Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) kiến nghị cần dành sự quan tâm đặc biệt đến những chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động, dành nguồn kinh phí thỏa đáng, phù hợp để hỗ trợ.
Sáng 7/1, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Gói hỗ trợ hơn 340 nghìn tỷ sẽ thu được kết quả cụ thể gì?
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, “mục tiêu của gói hỗ trợ lần này hướng đến là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời hạn nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn”. Chính vì vậy, “vấn đề cốt lõi là phải trả lời được câu hỏi với hơn 340 nghìn tỷ sẽ thu được kết quả cụ thể gì”.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, với mục tiêu như vậy đề án cần quy định rất rõ hiệu quả của nguồn lực bỏ ra. Đặc biệt, nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Đại biểu kiến nghị cần đưa ra những cam kết cụ thể bởi sản phẩm, kết quả vô hình hay hữu hình đều có thể tính toán được.
Về căn cứ và tiêu chí để đầu tư nguồn lực, đại biểu nhấn mạnh, lần này phân bổ hơn 346 nghìn tỷ đồng cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu được thông qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên dù trực tiếp hay gián tiếp, cần có những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách.
Về danh mục dự án, theo đại biểu cần tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần rà soát, không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.
Nhấn mạnh, nghị quyết lần này là căn cứ pháp lý duy nhất để thực hiện sau này, vì thế đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cần bổ sung đối tượng áp dụng chính sách, thời hạn hoàn thành và các quy định cụ thể về trách nhiệm; các quy định về thẩm quyền; quy định cụ thể, lộ trình thanh toán nợ gốc. Đặc biệt cần bổ sung cam kết về sản phẩm đầu ra gắn với nội dung nghị quyết.
Cần dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho người lao động và thị trường lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy
Đánh giá cao Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, cầu thị trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa tiền tệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) kiến nghị cần dành sự quan tâm đặc biệt đến những chính sách liên quan đến người lao động và thị trường lao động, dành nguồn kinh phí thỏa đáng, phù hợp để hỗ trợ.
Theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, trong bối cảnh, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất là người lao động. Đại biểu cũng dẫn ra những con số cho thấy dịch bệnh đã để lại những hậu quả rất nặng nề cho cả nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động và việc làm.
Cụ thể, riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28 triệu lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm; hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngưng sản xuất kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43 nghìn lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì trong 3 tháng, chỉ có hơn 4% đủ duy trì cho hơn 4 tháng. Trong khi đó, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu lao động đều bị thu hẹp.
Nhấn mạnh, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách chưa từng có tiền lệ, có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, tuy nhiên với Nghị quyết lần này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy mong muốn tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức cũng như phi chính thức. Theo đại biểu, hiện dự thảo đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ cho khu vực chính thức là chưa phù hợp. Cùng với kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, đại biểu đoàn Bắc Kạn cũng kiến nghị dành nguồn kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân và nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.