Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 4 năm 2017 | 11:57

Quán triệt 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Sáng 21-4, tại tỉnh Lâm Đồng, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và tập huấn công tác kiểm tra năm 2017.

Ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung Ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: Trong công cuộc đổi mới, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tích cực đồng hành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam có nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Bên cạnh những đóng góp to lớn và những tấm gương đáng tự hào đó, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại. Đó là việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng.

Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng biên tập Báo Nhân dân phát biểu khai mạc hội nghị

Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng. Tình hình này cho thấy sự tha hóa suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trao đổi về 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Thực hiện Điều 8, Luật Báo chí 2016, Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp Hội, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương một đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm bảo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và thực tiễn báo chí truyền thông và đời sống xã hội hiện nay.

Ông Nguyễn Thái Thiên, Cục phó Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông trao đổi về Luật Báo chí 2016

Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (khoá X), diễn ra ngày 15-12-2016, đã thảo luận sôi nổi và thông qua với sự thống nhất tuyệt đối 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ngày 16-12-2016, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ký Quyết định số 483 để ban hành và tổ chức thực hiện Quy định này. Do đó, từ ngày 1-1-2017, cùng với Luật Báo chí 2016 thì Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể:

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn (thứ 1 từ phải sang) đến dự hội nghị

Quảng cảnh hội nghị

Tại hội nghị này, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã triển khai công tác tập huấn kiểm tra năm 2017. Các đại biểu cũng đã nghe các ý kiến, tham luận thẳng thắn, thiết thực về nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực báo chí trong năm qua và đánh giá kết quả đã đạt được và những tồn tại hạn chế, đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục trong thời gian tới./.

Minh Tuấn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top