Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 9 năm 2018 | 15:59

Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”

Sáng 21/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000-2018.

 

dsc_0619.jpg

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và 15.000 đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xây dựng đời sống văn hóa là nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 18 năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đây là một sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Phong trào văn hoá ở huyện nông thôn mới đạt được nhiều kết quả ấn tượng; đồng thời gia đình văn hóa với truyền thống tốt đẹp “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” được chú trọng, đã phát huy những yếu tố tích cực, góp phần to lớn trong việc duy trì và bảo vệ các tế bào của xã hội lành mạnh

Năm 2017, cả nước đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa; trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; đã công nhận hơn 69.000 làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa; đã có gần 3.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 38,9%), 55 đơn vị cấp huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Đây có thể coi là những hạt nhân, điểm sáng cần tiếp tục được nhân rộng.

Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước, nhất là gần đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, làng thôn ấp bản tổ dân dân phố văn hoá. Đây là văn bản quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn  hóa trong thời gian tới.

 

dsc_0794.jpg

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế trong lĩnh vực này. Trước hết là vấn đề nhận thức, nhiều nơi còn cho rằng việc thực hiện phong trào là trách nhiệm của riêng mình, riêng ngành văn hóa, chứ không phải là của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của toàn dân… Chất lượng danh hiệu văn hóa chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng miền và kết quả chưa thực sự bền vững. Ví dụ, không ít gia đình tuy được công nhận là gia đình văn hóa nhưng chưa phát huy được yếu tố văn hóa và giá trị cao đẹp của gia đình trong cuộc sống.

Thủ tướng cho rằng bên cạnh quan tâm đến phát triển kinh tế, cần quan tâm vấn đề văn hóa. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội; chăm lo bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam đủ tự tin, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập thế giới, đủ sức đề kháng với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa.

Theo Thủ tướng, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cả cấp độ quốc gia, địa phương, cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn. Cần đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý. Xây dựng đời sống văn hóa là việc làm của toàn dân, là nhiệm vụ toàn diện và lâu dài, phải huy động được sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào. Tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo.

Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị sẽ đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sáng tạo để tạo ra một động lực mới, khí thế mới, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt phong trào, xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng./.

 

 

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top