Để dọn đường cho chiến dịch ném bom rải thảm huỷ diệt, Mỹ đã liên tục ném bom 24/24 giờ các sân bay, các trạm Radar dẫn đường và các trận địa phòng không của ta. Ngay tối 18/12/972 Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay F111 cùng một lúc đánh phá rất ác liệt hệ thống các sân bay: Đa Phúc, Yên Bái, Kép, Hoà Lạc, Kiến An, Gia Lâm …với ý đồ không cho máy bay của ta cất cánh, hạ cánh.
Các máy bay tiêm kích của ta sơ tán ra các khu vực quanh sân bay và cơ động đến các sân bay dã chiến. Từ các sân bay khác nhau, máy bay của ta liên tục cất cánh ngày đêm. Tuy gặp phải sự chống trả quyết liệt của máy bay tiêm kích Mỹ nhưng những chiếc MiG vẫn bay lên phá vỡ đội hình máy bay Mỹ, cản phá và làm tan mọi ý đồ ném bom rải thảm dã man của B52, tạo điều kiện cho các lực lượng phòng không của ta tiêu diệt.
Việc tìm hiểu các quy luật hoạt động của máy bay B52, cách đánh B52 đã được tiến hành nghiên cứu từ trước đó rất lâu, nhưng khi những loạt bom đầu tiên do máy bay B52 Mỹ thả xuống Hà Nội, cán bộ chiến sĩ không quân đã phải trải qua một cảm giác hết sức nặng nề; nhiều người có gia đình, người thân ở ngay trong vùng máy bay B52 rải thảm: “…Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của Hà Nội phải hứng chịu lửa bom hết đợt này đến đợt khác. Rồi sẽ còn chồng chất những tội ác nào nữa? Đó là điều ai cũng lo lắng. Con nghĩ lúc này không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà thân yêu của mình cùng với…” - như lá thư viết dở dang của phi công Vũ Xuân Thiều gửi người thân.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa tại buổi gặp mặt kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điên Biên Phủ trên không”.
Đã 5 ngày trôi qua trong chiến dịch 12 ngày đêm, cuộc chiến đấu ở cả trên không và mặt đất càng trở nên ác liệt và căng thẳng, cường độ xuất kích ngày càng tăng mạnh. Tiêm kích của không quân Việt Nam vẫn chưa bắn rơi được chiếc máy bay nào.
Ngày 23/12/1972, bước sang ngày thứ 6 của chiến dịch 12 ngày đêm, tiêm kích của không quân Việt Nam đã sẵn sàng xuất kích.
13 giờ 34, phi công Trần Sang cất cánh từ sân bay Kép, với nhiệm vụ nghi binh, nhử mồi, nhưng khi anh phát hiện được đội hình cường kích F4, liền chủ động xin phép tấn công, quần nhau quyết liệt với 12 máy bay F4 nhưng không kết quả.
13 giờ 40, biên đội Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Kiền được lệnh cất cánh. Sở chỉ huy dẫn biên đội về phía Phủ Lý vòng tránh khá xa đội hình tiêm kích Mỹ, từ đây đánh thọc sườn đội hình 16 máy bay cường kích F4 mang bom. Chính cú thọc sườn này đã làm cho máy bay cường kích Mỹ phải ném bom vội vã ngoài mục tiêu để tháo chạy, nhưng biên đội lại bị đội hình tiêm kích Mỹ vây chặt. Không còn sự lựa chọn nào khác, biên đội Nghĩa, Kiền phải đánh nhau với máy bay tiêm kích Mỹ. Mỹ cậy số đông muốn bắt MiG21 phải sa vào quần nhau với chúng, buộc chúng ta bị động né tránh tên lửa, đến khi mệt mỏi lơi lỏng tay lái sẽ bị bắn rơi. Biên đội vẫn giữ vững đội hình bảo vệ cho nhau mặc dù đã thấm mệt. Rất quyết đoán, Nguyễn Văn Nghĩa ngắm vào đội hình 4 máy bay F4 ở phía bên trái, phóng một quả tên lửa rất kịp thời, chiếc máy bay Mỹ định cơ động nhưng quả tên lửa của anh đã chui vào động cơ và bùng cháy. Và đó cũng là thời cơ để hai chiếc MiG21 lao lên cao thoát ly ra được khỏi khu vực chiến đấu.
Do cay cú, cậy thế đông, bọn tiêm kích Mỹ không tháo chạy và rút lui như mọi khi, tất cả những chiếc F4 còn lại, lao về hướng các sân bay của ta. Điều này đã được Tư lệnh Không quân dự kiến từ trước. Không quân đã yêu cầu pháo cao xạ, các hoả lực phòng không... bắn chi viện cho biên đội hạ cánh. Phi công Lê Văn Kiền vừa hạ cánh an toàn xuống sân bay Gia Lâm thì sân bay bị dội bom ác liệt. Đường băng sân bay Nội Bài cũng bị đánh hư hỏng nặng, Nguyễn Văn Nghĩa được lệnh Sở chỉ huy cho phép nhảy dù, nhưng anh vẫn quyết tâm xin phép hạ cánh trên đường lăn sân bay Nội Bài. Đường lăn chỉ còn 1000m, việc hạ cánh không an toàn, Sở chỉ huy lần thứ 2 nhắc anh nhảy dù, anh xin phép hạ cánh. Khi này tiêm kích Mỹ vẫn cay cú bám theo anh bắn rất dữ dội, cho đến khi máy bay lăn vào ụ an toàn, mặc dù cao xạ bắn rất mạnh chi viện.
Một trận đánh hoàn hảo, một cuộc hạ cánh tuyệt vời, một thế trận hợp đồng tác chiến ăn ý giúp Biên đội Nghĩa - Kiền bắn rơi một chiếc F4, chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị KQNDVN hạ đo ván trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Với thành tích bắn rơi tại chỗ 5 máy bay F4, bắn bị thương 1 máy bay F4 khác, ngày 3/9/1973, phi công Nguyễn Văn Nghĩa được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong không khí hân hoan của ngày Đại thắng 30/4/1975, một phi đội MiG21 của Trung đoàn 927, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng PK - KQ nhận nhiệm vụ quan trọng: chuyển 13 chiếc MiG21 từ sân bay Kép vào sân bay Biên Hòa để tham gia bay diễu binh trên Quảng trường Thống Nhất trong Lễ mít tinh mừng Chiến thắng. Chính phi đội chuyển sân này là nòng cốt để thành lập một đơn vị mới của Không quân Việt Nam - Trung đoàn Không quân 935 anh hùng, phi đội tham gia cuộc chuyển sân lịch sử này do Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu.
13 giờ 15 phút, chiếc MiG21 đầu tiên mang số hiệu 5033 do phi đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển hạ cánh xuống Đà Nẵng. Không ai quên được khoảnh khắc lịch sử: đúng 10 giờ 30 ngày 14/5/1975, chiếc máy bay MiG21 số hiệu 5033 do Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển đã tiếp đất an toàn trên đường băng sân bay Biên Hòa, tiếp theo là 12 chiếc còn lại của phi đội. Đây là chuyến chuyển sân lịch sử: lần đầu tiên một phi đội MiG21 thực hiện chuyển sân từ miền Bắc vào miền Nam với cự ly bay dài gần hết chiều dài đất nước.
Ngày 15/5/1975, biên đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bay diễu binh trong Lễ mừng chiến thắng tại Quảng trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh.
Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Nghĩa rất vinh dự là phi công đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hoà, hai sân bay của mảnh đất miền Nam yêu quí sau bao năm bị chia cắt.
Ngày 21/5/1975, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung đoàn KQ chiến đấu lấy phiên hiệu là Trung đoàn 935 (trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đóng tại sân bay Biên Hòa), nhằm nhanh chóng sử dụng máy bay MiG21 làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Một tháng sau, ngày 20/ 6/1975 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 935. Đại tướng chỉ thị: “Nhiệm vụ của Trung đoàn lúc này là nhanh chóng làm chủ được máy bay F5, tăng cường sức chiến đấu cho Trung đoàn…”.
Chấp hành chỉ thị của Đại tướng, cùng với toàn Trung đoàn, các phi công MiG21 đã tập trung nghiên cứu, học tập chuyển loại máy bay F5.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa (trái) thay mặt phi đội MiG21 chuyển sân lịch sử năm 1975 nhận lẵng hoa của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ do Thiếu tướng phi công Lâm Quang Đại, Chính uỷ Quân chủng trao tặng nhân kỷ niệm 40 năm chuyển 13 MiG21 từ Kép vào Biên Hoà
Chỉ sau 1 tháng nghiên cứu, học tập, chiếc F5 do Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển đã tung bay trên bầu trời Biên Hòa và hạ cánh an toàn.
Khi chuyển ngành, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa là người đặt nền móng, lập đề án xây dựng Trường Hàng không Việt Nam trở thành Học viện Hàng không Việt Nam hiện nay. Anh là Giám đốc đầu tiên của Học viện Hàng không Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, anh được Quân chủng PK – KQ tín nhiệm mời làm Giám đốc đầu tiên của Câu lạc bộ Hàng không Việt Nam.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Nghĩa sinh ngày 03/5/1946 tại Quảng Ngãi, anh theo cha tập kết ra Bắc, học ở Trường HSMN và trúng tuyển phi công năm 1965 học lái máy bay tại Krasnoda, Liên Xô. Năm 1968 tốt nghiệp về nước, anh nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn KQ921. Năm 1972 chuyển về Trung đoàn KQ927. Anh hùng Nguyễn Văn Nghĩa là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp “Ace” – từ để chỉ những phi công ưu tú, đặc biệt xuất sắc, nhiều nước trên thế giới cho rằng phải bắn rơi 5 máy bay đối phương trở lên. |
Việt Cường
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.