Ngày 2/6/2016, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam và Tạp chí Biển Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật trao giải cuộc thi viết “Vì biển đảo quê hương”, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào “Vì biển đảo Việt Nam” năm 2015 – 2016.
Đại diện Ban tổ chức trao giải Nhì cho các tác giả.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS.Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, nhấn mạnh: Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, diện tích vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, với gần 3.000 đảo ven bờ. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách bền vững, hiệu quả, cùng với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.
Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhà báo Anh Thơ (ngoài cùng bên phải), đại diện báo Kinh tế nông thôn nhận giải Ba của cuộc thi.
Nhận thức rõ điều này cũng như yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam trong tình hình mới, khơi gợi tình yêu quê hương biển đảo trong thế hệ trẻ cũng như mọi tầng lớp nhân dân, Hội Khoa học kỹ thuật Biển Việt Nam và Tạp chí Biển Việt Nam tổ chức phát động cuộc thi viết: “Vì biển đảo quê hương” và phong trào “Vì biển đảo Việt Nam” dành cho tất cả công dân trên phạm vi toàn quốc.
“Sau 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được trên 10.000 bài viết của các cá nhân, tổ chức từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về, với các thể loại đa dạng: phóng sự, ký sự, bài phản ánh, gương người tốt việc tốt, các mô hình điển hình trong phát triển,… Các tỉnh có nhiều bài dự thi như: Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên,… Nhiều bài được các cá nhân, tổ chức thể hiện khá công phu, nghệ thuật, bày tỏ tình yêu thiêng liêng với biển đảo, đất nước. Các bài thi rất đa dạng về đề tài, nhiều nội dung đi sâu phản ánh những vấn đề thời sự như tiềm năng, thế mạnh biển đảo Việt Nam; thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế biển, thực trạng môi trường biển và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực; phản ánh ngư dân ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; những tập thể, cá nhân điển hình trong lao động sản xuất, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; văn hóa vùng biển với những lễ hội, phong tục đặc sắc…”, ông Cư cho biết.
Qua các vòng chấm sơ khảo, chung khảo, Ban tổ chức cuộc thi đã quyết định trao 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích cho các tập thể, cá nhân có những bài viết xuất sắc nhất. Nhóm Thanh niên xung kích (Học viện An ninh nhân dân) vinh dự được nhận giải Nhì cùng với một ngư dân ở Thanh Hóa.
Nhà báo Anh Thơ, công tác tại Báo Kinh tế nông thôn được nhận giải Ba với loạt bài: “Những con thuyền vẫn rẽ sóng ra khơi” và “Kiểm ngư, bạn đồng hành cùng ngư dân trên biển”.
Khánh Nguyên
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.