Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ vào Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão số 16.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau thị sát khu neo đậu tàu thuyền tại huyện Trần Văn Thời. Ảnh VGP/Xuân Tuyến.
Trong buổi sáng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Phó Thủ tướng đã đi ca nô ra khu vực cửa biển để thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão...
Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn; di rời người dân khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú, không được để tàu thuyền trên biển...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Lãnh đạo cơ sở phải bám sát địa bàn, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, sơ tán triệt để, không được để người dân ở trên tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa yếu và những khu vực nguy hiểm... Tập trung, triển khai cấp bách các giải pháp bảo đảm an toàn nhà cửa, công trình trường học, bệnh viện, trạm xá, trường mầm non... Khi bão đổ bộ, phải nắm thật chắc tình hình những khu vực nguy hiểm để kịp thời ứng phó; đồng thời tiếp tục khuyến cáo bà con không được ra ngoài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ngay các giải pháp xử lý tình huống cấp bách và triển khai công tác khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định đời sống, sản xuất sau khi cơn bão đi qua...
Rời cảng cá Trần Đề, Phó Thủ tướng đến thăm bà con sơ tán tại Trường tiểu học Vĩnh Hải 2, huyện Trần Đề. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công tác bảo đảm nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán.
Phó Thủ tướng động viên bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại nơi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời, bà con cũng không được chủ quan đi ra ngoài trời khi bão đổ bộ, vì lúc này rất nguy hiểm (cây đổ, tấm tôn bay, dây điện đứt...). Ông cho biết là đã yêu cầu chính quyền địa phương huy động lực lượng để đảm bảo an toàn nhà cửa tài sản của người dân, để bà con yên tâm ở lại nơi tránh trú.
Rời Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới thị sát công tác ứng phó bão tại tỉnh Bạc Liêu. Kiểm tra công tác ứng phó bão tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo an toàn cho máy móc thiết bị, vận hành hệ thống... Đồng thời, doanh nghiệp cần nêu cao trách nhiệm hỗ trợ địa phương, giúp đỡ người dân sơ tán khi bão đổ bộ, ổn định đời sống của người dân.
Kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu - nơi tập trung rất đông cơ sở du lịch, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn về người và tài sản, để người dân không quay lại nhà, yên tâm di chuyển đến nơi tránh trú.
Rời Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Nội dung cuộc họp được thông tin đến lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL.
Sau khi nghe các báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương, kết luận cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và sáng tạo của các cấp chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL.
Qua thực tế kiểm tra, Phó Thủ tướng ghi nhận các tỉnh đã huy động các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để cùng với người dân triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống bão. Người dân cũng đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu sẵn có để chằng chống nhà cửa, nghiêm túc tuân thủ yêu cầu sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu chung là phải quyết liệt, không được chủ quan mà phải chủ động không để bị bất ngờ, mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản cho người dân, nhà nước, bảo vệ các công trình, cơ sở sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm biển cho đến khi an toàn. Cùng với đó, kiểm tra lại việc neo đậu, tránh trú bão, không để người dân còn trên các tàu neo đậu, nhất là trên các tàu thuyền hiện đang neo đậu khu vực cửa sông để đảm bảo an toàn.
Chính quyền các địa phương cũng phải kiên quyết sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đưa người dân đến các công trình kiên cố, có khả năng chống chịu gió bão. Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn, không để người dân trở lại nhà khi vẫn còn nguy hiểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong đêm nay tiếp tục kiểm tra, rà soát lại công tác bảo vệ nhà cửa của người dân, các công trình công cộng, đặc biệt là các tháp cao (cột ăng ten), các công trình hạ tầng thiết yếu (điện, thông tin…), các cơ sở sản xuất...
Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành Trung ương chuẩn bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đặc biệt, cần phát huy vai trò trung tâm của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an, Quân khu 7, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng, cùng các đơn vị đóng chân trên địa bàn...) trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc bảo vệ tính mạng cho người dân sau khi bão đổ bộ, tránh tình trạng người dân gặp tai nạn điện, giao thông, tai nạn trong quá trình sửa chữa nhà cửa… Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình mưa bão để kịp thời đưa tin, vận động người dân, cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thể xử lý kịp thời./.
P.V
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.