Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 20 tháng 5 năm 2020 | 16:38

Quảng Nam: Tín hiệu đáng mừng từ quần thể voọc chà vá ở Tam Mỹ Tây

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện thêm 10 cá thể và 2 gia đình voọc chà vá chân xám. Điều này cho thấy, quần thể voọc chà vá chân xám ở đây đang phát triển tốt trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của người dân và chính quyền.

Đại diện Trung tâm GreenViet cho biết, kết quả nghiên cứu của Trung tâm trong đợt điều tra đa thực địa tại khu vực Hòn Dồ, Dương Bông, Hòn Ông, Đá Dựng - Dương Bản Lầu, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020, đã xác định được khoảng 60 cá thể voọc chà vá chân xám trong 8 gia đình tại 30ha rừng tự nhiên.
 
Quần thể voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam đang phát triển tốt trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của người dân và chính quyền.
Quần thể voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam đang phát triển tốt trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của người dân và chính quyền.

 

Như vậy, so với kết quả nghiên cứu năm 2018, số lượng cá thể voọc chà vá chân xám tăng lên khoảng 10 cá thể và 02 gia đình. Số liệu này bước đầu cho thấy quần thể voọc chà vá chân xám ở đây đang sinh trưởng phát triển tốt.
 
Đối với những vùng xung quanh khu vực ưu tiên bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám: lấy Hòn Dồ làm trung tâm, mở rộng bán kính ra khoảng 5km, Trung tâm Green Viet đã tổ chức điều tra mở rộng đến một số hòn núi khác trên địa bàn xã Tam Mỹ Tây gồm Hòn Rơm, Hòn Dương Chổi, Hòn Nà Lấm, Hòn Bằng Trục, Hòn Bà, Hố Giang Thơm. Kết quả đã ghi nhận 6 cá thể voọc chà vá chân xám tại Hòn Nà Lấm và Bằng Trục.
 
Theo thống kê do Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế công bố, Việt Nam còn có chừng 1.000 cá thể voọc chà vá phân bố ở miền Trung và Tây Nguyên. Tại Quảng Nam, đàn Voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã được Chi cục Kiểm lâm phát hiện theo dõi từ những năm 2000. Tuy nhiên, sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh do hoạt động của cộng đồng và nạn phá rừng. Để bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này trước nguy cơ tuyệt chủng, tỉnh Quảng Nam đã hợp tác với GreenViet triển khai một dự án phục hồi sinh cảnh và thức ăn cho đàn voọc tại xã Tam Mỹ Tây.
 
Quảng Nam yêu cầu các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án bảo tồn loài Chà Vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, đáp ứng đầy đủ những căn cứ để bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 với nguồn kinh phí 134 tỷ đồng từ ngân sách và vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp làm du lịch và các tổ chức quốc tế.
 
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2028, Quảng Nam sẽ chuyển đối mục đích sử dụng ít nhất 150ha từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng nhằm mở rộng sinh cảnh, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho sự phát triển bền vững của quần thể linh trưởng quý, hiếm này.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Vỹ, Giám đốc Green Việt, đơn vị tư vấn dự án bảo tồn voọc chân xám cho biết, theo nghiên cứu, cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Núi Thành rất cao nếu như có những hướng đi đúng. Tuy nhiên, khảo sát của Green Việt cũng cho thấy một số tác động có thể ảnh hưởng đến loài voọc chà vá chân xám và đa dạng sinh học trong khu vực hiện nay. Trước hết là tình trạng người dân thường xuyên đốt thực bì sau khai thác cây keo, dẫn đến nguy cơ dễ cháy rừng tự nhiên, làm thu hẹp dần sinh cảnh sống của loài voọc chà vá chân xám và đa dạng hóa sinh học.
 
Bên cạnh đó, tình trạng săn bẫy động vật trái phép và khai thác một số lâm sản ngoài gỗ như lấy mật ong, lan, sâm cau diễn ra khá mạnh, đang ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của voọc chà vá chân xám.
 
Trung tâm GreenViet đã báo cáo kịp thời với Tổ Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2. Tổ đã tiến hành tuần tra, giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, Green Việt đề xuất cần tiếp tục hỗ trợ nhóm Tuần tra thôn bản xã Tam Mỹ Tây tăng cường hoạt động tuần tra, bảo vệ để tăng thêm hiệu quả bảo vệ rừng và đa dạng sinh học trên địa bàn.
 
Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam và UBND xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho người dân trong và bên ngoài đến địa bàn không vi phạm đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Đặc biệt, làm việc với chủ rẫy keo trong 120ha sinh cảnh sống ưu tiên bảo tồn voọc chà vá chân xám để không còn tình trạng đốt thực bị sát rừng tự nhiên dẫn đến cháy rừng.
 
Tiếp tục tạo điều kiện cho Trung tâm GreenViet triển khai một số hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, hỗ trợ nhóm Tuần tra thôn bản hoạt động hiệu quả hơn, tổ chức một số chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng vùng đệm ở xã Tam Mỹ Tây và các xã lân cận.
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top