Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 10 năm 2017 | 2:7

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích về mức tăng trưởng GDP

Trong hai ngày 30/9 và 1/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri hai huyện Hương Sơn và Nghi Xuân để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ khai mạc vào cuối tháng này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm hỏi các cử tri tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: VGP/Thành Chung

Đông đảo cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động, tập trung thực hiện chức năng xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu của nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động theo chương trình của Đoàn và của từng đại biểu, chuẩn bị tốt các nội dung cần thiết cho kỳ họp.

Cử tri cũng bày tỏ phấn khởi và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động vì nhân dân, doanh nghiệp trong thời gian qua; ủng hộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của đất nước…

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định những nguyện vọng của cử tri là mục đích cho hành động của Chính phủ và giám sát của Quốc hội. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng cũng dành thời gian để báo cáo với cử tri những nét lớn của tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình kinh tế của đất nước ngày càng khởi sắc, đặc biệt là các chỉ tiêu lớn như tăng trưởng, lạm phát, xuất khẩu… “Tăng trưởng Quý III/2017 cao tới 7,46% dẫn tới một số ý kiến nghi ngờ, nhưng xét kỹ thì mức tăng trưởng này có căn cứ rõ ràng”, Phó Thủ tướng cho biết đồng thời lý giải tăng trưởng GDP là nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.

Cụ thể, trong 9 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,8% (trong đó Tổ hợp Samsung trong quý III tăng trưởng tới 45% và Nhà máy thép Formosa sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép/năm). Sản xuất nông nghiệp, thủy sản cũng tăng 5,45% trong 9 tháng qua do nhiều khu vực chuyển từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao hơn. Tiêu dùng nội địa tăng mạnh trong 9 tháng qua ở mức 10,2% (nếu trừ yếu tố giá tiêu dùng thì tăng hơn 9%). Xuất khẩu tăng mạnh tới gần 19% cũng mang lại động lực mạnh mẽ cho GDP, trong đó riêng ngành nông nghiệp năm nay dự kiến sẽ vượt kế hoạch khi mang lại giá trị 35 tỷ USD.

Tăng trưởng GDP mạnh mẽ nhưng lạm phát lại rất thấp, khi tới tháng 9 lạm phát chỉ tăng 1,83% so với cuối năm 2016. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, thành công của điều hành lạm phát trong những năm qua là kiểm soát được lạm phát theo tính toán của Chính phủ.

Phó Thủ tướng trao tặng các khoản hỗ trợ cho một số hộ gia đình xây dựng nhà cửa bị hư hỏng do cơn bão số 10. Ảnh: VGP/Thành Chung

“Đó là những động lực làm cho nền kinh tế tăng trưởng tốt”, Phó Thủ tướng nhận định.Phó Thủ tướng cũng thông báo tới cử tri những “tin vui” của nền kinh tế khi huy động vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) cao nhất trong vòng 20 năm qua,  đạt mức 25 tỷ USD. Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tháng sau tăng 30% so với tháng trước. Thị trường vốn trái phiếu, cổ phiếu đạt hơn 800 điểm, cao nhất từ năm 2007 tới nay. Lần đầu tiên Việt Nam đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động, rút gắn 13 năm so với thông lệ thế giới.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trả lời một số kiến nghị của cử tri. Cử tri Phan Tiến Hùng (huyện Hương Sơn) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tỉnh cần có chính sách quan tâm ưu đãi đặc biệt giúp khu phi thuế quan phát triển, trở thành khu kinh tế biên giới trọng điểm, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sắp tới các mức thuế về 0% hết bởi ASEAN đã là một khối thị trường thống nhất rồi. Đây là sự phát triển tất yếu, chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do cho nên các Bộ sẽ rà soát lại các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, tìm hướng phát triển mới cho các khu này.

Dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp, cử tri cũng đề nghị Quốc hội, các bộ ngành Trung ương tiếp tục có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của bà con nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ về trao đổi trực tiếp với đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Xin thông tin cho bà con biết, chúng tôi đang chủ trì xây dựng một số văn bản nghị định về bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm sản xuất là điều rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường vì đến lúc thất bát thì có bảo hiểm bù vào. Thứ hai là tập trung sửa đổi về Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bởi có doanh nghiệp vào thì sẽ tạo đầu ra cho các sản phẩm, tăng liên kết với người nông dân, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, từ đó sẽ hình thành được chuỗi giá trị, kể cả về tín dụng và đầu tư."

Thành Chung/Chinhphu.vn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top