Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 2 năm 2018 | 16:13

Phát triển du lịch Lý Sơn theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh

Du khách đến với Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ để khám phá mà còn thưởng thức ẩm thực, tham quan chiêm ngưỡng lễ hội, khám phá đời sống của cư dân và trải nghiệm không gian cư trú, văn hóa tâm linh và rừng đảo tỏi của người dân nơi đây.

Chính vì vậy, chính quyền huyện Lý Sơn sẽ phát triển du lịch theo hướng xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Lý Sơn, đa dạng dấu ấn văn hóa

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Lý Sơn là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử thiêng liêng về chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nơi có những kiến tạo địa chất độc đáo; giàu bản sắc văn hóa. Dòng chảy lịch sử đã sản sinh, lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của các tộc người nối tiếp nhau cộng cư trên mảnh đất này, cùng nhau làm nên tầng văn hóa đặc trưng, vừa đậm nét cổ xưa, vừa đan quyện, giao thoa với nét đương đại, để tạo nên dáng dấp của một huyện đảo năng động.

 

tr56a.JPG
Chỉ mất khoảng 45 phút, bằng phương tiện tàu cao tốc, từ cảng Sa Kỳ du khách đã có thể đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn.

 

Lý Sơn là huyện đảo có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có hệ sinh thái biển đảo, nhiệt đới đa dạng và ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, với gần 70 đình chùa, miếu mạo, thờ tự được phân bổ đều khắp trên địa bàn huyện.

Lý Sơn có 50 di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng được phân bổ dày đặc trong khu dân cư, là dấu ấn của cả 3 nền văn hóa: Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt, nhất là những di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa. Trong đó, có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 1 di sản văn hóa phi vật thể là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...

Nơi đây vẫn đang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến những đội hùng binh vâng mệnh triều đình đi trấn giữ vùng lãnh hải của Tổ quốc cách đây hàng trăm năm. Trên đảo có 5 ngọn núi: Thới Lới, Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai. Đặc biệt, xung quanh đảo có nhiều rặng san hô nhiều màu sắc, hình dáng muôn vẻ, vô cùng đẹp mắt, rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch lặn biển.

Chỉ mất khoảng 45 phút, bằng phương tiện tàu cao tốc, từ cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), du khách đã có mặt trên huyện đảo Lý Sơn. Đến đây, du khách có thể tham quan vòng quanh đảo, tham quan các danh lam thắng cảnh, di lích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Quần thể đình làng An Hải, chùa Hang, Âm linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa và những cảnh đẹp khác như: Chùa Đục, hòn Tai, hòn Vung, đảo Mù Cu, chinh phục đỉnh núi Giếng Tiền và một số nhà cổ,…

Sau khi đi tham quan, du khách xem lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống, thưởng thức các món đặc sản biển, các món rau làm từ rong biển...; mua tỏi, ốc Lý Sơn làm quà cho bạn bè, người thân.

Với lợi thế là địa danh có thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, đến với Lý Sơn, ngoài việc thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, những tuyệt tác thiên nhiên giữa bốn bề sóng biển, du khách còn có dịp thăm những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, nhiều di tích lịch sử văn hóa và loại hình lễ hội truyền thống đặc sắc cũng như những tư liệu quý về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

tr56.JPG

Chùa Hang - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể tạo cho Lý Sơn diện mạo mới trong khai thác du lịch. Bởi vậy, rất đông du khách trong và ngoài nước đã chọn Lý Sơn làm điểm đến.

Cơ sở vật chất đang hoàn thiện

Hiện, Lý Sơn có 31 nhà nghỉ đang hoạt động, trong đó có 4 khách sạn với tổng số gần 500 phòng. Ngoài ra, còn có trên 50 hộ gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng “homestay” với tổng số gần 300 phòng.

Các tour du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh và du lịch sinh thái biển phù hợp với thế mạnh của Lý Sơn được mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp. Có 6 tàu cao tốc phục vụ du khách cùng 40 xe du lịch, 9 taxi và 32 xe tuk tuk cùng nhiều cơ sở ăn uống, giải khát phục vụ nhu cầu của du khách.

Đầu tháng 5/2016, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh khai trương đưa khách sạn Mường Thanh Holiday Lý Sơn vào hoạt động. Mường Thanh Holiday Lý Sơn với cơ sở hạ tầng hiện đại đã góp phần đáp ứng nhu cầu của du khách đến huyện đảo Lý Sơn ngày một tăng.

Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Mục tiêu tổng quát phát triển ngành du lịch của Lý Sơn là phát triển huyện đảo theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, một tụ điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, kết hợp phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái biển với đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh.

Đánh giá về du lịch Lý Sơn, bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Năm 2017, lượng khách đến  Quảng Ngãi đạt 810.000 lượt người, bằng 108% kế hoạch, tăng 12% so với năm trước. Đặc biệt, huyện đảo Lý Sơn đã thu hút lượng khách lớn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Năm 2016, Lý Sơn thu hút 165.000 lượt khách, năm 2017 tăng lên 210.000 lượt khách, vượt chỉ tiêu đề ra. Du lịch biển, đảo năm nay tăng trưởng tốt, mặc dù thời tiết bất lợi. Có thể nói, du lịch Lý Sơn là “đầu tàu” của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lý Sơn đón khoảng 500.000 lượt khách du lịch, trong đó có 3.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu trên 500 tỷ đồng, thu nhập GDP du lịch chiếm gần 11% tổng GDP của huyện; giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp trên đảo.

Hy vọng với những định hướng và hành động phát triển ngành du lịch của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện đảo Lý Sơn nói riêng, sẽ thu hút khách du lịch đến với Quảng Ngãi ngày càng nhiều.

Hải Yến


 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top