Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 12 năm 2016 | 3:59

Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Ngày 7/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Y tế; 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng chung tay, tạo sự thống nhất, đồng thuận vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức và nâng cao sức khoẻ nhân dân; 

Tìm giải pháp hữu hiệu, phù hợp và tăng cường sự phối hợp giữa người làm truyền thông với độ ngũ cán bộ y tế trong nâng cao chất lượng chăm sóc, khám, chữa bệnh sức khoẻ cho cộng đồng... là những nhiệm vụ chính của truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, việc đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục sức khoẻ là một trong những giải pháp chủ yếu của Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/1/2013. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh lĩnh vực y tế là lĩnh vực bao hàm nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi các nhà truyền thông, đội ngũ phóng viên báo chí phải có sự am hiểu về lĩnh vực y tế và có kỹ năng truyền thông phù hợp.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng về phía Bộ Y tế luôn quan niệm truyền thông y tế phải đi trước, song hành với ngành y. 

Tham gia Hội thảo, TBT Báo Kinh tế nông thôn Nguyễn Anh Tuấn có bài tham luận “Báo chí, truyền thông với chăm sóc sức khỏe”.

Theo TBT Báo Kinh tế nông thôn Nguyễn Anh Tuấn, chăm sóc sức khỏe được xác định là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tổng quát và hạnh phúc của mọi người.

TBT Nguyễn Anh Tuấn phân tích: “Tuyên ngôn Alma-Ata 1978 định nghĩa Chăm sóc sức khỏe ban đầu như sau: “Là sự chăm sóc sức khỏe thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật học thực tiễn, có cơ sở khoa học và được chấp nhận về mặt xã hội, phổ biến đến tận mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, qua sự tham gia tích cực của họ với một phí tổn mà cộng đồng và quốc gia có thể đài thọ được ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, trên tinh thần tự lực và tự quyết. Nó là một bộ phận hợp thành vừa của hệ thống y tế Nhà nước – mà trong đó, nó giữ vai trò trọng tâm và là tiêu điểm chính – vừa của sự phát triển chung về kinh tế -  xã hội của cộng đồng. Nó là nơi tiếp xúc đầu tiên của người dân với hệ thống y tế, đưa sự chăm sóc sức khỏe đến càng gần càng tốt nơi người dân sống và lao động, trở thành yếu tố đầu tiên của một quá trình săn sóc sức khỏe lâu dài”.

Qua định nghĩa trên thấy, để có được sức khỏe tốt, ngoài sự tận tâm của các cơ sở khám chữa bệnh khi không may mắc bệnh, thì trước hết và đóng vai trò đặc biệt quan trọng là, mọi người dân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình, người thân và cộng đồng. Chăm sóc sức khỏe bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ ăn uống, tập luyện đến tự phát hiện bệnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe… Phòng mỗi loại bệnh khác nhau cần những kiến thức khác nhau. Mỗi lứa tuổi khác nhau cần những kiến thức khác nhau về chăm sóc sức khỏe. Mỗi giới lại cần những kiến thức khác nhau về sức khỏe của giới mình. Mỗi vùng, miền lại cần những kiến thức khác nhau về những bệnh thường gặp ở vùng, miền mình sinh sống. Mỗi mùa khác nhau lại cần những kiến thức chăm sóc sức khỏe khác nhau… Để có thể tiếp cận tất cả các lĩnh vực trong chăm sóc sức khỏe là điều không dễ, thậm chí là không thể nhưng phải bằng mọi cách phổ cập kiến thức y học thường thức về bảo vệ sức khoẻ cho toàn dân. Đây là công việc cần sự góp sức của cả cộng đồng mà ngành y tế đóng vai trò dẫn dắt, định hướng; truyền thông, báo chí đóng vai trò phổ cập kiến thức, phản ánh mặt tích cực, những điểm chưa chưa phù hợp trong thực tế và trong chính sách để cơ quan chuyên môn điều chỉnh kịp thời…

Như vậy có nghĩa là, để được chăm sóc sức khỏe tốt, cả hai phía, những người làm công tác y tế (thầy thuốc -  y, bác sĩ), nhất là y tế dự phòng và mọi người dân cần biết được trách nhiệm của mình. Để mọi người dân biết  được trách nhiệm của mình đối với chăm sóc sức khỏe của mình và người thân thì công tác phối hợp giữa y tế dự phòng với các cơ quan thông tin, tuyên truyền và truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc hợp tác này phải thường xuyên, liên tục, cần được ưu tiên và luôn phải đi trước.

Tại sao nói sự hợp tác giữa y tế dự phòng với truyền thông lại quan trọng? Tại sao phải hợp tác thường xuyên, liên tục, cần được ưu tiên? Và tại sao luôn phải đi trước?

Có thể nêu mấy lý do sau: Thứ nhất, Báo chí là cầu nối quan trọng và hiệu quả giữa ngành y tê với người dân, việc lan tỏa thông tin qua báo chí, truyền thông trong thời đại bùng nổ thông tin là nhanh nhất và rộng nhất. Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và truyền thông giúp cho thông tin báo chí chính xác, nhờ đó định hướng được dư luận, giảm được những bức xúc, lo lắng không cần thiết của người dân. Thứ ba, việc tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục để mọi người, mọi vùng có thể tiếp cận những thông tin này bởi thay đổi nhận thức là một quá trình chứ không thể nói một vài lần là có sự thay đổi. Ví dụ: Có thể thấy lợi ích từ việc rửa tay nhưng để mọi người thực hiện rửa tay sau khi vệ sinh, trước bữa ăn, nhất là rửa tay đúng cách lại là việc không đơn giản. Thứ tư, không chỉ thường xuyên, liên tục mà việc truyền thông phải đi trước, cùng với dự báo để mọi người dân biết cách ứng phó với dịch bệnh, qua đó hạn chế tối đa những  phát sinh khi dịch bệnh đã xảy ra. Ví dụ: Khi dịch cúm gia cầm H5N1 mới xuất hiện, do truyền thông không phù hợp khiến người dân quay lưng với cả gia cầm sạch, làm cho ngành chăn nuôi gà lao đao một thời gian dài. Thứ năm, với vai trò, chức năng của mình, các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ giám sát, cổ vũ và nhân rộng những việc làm đúng, phê phán những việc chưa đúng một cách rộng rãi và nhanh chóng, hiệu quả cao. Tóm lại, khi làm tốt công tác truyền thông, mọi người hiểu và làm tốt việc mình phải làm trong tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình. Điều này sẽ giảm áp lực đối với ngành y, giảm chi phí cho cả gia đình và xã hội.

Nói vậy có nghĩa là, truyền thông phải được ngành y tế, các cơ quan báo chí ưu tiên về nhiều mặt. Theo đó, ngành y tế cần dành kinh phí để triển khai hiệu quả công việc này dưới mọi hình thức, cả truyền thống (in panô, áp phích, tờ bướm, tờ rơi, tuyên truyền miệng, qua hệ thống loa phóng thanh ở các xã phường, thôn bản,…) và hiện đại (qua các chuyên mục sức khỏe, hỏi – đáp kiến thức phòng bệnh,… của các cơ quan báo chí, nhất là báo chí điện tử qua mạng Internet)

Thực tế những năm qua cho thấy, công tác truyền thông y tế về chăm sóc sức khỏe đã được Nhà nước, Bộ Y tế quan tâm đầu tư và mở rộng, hiện chúng ta có tới 15 chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống các loại bệnh (phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; phòng chống lao; phòng chống sốt rét; phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của thuốc lá...). Trong đó đặc biệt là Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe người dân tầm nhìn đến năm 2030. Mối quan hệ giữa Bộ Y tế với các cơ quan báo chí cũng được mở rộng. Nhờ vậy, người dân đã có hiểu biết nhiều hơn về một số loại bệnh, như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, gut, sốt xuất huyết, HIV/AIDS, lao, suy dinh dưỡng trẻ em… Những bệnh và vấn đề mới phát sinh, như  các loại virut gây cúm gia cầm có thể lây sang người như H5N1, Ebola, Zika,… cũng đã được phổ biến nhanh chóng nên phần nhiều người đã biết cách phòng tránh, nhờ đó hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh. Và trên thực tế là ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh đã có nhiều thay đổi tích cực trong khám chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ dân số thiếu hiểu biết kiến thức tự chăm sóc sức khỏe là không nhỏ. Đặc biệt là những người dân sống ở nông thôn, nhất là nhóm dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người có căn bản giáo dục thấp, thu nhập thấp, người cao tuổi,… Với những người này, họ sẽ không hiểu hoặc hiểu không đúng về diễn tiến và nguyên nhân gây bệnh, không biết tự chăm sóc cũng như phòng tránh bệnh, thường tới phòng cấp cứu để chữa bệnh thông thường, không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ đi khám khi bệnh đã nặng, chữa bệnh bằng những cách không phù hợp…

Các cụ ta từ xưa đã nói: “Bệnh từ miệng vào”. Kết luận này của cha ông ta đến nay còn nguyên giá trị, nhất là khi thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng đang bủa vây người tiêu dùng. Không chỉ do thiếu kiến thức mà còn cả vì lợi nhuận nên người ta dùng hóa chất bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm và nhiều người có bệnh nhưng không kiêng khem mà ăn uống bừa bãi. Ví dụ việc hạn chế ăn muối đối với nhiều loại bệnh không được nhiều người biết để áp dụng. Theo thống kê, số người mắc bệnh ung thư ở nước ta tăng nhanh có nguyên nhân chính là do thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ có thực phẩm bẩn, nguồn nước sạch cũng còn thiếu, nhất là ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Và cả không khí cũng không còn trong lành, nhất là ở các thành phố lớn và khu công nghiệp, làng nghề. Đó đều là những nguyên nhân gây nên hàng trăm loại bệnh, kể cả bệnh nan y. Chúng ta khuyến cáo: Cần là người tiêu dùng thông thái. Điều này đâu có dễ như nói bởi những mánh gian lận thương mại của cả người sản xuất và người kinh doanh rất “tinh xảo”, thông thái đến mấy cũng “khó thoát” vì rau sạch và rau bẩn, thịt sạch và thịt bẩn không đâu không có, rất khó phân biệt. Và nhất là,  thông thái đến mấy cũng không thể tránh được không khí, nguồn nước ô nhiễm.

Chăm sóc sức khỏe là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong tham luận ngắn này, trên cương vị là Tổng biên tập báo Kinh tế nông thôn, tôi xin đề xuất mấy kiến nghị ngắn liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu của tờ báo (hướng dẫn tổ chức sản xuất rau, quả, thịt, trứng, cá,… những thực phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của mọi gia đình).

Theo đó, để từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ thực phẩm bẩn trong đời sống, ngành y tế cần phối hợp với ngành nông nghiệp và các cơ quan báo chí  trong tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người nông dân, những chủ thể chính trong sản xuất nông sản thực phẩm để họ sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững, vì sức khỏe của cả cộng đồng. Trong đó nhấn mạnh đến tác hại cả về dinh dưỡng – sức khỏe, môi trường, kinh doanh – tiêu thụ và những hình phạt về  những vi phạm này. Trong phạm vi của mình, Báo Kinh eé nông thôn sẽ làm cầu nối hiệu quả về vấn đề này. Thứ hai, ngành y tế cần phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức các chốt kiểm tra chất lượng nông sản tại các chợ, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Mới đây Hà Nội tổ chức xe lưu động giám định nhanh chất lượng thực phẩm được nhân dân rất hoan nghênh. Cần nhân rộng mô hình này. Thứ ba, ngành y tế cần phối hợp, đặt hàng các nhà sản xuất phần mền để sớm có phầm mềm giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua các thiết bị điện thoại thông minh đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Thứ tư, ngành y tế cần chủ động nghiên cứu, đề xuất hình thức, mức phạt hành chính tăng cao, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh xâm hại đến sức khỏe người dân; và phối hợp với cơ quan báo chí triển khai tuyên truyền sâu rộng, liên tục về các hình phạt này. Thứ năm, ngành y tế các cấp, nhất là các cơ quan quản lý thường xuyên cung cấp thông tin về công tác y tế dự phòng trên cơ sở các cuộc họp báo định kỳ và đột suất. Trong đó, ngành y tế chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề mới trong phòng chống dịch bệnh bùng phát hoặc mới phát sinh cho các cơ quan báo chí với những định hướng rõ ràng, cụ thể. Thứ sáu, ngành y tế chủ động hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ quan báo chí để các cơ quan báo chí xây dựng chuyên mục thường xuyên về chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe với một số bệnh phổ biến, những cách phòng bệnh đơn giản, những cách dùng thực phẩm đúng cách,… qua đó nâng cao năng lực phòng, trị bệnh cho người dân. Cần chú ý tới những tờ báo có đối tượng ở nông thôn, miền núi. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức tọa đàm theo chuyên đề về những vấn đề mới – nóng về dịch bệnh, những vấn đề còn vướng mắc trong phòng – trị bệnh. Các Trung tâm y tế dự phòng cần có số điện thoại tư vấn miễn phí các vấn đề về phòng chống bệnh…”.

PV.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top