Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 11 năm 2016 | 9:25

Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam

Trong khuôn khổ Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), ngày 24/11, tại TP. Hội An, Ban điều phối quốc gia MFF Việt Nam (NCB), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN) và hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng phối hợp tổ chức Đối thoại bàn tròn cấp cao về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”.

Quảng cảnh buổi đối thoại bàn tròn cấp cao

Quảng cảnh buổi đối thoại bàn tròn cấp cao

Từ năm 2013 cho đến nay, IUCN thông qua Chương trình Rừng ngập mặn cho Tương lai (MFF) đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương và các đối tác tổ chức chuỗi các sự kiện nhằm thúc đẩy việc áp dụng Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển. Những hoạt động như hội thảo khởi động, xây dựng nghiên cứu đánh giá và Khuyến nghị Chính sách, hội thảo tham vấn lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Khuyến nghị Chính sách và Đối thoại bàn tròn cấp cao hôm nay cũng nằm trong khuôn khổ các sự kiện nói trên.

Đối thoại bàn tròn nói trên là nỗ lực mà IUCN đã cố gắng thúc đẩy trong thời gian qua nhằm tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt là cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng để áp dụng thử nghiệm phương thức quản lý tổng hợp lưu vực và vùng bờ. Một trong những kết quả của nỗ lực này là thỏa thuận phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng áp dụng thử nghiệm “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Phát triển thủy điện với mật độ cao tác động lớn đến môi trường và các hệ sinh thái toàn khu vực

Những năm gần đây, sự phát triển “nóng” và thiếu bền vững các nhà máy thủy điện với mật độ dày trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái và sinh kế của các cộng đồng dân cư không chỉ ở lưu vực sông mà còn xuống vùng bờ biển và biển. Mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành dùng nước khác như nông nghiệp, nước cho sinh hoạt, môi trường đã nảy sinh và chưa được giải quyết thỏa đáng. Nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép trên sông cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông.

Mật độ thủy điện dày đặc đã làm “vở vụn” các dòng sông, đã phá hủy hệ sinh thái, sinh cảnh của khu vực thượng và trung lưu vực sông, giảm phần lớn lượng phù sa và dinh dưỡng đưa xuống hạ lưu, làm mất cân bằng sinh thái. Điều này gây ra những thay đổi theo chiều hướng bất lợi, tăng khả năng đe dọa lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô; tăng nguy cơ xói lở bờ biển, nghẽn bùn ở cửa sông, cửa biển. Đặc biệt, xâm nhập mặn đã tăng gấp 2 lần, ví dụ ở sông Vĩnh Điện (Quảng Nam) xâm nhập mặn từ 12km trước kia lên tới 24km...

Do phá rừng, rừng bị suy giảm chất lượng nên mùa lũ nước về nhanh hơn, thay đổi chế độ thủy văn, dẫn đến tranh chấp liên quan đến hệ sinh thái và tranh chấp nguồn nước, mất đi những hệ sinh thái giàu có trên lưu vực

Ô nhiễm và sự cố môi trường vùng bờ biển gia tăng

Ngoài tác động trên lưu vực, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn liên quan đến phát triển bền vững vùng bờ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vào mùa mưa, lũ về gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đầu tư xử lý về môi trường quá lớn.

Ngoài ra, khai thác, sử dụng không hợp lý tài nguyên ở chính vùng bờ biển cũng làm mất dần và suy thoái các hệ sinh thái quan trọng. Hiện tượng sạt lở vùng cửa biển, bờ sông, cát bay, cát lấp cũng là những vấn đề đáng ngại ở vùng ven biển này.

Bờ biển Hội An bị lấn 150m sau 7 năm

Bờ biển Hội An bị lấn 150m sau 7 năm

Theo nhận định của PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn là một trong số lưu vực sông lớn ở nước ta có ảnh hưởng trực tiếp xuống vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng. Các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực và là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai.

 “Cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, giữa các ban, ngành và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam-Đà Nẵng. Nếu thực hiện tốt được, đây sẽ là mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông khác có điều kiện tương tự ở nước ta” TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẽ.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẽ kết quả nghiên cứu tại đối thoại.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi chia sẽ kết quả nghiên cứu tại đối thoại.

Tiến tới quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững lưu vực sông và vùng bờ biển cần có cách tiếp cận mới trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông và vùng bờ biển. Đó là cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” (From Ridge to Reef), viết tắt là cách tiếp cận R-R.

Cách tiếp cận R-R được thực hiện cho trường hợp nghiên cứu ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ làm rõ mối quan hệ của lưu vực sông quan trọng này với vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam và vùng biển bên ngoài. Từ đó, có thể lồng ghép các chiến lược, kế hoạch phát triển, dự án đầu tư và các giải pháp ứng phó phù hợp nhất giữa lưu vực sông và vùng bờ biển

Đánh giá làm rõ các tác động, nguy cơ và mối quan hệ giữa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với vùng bờ biển Đà Nẵng. Trên cơ sở đó xây dựng qui hoạch không gian tổng hợp để kết nối các yếu tố của lưu vực sông với vùng bờ biển, bao gồm phần đất ven biển và biển ven bờ.

Xây dựng chương trình bảo tồn, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái lưu vực sông và vùng bờ biển dựa vào cộng đồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cụ thể, ở vùng bờ biển trồng lại dừa nước ở Cẩm Nam, Cẩm Thanh ở Cửa Đại do phá để nuôi tôm và xây cầu; phục hồi rạn san hô ở Tam Hải (Núi Thành), ven bờ bán đảo Sơn Trà và Cù Lao Chàm gắn với nhu cầu của thị trường du lịch lặn.

Khảo sát, tìm kiếm bổ sung tầng nước ngầm sâu để đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, trước hết ở các đô thị lớn trong vùng ven biển...

Thành lập một “Ủy ban lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ” có đủ quyền lực để quản lý qui hoạch, giám sát và kiểm soát phát triển lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam, giải quyết các tranh chấp trong sử dụng nước giữa các ngành dùng nước. Cần tăng cường cơ chế điều phối liên vũng và phối hợp liên ngành trong quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn gắn với quản lý vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam.

Tổ chức định kỳ đối thoại bàn tròn “mở” giữa 4 nhà (nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp, người dân) giữa 2 địa phương (Đà Nẵng và Quảng Nam); cam kết phối hợp thực hiện và tuân thủ bắt buộc đối với các vấn đề lưu vực sông và vùng bờ biển.

Dừng việc xây dựng mới thủy điện để đánh giá hiệu quả và tác động, thực hiện các biện pháp giảm thiểu. Điều chỉnh mục tiêu các công trình bậc thang trong điều kiện cho phép đảm bảo lợi ích của tất cả các bên có nhu cầu dùng nước và quyền lợi phát triển.

Cùng với việc vận hành qui trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm, phải sớm xây dựng qui trình vận hành liên hồ mùa khô trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với ưu tiên đảm bảo bổ sung nguồn nước cho các nhu cầu dưới hạ lưu để đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân khu vực này.

Nghiêm cấm hút cát dọc bờ sông trên lưu vực, ở các vùng cửa sông, cửa biển làm thay đổi điều kiện động lực học gây xói lở và sa bồi luồng lạch , kết hợp điều chỉnh qui hoạch chi tiết các vùng xảy ra sự cố như vậy (Cửa Đại) và tiến hành nạo vét lòng sông, cửa sông, cửa biển...

                                                                                     Hải Yến

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top