhưng vai trò của các đoàn thể, hội quần chúng, đặc biệt là của Hội Người cao tuổi, hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế hiện nay gần 80% các tổ chức, đoàn thể xã hội đang hoạt động ở cấp cơ sở có lãnh đạo là người cao tuổi tham gia. Đây là nguồn lực quý giá cần phát huy tốt hơn nữa vì đa phần những người cao tuổi tham gia công tác ở cơ sở đều đã trải qua nhiều năm công tác ngoài xã hội, có kinh nghiệm và uy tín.

Vì vậy, cần tạo điều kiện, có nguồn lực để hỗ trợ người cao tuổi đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phân tích, giải thích, thuyết phục từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phải bảo đảm cuộc sống an lành hơn.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục bàn bạc với lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam về những vấn đề cụ thể từ chế độ, chính sách đến các mô hình tổ chức như quỹ chăm sóc người cao tuổi, câu lạc bộ liên thế hệ... nhằm tạo nguồn lực, bảo đảm điều kiện thực hiện công tác người cao tuổi tốt hơn nữa.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trăn trở về vấn đề an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, Phó Thủ tướng cho biết cùng với các giải pháp phát triển kinh tế nhanh hơn, để “đất nước không thể nghèo mãi” thì cần đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững. Đây là nền tảng để người dân khi già yếu, thất nghiệp hay ốm đau đều được Nhà nước chăm lo. Vấn đề này là một thách thức không nhỏ khi các nước phát triển có tỉ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt  98-100%, còn ở nước ta tỉ lệ bảo hiểm xã hội chưa tới 25%, bảo hiểm y tế mới hơn 76%.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục đích cuối cùng là chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội an lành, đáng sống, bớt rủi ro hơn, bảo đảm quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho của mỗi người, để cho người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội, trong đó có doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần phối hợp nhiều hơn nữa với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với ngân sách nhà nước tổ chức ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top