Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 9 năm 2020 | 21:37

Phó Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 5 tại miền Trung

Trưa ngày 17/9, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Quảng Trị.

 
Phó Thủ tướng và Đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại khu cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tại Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng đã thị sát công tác chuẩn bị ứng phó bão tại khu cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng và Đoàn công tác tiếp tục di chuyển, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Khu tránh trú bão xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 5. Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ sau bão.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chủ động chuẩn bị của tỉnh Thừa Thiên – Huế để sẵn sàng ứng phó với bão số 5, được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền ngày 18/9. Những ngày vừa qua, các địa phương trong khu vực đã rất chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão.

Báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác phòng chống bão, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đang thực hiện khẩn trương các biện pháp cụ thể đến từng nhà dân, khu vực... trên địa bàn. Đến 16 giờ ngày 17/9, tỉnh sẽ kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn. 

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã có hơn 2.000 tàu cá vào neo đậu tại Khu tránh trú bão xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Còn 29 tàu đang được các lực lượng chức năng tiếp tục gọi vào bờ. Công tác sơ tán dân tránh bão sẽ hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9.

Thời gian từ nay đến khi bão dự kiến đổ bộ vào đất liền không còn nhiều, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế, tỉnh Quảng Trị và các địa phương khu vực miền Trung, nhất là các địa phương trong vùng dự kiến tâm bão đổ bộ trực tiếp tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến để kịp thời chỉ đạo, triển khai tốt công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác phòng chống bão. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trong đó, tập trung một số việc cụ thể, trước hết tập trung bảo đảm an toàn trên biển bằng các biện pháp như tiếp tục rà soát tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để yêu cầu về bờ tránh trú. Hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền tránh đứt neo, trôi, chìm vỡ do va đập tại nơi neo đậu.

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời, gia cố lồng bè nuôi trồng thuỷ, hải sản. Rà soát, chủ động sơ tán toàn bộ người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển, vùng cửa sông, trên các đầm phá ven biển trước khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết cần cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Để bảo đảm an toàn đối với các hoạt động ven biển, cần hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa; các trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế, nhà máy, cơ sở sản xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch,… phải chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, trang thiết bị, cơ sở vật chất của mình, hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Theo dự báo khi đổ bộ vào đất liền bão vẫn mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13 nên cần hết sức lưu ý để có kế hoạch bảo vệ nhà cửa, công trình.

 

Phó Thủ tướng và Đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại khu cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Tổ chức sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm ven biển, cửa sông, đây là các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do nước dâng, sóng lớn, sạt lở; sơ tán người khỏi các nhà dân, cơ sở lưu trú ven biển không bảo đảm an toàn. Các địa phương phải rà soát lại phương án sơ tán phù hợp với tình hình để bảo đảm an toàn cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sau bão bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bảo đảm an toàn công trình xây dựng, đê điều, hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện. Vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước trên địa bàn để vừa bảo đảm an toàn đập, vừa chống lũ cho hạ du và sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Cùng với đó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động tiêu úng chống ngập. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” trong mọi tình huống và triển khai khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

 

Phó Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Khu tránh trú bão xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Nguy cơ xảy ra mưa rất lớn

Do ảnh hưởng của bão, ngay từ đêm nay và sáng sớm ngày mai (18 tháng 9), ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có thể đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, biển động dữ dội, sóng biển cao, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển. Các tỉnh khu vực Trung Bộ, trong đó có Thừa Thiên Huế có nguy cơ xảy ra mưa rất lớn.

Phó Thủ tướng động viên cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con ứng phó bão. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trưa 17/9, tại Thừa Thiên – Huế đã bắt đầu có mưa, nhất là khu vực ven biển. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện còn 9 phương tiện tàu thuyền đang trên đường vào đất liền. Tỉnh có 2 cảng cá, 5 khu neo đậu tàu thuyền, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Riêng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải có sức chứa lớn, đảm bảo hơn 500 tàu thuyền loại từ 20CV trở lên. Ngoài ra, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện ở mức thấp và đảm bảo an toàn, sẵn sàng đón lũ. Thừa Thiên – Huế cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học các ngày 18-19/9, để đảm bảo an toàn.

 

Hàng nghìn tàu thuyền neo đậu tại Khu tránh trú bão xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trên địa bàn Thừa Thiên – Huế khoảng 28.100 hộ dân với trên 106.600 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5 sẽ phải sơ tán tại chỗ hoặc sơ tán tập trung, dự kiến công việc này sẽ hoàn tất trước 19 giờ ngày 17/9. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã lên phương án đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, an toàn điện lưới, dự trữ hàng hóa thiết yếu, quản lý an toàn các công trình hồ đập đang xây dựng.

Ngày 17/9, lãnh đạo và các ban, ngành của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị đã đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa lũ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân, hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top