Chiều 13-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về việc giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC của công dân trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện, xử lý theo đúng trình tự, quy trình các bước theo quy định của pháp luật. Nhiều vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết, đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tỉnh, giữa Trung ương và địa phương trong giải quyết các KNTC của công dân tại địa phương, hạn chế việc khiếu nại vượt cấp lên Trung ương, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp nhận 5.330 đơn KNTC, trong đó có 53 đơn từ năm trước chuyển sang, gồm: 837 đơn khiếu nại, 514 đơn tố cáo, 3.979 đơn kiến nghị, phản ảnh. Trong đó có 3.690 đơn đủ điều kiện xem xét, giải quyết. Nội dung KNTC tập trung vào lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách, về quản lý kinh tế, tài chính… Đến nay, trong tổng số 287 đơn khiếu nại với 287 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết đã giải quyết được 212 đơn với 212 vụ việc, đang giải quyết 75 đơn với 75 vụ việc. Về đơn tố cáo có 83 đơn với 83 vụ việc, đã giải quyết được 63 đơn với 63 vụ việc, đang giải quyết 24 đơn với 24 vụ việc… Các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo được gửi đến tận tay người KNTC và được cấp có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Quang cảnh buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Lắk trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Đặc biệt các vụ KNTC đông người, phức tạp, kéo dài đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tập trung giải quyết ngay từ cơ sở không để phát sinh thành “điểm nóng”, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh Đắk Lắk trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân như: Việc giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ảnh của công dân của một số ngành, địa phương, nhất là cơ sở còn chậm so với thời gian quy định của pháp luật. Một số vụ việc KNTC giải quyết chưa dứt điểm, còn để kéo dài, gây bức xúc và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự; một số cơ quan, đơn vị, địa phương khi giải quyết khiếu nại chưa tổ chức đối thoại, gặp gỡ với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Tình hình KNTC nói chung, trong đó nổi lên là KNTC liên quan đến tham nhũng, đất đai, hoạt động tư pháp, tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Việc triển khai thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật có vụ việc chưa được thực hiện nghiêm túc. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương thường không trực tiếp tiếp công dân, thường ủy quyền cho cấp phó hoặc “khoán trắng” cho bộ phận tiếp công dân của cơ quan, đơn vị; một số cán bộ, công chức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tỉnh chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức và người dân vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về KNTC ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, chưa triển khai sâu rộng đến cơ sở, chưa đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương dẫn đến một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ của người KNTC, thẩm quyền KNTC nên còn tình trạng đơn thư gửi vượt cấp, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc gửi đơn đến nhiều nơi…
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới các cấp, các ngành tỉnh Đắk Lắk cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng kéo dài. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC của công dân. Xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực này để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước trong công tác tiếp và giải quyết KNTC của công dân. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, tránh để bức xúc kéo dài, trở thành “điểm nóng” mất an ninh trật tự. Kết hợp chặt chẽ công tác giải quyết KNTC với quá trình cải cách thủ tục hành chính và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết KNTC. Chú trọng giải quyết các vụ KNTC đông người, phức tạp, kéo dài ngay từ cơ sở không để phát sinh thành “điểm nóng”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC cho cán bộ và nhân dân để mọi người hiểu và chấp hành thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, hạn chế đơn thư KNTC phát sinh trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Quốc Hùng – Duy Hòa
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.