Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Sáng 22/10, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1996-2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí,
Nhân dịp đến dự lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - một sự kiện quan trọng không chỉ đối với Hội đồng Lý luận Trung ương mà còn đối với đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, lý luận, nghiên cứu, giảng dạy lý luận và đội ngũ trí thức cả nước, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, các đồng chí, và qua các đồng chí tới toàn thể các nhà khoa học, các giáo sư, các chuyên gia, cán bộ làm công tác lý luận trong cả nước lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Như chúng ta đều biết, lý luận và công tác lý luận có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. V.I. Lênin đã từng chỉ rõ: Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng; chỉ đảng nào có được lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò của người chiến sĩ tiên phong. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khẳng định: Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc; thực tế không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã rất quan tâm đến công tác lý luận (bao gồm cả nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận, truyền bá lý luận, đào tạo cán bộ lý luận). Riêng việc tổ chức các cơ quan nghiên cứu lý luận trực tiếp phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương đã tổ chức những cơ quan phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn. Năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương; năm 1980, thành lập Viện Nghiên cứu Mác-Lênin; năm 1996, thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương. Tuy tên gọi khác nhau, nhiệm vụ cụ thể có khác nhau, nhưng chức năng chủ yếu của các cơ quan nghiên cứu lý luận là cung cấp các luận cứ khoa học về lý luận chính trị, góp phần tư vấn giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định, phát triển đường lối, chính sách của Đảng. Đó là công việc rất vẻ vang song cũng rất nặng nề.
Trong 20 năm qua, Hội đồng Lý luận Trung ương đã bám sát tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, triển khai nhiều hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; phục vụ trực tiếp cho việc chuẩn bị các báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), 30 năm đổi mới (1986 - 2016), tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và xây dựng Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011...; chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị trong các nhiệm kỳ. Hội đồng cũng đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi lý luận với một số đảng cộng sản và đảng cầm quyền; biên soạn các báo cáo chuyên đề phục vụ việc nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới và nâng cao trình độ lý luận cho các đồng chí Ủy viên Trung ương; đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của Đảng...
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội đồng, những đóng góp của các thành viên Hội đồng qua các nhiệm kỳ. Kết quả và những đóng góp đó cũng là kết quả chung, đóng góp chung của giới lý luận, của các cơ quan khoa học, của đội ngũ trí thức trong cả nước với sự giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các cấp ủy địa phương. Trân trọng ghi nhận những đóng góp, cống hiến đó, hôm nay Đảng, Nhà nước trao tặng Hội đồng Lý luận Trung ương Huân chương Độc lập hạng nhất. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng các đồng chí, chúc mừng Hội đồng Lý luận Trung ương từng bước trưởng thành và đang ra sức đổi mới để có những phát triển mới cùng với sự trưởng thành và phát triển của Đảng ta, đất nước ta.
Thưa các đồng chí,
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã trải qua 30 năm. Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu của 30 năm qua đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử, tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Đội ngũ cán bộ lý luận, trí thức khoa học, các cơ quan tham mưu, tư vấn về đường lối, chính sách phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đã có những đóng góp xứng đáng, góp phần làm nên những thành tựu của 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ, trên con đường đổi mới và phát triển, còn không ít những vấn đề lớn, phức tạp, cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển. Đại hội XII đã nêu rõ: Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ. Đội ngũ cán bộ lý luận đông mà chưa mạnh, còn thiếu nhiều chuyên gia giỏi, đầu ngành thuộc các lĩnh vực. Các công trình nghiên cứu đã công bố là không ít nhưng còn thiếu những công trình lớn, tầm cỡ, có giá trị tư tưởng và khoa học cao, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức chung của xã hội, đóng góp thực sự vào thúc đẩy đổi mới tư duy lý luận và cung cấp những cơ sở khoa học có sức thuyết phục vào quá trình hoạch định đường lối, chính sách. Do hạn chế này mà nhiều vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách của thực tiễn phát triển nước ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về mặt lý luận. Trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, phê phán và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chưa thể hiện rõ sự sắc sảo về khoa học, tính chiến đấu và sức thuyết phục chưa cao. Năng lực dự báo còn thấp, nghiên cứu dự báo với tư cách là nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học ở tầm chiến lược chưa được đẩy mạnh, còn bất cập so với yêu cầu, nhất là trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực.
Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa, nhất là đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị. Đây là cả một hệ thống vấn đề cần phải giải quyết, từ quan điểm, nguyên tắc đến phương hướng, giải pháp, bước đi và các điều kiện đáp ứng, bảo đảm cho kinh tế phát triển, chính trị ổn định, xã hội đồng thuận cao, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính thực tiễn đổi mới đã đặt ra và hối thúc chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển. Và đòi hỏi ấy càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận thúc đẩy thực tiễn phát triển. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách, xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta. Thực tiễn đã chứng minh rằng: Để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận. Chính nhờ đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận mà chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn trong những năm qua. Mặt khác, thực tiễn của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng cho chúng ta bài học sâu sắc về đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng. Đổi mới mà xa rời nguyên tắc, chệch choạc về định hướng thì sẽ dẫn đến đổ vỡ, thất bại. Kiên định và sáng tạo; sáng tạo và kiên định trong vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vững vàng trên con đường xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - đó chính là nguyên tắc, định hướng đổi mới ở Việt Nam.
Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Hội đồng và lãnh đạo các Tiểu ban của Hội đồng cùng với tập thể các nhà khoa học, thành viên Hội đồng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần kiên định và sáng tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là chất lượng tư vấn các vấn đề lý luận chính trị cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Để tư vấn tốt, Hội đồng Lý luận Trung ương cần triển khai nghiêm túc chương trình nghiên cứu, xử lý có hiệu quả mối quan hệ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, coi trọng nghiên cứu cơ bản nhưng thiết thực; coi trọng nghiên cứu ứng dụng nhưng phải có tầm lý luận, phải có bước tiến thực sự về nghiên cứu dự báo, nhất là dự báo đặc điểm và xu hướng biến đổi của thế giới, khu vực và tác động tới nước ta; dự báo những vấn đề lớn về tình hình mọi mặt của đất nước. Muốn thế, phải thường xuyên đẩy mạnh hoạt động của các Tiểu ban chuyên môn, củng cố và nâng cao chất lượng Ban Thư ký khoa học của Hội đồng và đặc biệt là chuẩn bị thật chu đáo, nâng cao chất lượng các kỳ họp của Hội đồng. Trong điều kiện biên chế không nhiều, Hội đồng cần đề xuất với các cơ quan hữu quan để có cơ chế và chính sách phù hợp thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao và có quan điểm chính trị đúng đắn, có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương để tăng thêm tiềm lực khoa học cho Hội đồng, để Hội đồng hoạt động có hiệu quả.
Nghiên cứu lý luận là công việc khó khăn, vất vả nhưng tràn đầy niềm vui sáng tạo. Lý luận không phải là khô khan như có người tưởng, trái lại, rất sống động và thú vị, bởi nó phản ánh quy luật vận động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, bởi đó là sự khám phá chân trời trí tuệ không giới hạn, nó là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta.
Sinh thời, Lênin căn dặn: Mỗi người cộng sản phải biết chăm chú lắng nghe sự mách bảo của cuộc sống; học, học nữa, học mãi! Bác Hồ nhắc nhở: Học tập là chiếc thang không có nấc cuối cùng. Muốn đạt được thành tựu, muốn có cống hiến, mỗi người chúng ta, trước hết là cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo, quản lý phải ra sức học tập, nghiên cứu lý luận. Đặc biệt, những người trực tiếp làm công tác lý luận càng phải say mê nghiên cứu, học tập (học lý thuyết, học thực tiễn, học nhân dân, học từ cuộc sống), học tập không ngừng. Tôi rất mong đội ngũ cán bộ lý luận, các đồng chí thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần học tập, nghiên cứu, truyền cảm hứng và ý thức học tập, trau dồi lý luận trong toàn Đảng. Chúng ta cùng nhau phấn đấu đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển lý luận của Đảng, vào công cuộc đổi mới trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Thưa các đồng chí,
Là cơ quan được giao chủ trì, tổ chức thực hiện nghiên cứu và quản lý hoạt động chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước về lý luận chính trị, các đồng chí cần đặt yêu cầu chất lượng khoa học lên hàng đầu, lựa chọn đúng chuyên gia thực hiện đề tài và cơ quan chủ trì, phát huy tự do tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo, phát hiện và đào tạo các tài năng trẻ trong môi trường nghiên cứu khoa học.
Hội đồng cần quán triệt sâu sắc đường hướng tổng quát đã được Đảng ta nêu lên và khẳng định tại Đại hội XII: "Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hoá, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên" (1) . Đường hướng tổng quát này nhấn mạnh nội dung toàn diện và yêu cầu đồng bộ đổi mới và phát triển . Chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn đã nêu trong Cương lĩnh năm 2011: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... Trên cơ sở đường hướng chung đó, cần đi sâu nghiên cứu theo các hướng cụ thể sau đây:
Một là, nghiên cứu những giá trị nền tảng và bền vững của di sản kinh điển Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chú trọng những giá trị mà chúng ta cần bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo trong đổi mới, trong kiến tạo mô hình và con đường phát triển bền vững, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt, cần nghiên cứu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với đạo đức, phương pháp và phong cách của Người để góp phần tạo ra sự chuyển biến thực sự trong Đảng, trong dân về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, nghiên cứu về thời đại hiện nay, về thế giới đương đại; nghiên cứu, dự báo về các xu hướng lớn, những thay đổi chiến lược và chính sách của các nước lớn, phân tích những tác động, ảnh hưởng thuận và không thuận đối với sự phát triển của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó, tư vấn cho lãnh đạo cấp cao về đường lối, chủ trương, chính sách và đối sách.
Ba là, nghiên cứu những vấn đề lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tri thức trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; về gắn kinh tế với quốc phòng và an ninh, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và tăng cường quản lý phát triển xã hội, gắn chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển văn hoá và con người… để có cơ sở đổi mới chính sách phát triển ở những lĩnh vực trọng yếu này, bảo đảm để đất nước phát triển bền vững, mạnh lên về mọi mặt.
Bốn là, nghiên cứu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng; về sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, thực hành dân chủ, đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Năm là, nghiên cứu về các động lực của đổi mới và phát triển, các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển của nước tađã được nêu lên trong các Văn kiện Đại hội XI và Đại hội XII, trong Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn 30 năm đổi mới.
Nói tóm lại, chúng ta cần tập trung đi sâu nghiên cứu và tổng kết nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận về đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng. Mục tiêu lý tưởng của Đảng là cao đẹp; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng là con đường đúng đắn, sáng tạo. Lẽ phải thuộc về chúng ta. Cần chú trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; đấu tranh không khoan nhượng bằng những luận cứ khoa học sắc bén, giàu sức thuyết phục, bằng sức mạnh của niềm tin không thể lay chuyển vào chân lý, làm thất bại mọi mưu toan, hành động xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới của nước ta.
Thưa các đồng chí,
Thời kỳ phát triển mới của đất nước mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tốt đẹp, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, phức tạp. Thời cơ cần phải được chủ động đón bắt và tận dụng. Triển vọng phải được thấy rõ để vững bước đi lên. Thách thức, khó khăn đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, sáng suốt vượt qua. Đại hội XII với những quyết sách quan trọng đã đem lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta niềm cổ vũ to lớn, chúng ta cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đáng quý, rút ra những bài học bổ ích qua 30 năm đổi mới. Bác Hồ kính yêu đã dạy: "Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành" . Chỉ dẫn đó cực kỳ sâu sắc, quý báu, đặc biệt đối với những người làm công tác lý luận, đối với Hội đồng Lý luận Trung ương. Mong các đồng chí nhận thức thấu đáo và hành động sáng tạo theo chỉ dẫn đó của Người.
Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương và các cơ quan khoa học trong cả nước nhận rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp phát triển lý luận của Đảng, vừa ra sức học tập, thấu hiểu, nắm vững lý luận, vừa tạo điều kiện, giúp đỡ và hợp tác với Hội đồng Lý luận Trung ương, góp phần xây dựng và phát triển lý luận về mọi mặt.
Chúc Hội đồng Lý luận Trung ương với sinh lực tuổi 20, dồi dào sức sáng tạo và quyết tâm đổi mới, có nhiều bước phát triển mới. Gắn bó máu thịt với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; dân chủ, đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, nhất định chúng ta sẽ thành công.
Chúc các đồng chí sức khỏe, đạt nhiều thành công và hạnh phúc"./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.