Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 1 năm 2021 | 15:18

Phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre

Sáng 2/1, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự buổi lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh, góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

 

c15a3661.jpg

Buổi lễ do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Quỹ Tấm lòng vàng tổ chức tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Cùng tham dự sự kiện có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam; Chủ tịch Quỹ Tấm lòng vàng Đặng Đức Thành, đại diện các bộ ngành, các địa phương vùng ĐBSCL và đông đảo người dân trong tỉnh.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng được tham dự lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tại “quê hương đồng khởi” Bến Tre anh hùng - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, trong khí thế toàn đảng, toàn dân, toàn quân phấn khởi thi đua chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chào đón năm mới 2021.

“Cũng thật ý nghĩa khi được trồng cây tại một vùng đất mà cả tên gọi chính thức và danh xưng – Bến Tre và Xứ Dừa – đều gắn với tên của các loài cây”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Bến Tre và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cùng Quỹ Tấm lòng vàng tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức sự kiện có ý nghĩa này, đưa Bến Tre trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh cách làm sáng tạo, đổi mới được nêu trong kế hoạch của tỉnh Bến Tre, như vận động mỗi hộ gia đình đăng ký với phường, xã việc trồng và chăm sóc cây xanh; vận động các cơ quan, trường học, bệnh viện… tổ chức cho học sinh, thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên cơ quan trồng và chăm sóc cây, hoa tại trụ sở.

“Tôi mong rằng những cách làm này sẽ được triển khai thiết thực, hiệu quả, không nằm trên giấy, bảo đảm mỗi cây trồng được chăm sóc, phát triển tốt, tránh tính trạng cây trồng xong bị bỏ mặc héo, chết vì không được chăm sóc, vừa lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời gian, công sức của tất cả chúng ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc triển khai chương trình 10 triệu cây xanh cũng rất ý nghĩa với Bến Tre nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và việc trồng cây, gây rừng, phủ xanh tỉnh Bến Tre sẽ là hành động thiết thực trong việc thực hiện triển khai Nghị quyết.

 

cay-9.jpg

Ở tầm nhìn xa hơn, theo Phó Thủ tướng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, như đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020 tại các tỉnh miền Trung.

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới đời sống con người trên toàn thế giới và nhiều ý kiến đã cho rằng, đây cũng là hệ quả của việc con người tác động tiêu cực nghiêm trọng tới tự nhiên, tới hệ sinh thái trên Trái Đất trong nhiều năm qua.

Báo cáo Triển vọng Môi trường toàn cầu (GEO) mới đây do 250 nhà khoa học từ 70 quốc gia trên thế giới thực hiện trong 6 năm đã chỉ ra rằng, nếu loài người không hành động kịp thời, thì việc chạy theo những lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất trước mắt một cách bất chấp tất cả, môi trường, thiên nhiên tiếp tục bị hủy hoại, bị tàn phá có thể đưa nhân loại tới chỗ diệt vong.

“Do đó, phát triển bền vững càng ngày càng trở thành một nhu cầu cấp thiết với nhân loại. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của cả thế giới và mỗi quốc gia - dân tộc”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã luôn nhất quán quan điểm phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nỗ lực xử lý hài hòa các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh hai trụ cột kinh tế và xã hội, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề môi trường. Mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển. Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhưng cùng với đó, chúng ta phải triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn nhiều giải pháp khác, trên cơ sở cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên.

“Một ví dụ, tôi được biết năm nay, đàn sếu đầu đỏ không về Vườn quốc gia Tràm Chim nữa, chúng ta thấy trống vắng và có ý kiến cho rằng, một trong những lý do chính là cây cỏ năng kim – thức ăn chính của sếu - không phát triển được vì hệ sinh thái bị đảo lộn do đất ngập nước quanh năm, không còn giữ được nhịp một mùa khô – một mùa nước như trước đây. Chính vì thế, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã nhấn rất mạnh yêu cầu cần thực sự tôn trọng các quy luật của thiên nhiên. Để có thể bảo vệ thiên nhiên, phục hồi những thương tổn của thiên nhiên, tôi cho rằng tất cả chúng ta phải cùng suy nghĩ và ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về cách ứng xử phù hợp, trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

cay-4.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta lúc sinh thời luôn “yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa” và lễ phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre hôm nay chính là thực hiện lời dạy của Người “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thấm nhuần lời dạy của người, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, giữ cho không khí trong lành, làm đẹp thêm cảnh quan. Cây xanh còn mang lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ được thực hiện thành công, chương trình sớm “đơm hoa kết trái”, trở thành một điển hình tốt thực hiện hiệu quả sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, lan tỏa tới các địa phương khác trên cả nước. Cùng với đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng, của mỗi người dân, từ đó có những hành động thiết thực, phù hợp để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.

Bến Tre là quê hương của Đồng Khởi thời chống Mỹ, ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để tạo nên một Đồng Khởi mới, đồng khởi phát triển xanh, bền vững, Phó Thủ tướng phát biểu.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã ủng hộ khoản kinh phí 100 triệu đồng cho Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre. Ban Điều hành Đề án đã tiếp nhận sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, cá nhân cho Đề án; UBND tỉnh Bến Tre trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong triển khai chương trình 10 triệu cây xanh.

Phát biểu khai mạc lễ phát động, ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhắc lại, vào cuối năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.

Trong tiến trình kiến thiết xây dựng quê hương và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phải dành một diện tích lớn để phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, vì vậy mật độ phủ xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã giảm, song song đó cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng,... đã và đang tác động, ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Với định hướng xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành địa phương đáng sống, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, phải xây dựng không gian sống trong lành, thân thiện, đặc biệt là quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh, trồng rừng, góp phần giữ vững môi trường sinh thái, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra phức tạp như thời gian qua.

Để tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác và hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bến Tre phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Quỹ tấm lòng vàng xây dựng Đề án trồng cây tỉnh Bến Tre với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh để cùng với hơn 4.700 ha rừng tập trung và hơn 100.000 ha cây lâu năm (dừa và cây ăn trái), góp phần xây dựng tỉnh Bến Tre “xanh, sạch, đẹp”, tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, tạo thành môi trường trong lành, đáng sống; phát động phong trào trồng cây từ trong nhà ra đến đường phố, công sở, trường học, doanh trại,… phải phủ xanh, đâu đâu cũng thấy có cây xanh “đâm chồi, nảy lộc”.

Với tinh thần đó, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam kêu gọi cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bến Tre trong việc trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, trồng cây nào tốt cây đó. Song song đó, nêu cao tình thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, cộng đồng để bảo vệ cây xanh đã trồng trong khu vực công cộng; cây xanh ven đường, bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép… Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tiếp tục ủng hộ, đồng hành để tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu tốt đẹp đã đề ra./.

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top