PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG – AN NINH

 

Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
trình bày tham luận tại Đại hội XII. Ảnh: TTXVN

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa Đại hội!

Trước hết, tôi xin gửi đến Đoàn Chủ tịch, các vị khách quý cùng các vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Qua nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, tôi bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao chất lượng dự thảo các văn kiện, thể hiện tư duy, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng. Tại Đại hội hôm nay, tôi xin tham luận về nội dung “Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh”.

Kính thưa Đại hội!

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 là “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng xác định một trong 3 đột phá chiến lược là“Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) trong 5 năm qua đã được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư và đặc biệt kết quả đầu tư đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy các vùng miền và cả nước phát triển. Cụ thể như sau:

Về đường bộ:

- Đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm; hoàn thành mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm; đây là 02 trục giao thông quan trọng nhất, có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng, các đầu mối giao thông đối ngoại trọng yếu.

- Đã có trên 700 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt hơn 100 km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra); đây là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục bắc - nam, kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam với các cảng biển cửa ngõ và cửa khẩu quốc tế, bao gồm tuyến: thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; Pháp Vân - Ninh Bình; Liên Khương - Đà Lạt; Vành đai 3 Hà Nội; Đại lộ Thăng Long; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; Nội Bài - Nhật Tân; TP. Hồ Chí Minh - Dầu Giây; Hà Nội - Hải Phòng. Hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa nước ta đứng vào tốp 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

- Các tuyến quốc lộ hướng tâm quan trọng khu vực phía Bắc (QL5, QL2, QL32, QL6, QL18); các đường vành đai biên giới (QL4, QL279, QL37); các tuyến quốc lộ quan trọng khu vực miền Trung, Tây Nguyên (QL7, QL8, QL19, QL24, QL25, QL27, QL20, QL15...), khu vực miền Nam (tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu, QL80 Mỹ Thuận - Vàm Cống, QL53, QL54...); nhiều công trình lớn (cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì, Đầm Cùng, Năm Căn, Cái Tắt, An Hữu, Rạch Sỏi...) đã được ưu tiên đầu tư xây dựng.

Về đường sắt: Tiếp tục nâng cao chất lượng cầu, hầm, đường sắt; hệ thống thông tin - tín hiệu; chất lượng phương tiện đầu máy - toa xe. Kết quả đã nâng tốc độ bình quân chạy tầu tuyến đường sắt thống nhất từ 60 km/h lên 77 km/h, tuyến Hà Nội - Lào Cai từ 45 km/h lên 56 km/h. Cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách (như triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử, xây dựng cầu vượt cho người đi bộ trong nhà ga, lắp đặt mái che, cải tạo trang thiết bị vệ sinh toa xe; nâng cao chất lượng bữa ăn) và cải thiện an toàn giao thông đường ngang...

Về đường thuỷ nội địa: Các tuyến đường thủy chính đã được đầu tư nâng cấp để đến năm 2015-2016 vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1.100 km đường thủy, vùng đồng bằng Bắc Bộ có gần 500 km đường thủy được nâng cao năng lực vận tải. Hiện đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy quan trọng khác.

Về hàng hải: Hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và nhiều cảng khác, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn năm 2011 lên khoảng 470 triệu tấn năm 2015, tăng khoảng 50 triệu tấn so với năm 2011. Đang đầu tư cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cảng. Đặc biệt đã triển khai tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và kết nối khu vực của phương thức vận tải thủy, giảm giá thành vận tải và giảm tải đáng kể áp lực cho vận tải đường bộ bắc - nam.

Về hàng không: Hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình tại các cảng hàng không quan trọng, như Nội Bài (nhà ga T2, nhà khách VIP), Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân...; các công trình quản lý hoạt động bay: Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội, các trạm giám sát hoạt động bay ở phía Bắc, các trạm radar Sơn Trà, Quy Nhơn... đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hàng không đang tăng rất nhanh thời gian qua. Mở mới 38 đường bay (23 quốc tế, 15 nội địa), đưa tổng số đường bay từ 105 năm 2011 (72 quốc tế, 33 nội địa) lên 143 năm 2015 (95 quốc tế, 48 nội địa). Đến nay đã có 52 hãng quốc tế thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia khai thác đi/đến Việt Nam. Hiện đang gấp rút triển khai công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Giao thông đô thị: Đã tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là vành đai 3, 4 Hà Nội, vành đai 2,3 thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu giao thông nội đô, giao thông quá cảnh qua 2 thành phố này được nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Đồng thời, đang phối hợp với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai 06 dự án đường sắt đô thị.

Giao thông nông thôn (GTNT): Đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp gần 50.000 km đường GTNT; xây mới gần 15.500 cầu; cứng hóa được hơn 220.000 km đường GTNT. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đến hết năm 2015 có 35% số xã trong cả nước đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đã triển khai thực hiện Giai đoạn 1 của Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số; hoàn thành trên 200 cầu treo dân sinh trên phạm vi 29 tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Để đạt được kết quả nói trên, ngành GTVT đã tăng cường công tác quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; tránh đầu tư dàn trải; thực hiện rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... nên đã tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án trong 5 năm qua. Đồng thời, ngành đã tạo được bước đột phá trong việc thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển KCHTGT. Trong giai đoạn 2011-2015, đã kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho KCHTGT được trên 410.000 tỷ đồng. Việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, giữa các đầu mối giao thông cửa ngõ đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải; làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, KCHTGT của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 36 bậc (năm 2010 mới ở vị trí 103 thì năm 2015 đã đứng ở vị trí 67). Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16-20%/năm... Đây chính là những thước đo chính xác, khách quan nhất cho những chuyển biến về lượng và chất của KCHTGT, của hiệu quả đầu tư, qua đó đóng góp trực tiếp vào việc làm giảm giá thành vận tải, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tóm lại, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành và địa phương, KCHTGT đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh như đã được ghi nhận tại Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, khẳng định tính đúng đắn và Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XI đã thực sự đi vào cuộc sống.

Kính thưa Đại hội!

Trong những năm tới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh tiếp tục đặt cho ngành GTVT những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, hết sức nặng nề, đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực phấn đấu, cùng các ngành, các cấp và toàn xã hội vượt qua khó khăn, thử thách để tạo ra chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển KCHTGT. Trên cơ sở những thành quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá sau đây để phát triển hệ thống KCHTGT:

Một là, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển KCHTGT.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển KCHTGT, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào huy động các nguồn lực phát triển KCHTGT.

Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB, tiến độ thi công các dự án; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Các mục tiêu cơ bản về phát triển KCHTGT giai đoạn 2016-2020 như sau:

Về đường bộ:

- Đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường bộ cao tốc, bao gồm:

+ Cơ bản nối thông cao tốc bắc - nam: hoàn thành các tuyến cao tốc đang thi công Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan; khởi công mới các đoạn tuyến Ninh Bình - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

+ Hoàn thành tuyến cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, Bắc Giang – Lạng Sơn, Hòa Lạc – Hòa Bình. Tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bắc Giang - Đồng Đăng, Hạ Long - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Dầu Giây - Liên Khương...

+ Nâng cao khả năng khai thác các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc đầu tư các tuyến kết nối với đường cao tốc, như: kết nối Hà Giang, Tuyên Quang - Sơn La - Điện Biên, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kết nối Cao Bằng với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Hoàn thành các hầm Đèo Cả, Cù Mông, hầm Hải Vân giai đoạn 2;

- Tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ; Hoàn thành hơn 600 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến; Hoàn thành các cầu lớn: Đại Ngãi, Vàm Cống, Cao Lãnh, Văn Lang, Bạch Đằng, Bình Ca...; Đầu tư đường hành lang ven biển và đường tuần tra biên giới.

Về đường sắt: Tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến bắc - nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục bắc - nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dùng chung cho tàu khách và tàu hàng, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h, như đoạn Hà Nội - Vinh, thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Về hàng không: Tập trung nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không, đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội. Đầu tư cảng hàng không Vân Đồn, Lào Cai, Lai Châu và Nà Sản bằng hình thức xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mở thêm các đường bay mới cả trong và ngoài nước.

Về hàng hải: Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu công-ten-nơ thế hệ mới; Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cảng Lạch Huyện; khuyến khích đầu tư xã hội hóa phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; hoàn thành Dự án xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng biển quan trọng... đưa tổng công suất các cảng biển đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020. Chú trọng đầu tư đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia, đầu mối logistics ở khu vực.

Về đường thủy nội địa: Đảm bảo chạy tàu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa quan trọng; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc; Nâng cấp, xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hóa và hành khách; phát triển vận tải sông pha biển.

Về giao thông đô thị: Tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống KCHTGT đô thị và vận tải công cộng; Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về giao thông nông thôn: Duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới GTNT hiện có (Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100% đối với tuyến đường huyện, 70% đối với tuyến đường xã và 50% đối với tuyến đường thôn, xóm); hoàn thành toàn bộ 4.200 cầu dân sinh... nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

Kính thưa Đại hội!

Với nhận thức rằng, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, tôi trông đợi ở những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống KCHTGT ở Việt Nam. Bộ GTVT luôn quán triệt trong toàn ngành những gì đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi Ngành phải nỗ lực không ngừng, phấn đấu liên tục, hy sinh không mệt mỏi mới mong có thể hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn trong những năm tới đây. Vì vậy, sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương; sự tăng cường giám sát của các tổ chức Đảng, các Đảng viên cũng như của toàn thể nhân dân cả nước, sẽ mãi mãi là nguồn động viên to lớn, là điểm tựa tinh thần vững chắc để chúng tôi tiếp tục tự tin, phấn khởi tiến bước mạnh mẽ hơn lên phía trước.

Xin được gửi ý nguyện chân thành đó đến Đại hội.

Nhân dịp năm mới 2016, Xuân Bính Thân, một lần nữa tôi xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!