Quảng Ngãi có nên xây dựng điện mặt trời trên đầm An Khê?
Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị không lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê…
Chiều 01/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tham vấn về “Vai trò của đầm An Khê gắn với không gian văn hóa – sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh và đánh giá tác động dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm An Khê, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi”.
Theo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cư dân Văn hóa Sa Huỳnh làm nghề trồng trọt, đánh cá, đi biển; làm đồ trang sức, đồ gốm, kỹ thuật đúc thủy tinh, đặc biệt là tục chôn cất người qua đời trong những chum lớn (mộ chum) thường tập trung ở các cồn cát ven biển và lan dần ra đảo Lý Sơn, minh chứng cho chủ quyền biển đảo của đất nước ta từ hơn một nghìn năm trước. Người cổ Sa Huỳnh có tín ngưỡng thờ Mẫu và có quan hệ giao thương với khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Hoa cổ đại.
Xung quanh khu vực đầm An Khê, người dân vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống, lưu truyền các phong tục tập quán mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt như hát Bài Chòi, hát Sắc Bùa, hát Hố. Như vậy, trong không gian môi trường sinh thái nhân văn của khu vực còn có sự hiện diện những di tích của cư Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chămpa cổ và Văn hóa Đại Việt sau này.
Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, có thể coi không gian văn hóa Sa Huỳnh và các thành tố liên quan như một "bảo tàng sống" cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững bằng cách đa dạng hóa các hình thức du lịch để tạo ra những giá trị gia tăng từ di sản như du lịch nghiên cứu và tham quan di tích, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, danh lam thắng cảnh; khám phá thiên nhiên, tắm biển, câu cá hồ nước ngọt, tổ chức các hình thức vui chơi giải trí, thể thao trên đầm An Khê, đua thuyền truyền thống, trình diễn Nghệ thuật Bài Chòi,...
Bởi vậy, một vấn đề đặt ra là nếu chỉ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vài ba di tích hố khai quật khảo cổ học của Văn hóa Sa Huỳnh như di chỉ Gò Ma Vương (còn gọi là Long Thanh), Phủ Khương, Thạnh Đức, trong đó chỉ có di chỉ Gò Ma Vương có mái che, còn di chỉ Phú Khương và Thạnh Đức đã lấp hố khai quật từ lâu, tách những di tích này ra khỏi không gian sinh tồn - sinh thái văn hóa nhân văn của người Sa Huỳnh, người Chămpa xưa và người Đại Việt tại đâm An Khê và khu vực xung quanh liệu có đáp ứng đủ tiêu chí, đủ cơ sở khoa học để trở thành Di tích quốc gia đặc biệt không? Và, với hiện trạng các hộ khai quật như hiện nay liệu có thể thu hút khách tham quan du lịch để trở thành một nguồn lực cho phát triển bền vững được không?
Dự án đầu tư tư nhân điện mặt trời tại đầm An Khế sử dụng 52ha mặt nước và 2ha đất bờ đầm An Khê để thi công lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời và xây dựng công trình vận hành, quản lý dự án.
Các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đi khảo sát đầm An Khế và khu vực xung quanh, thống nhất nhận định nơi đây là không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt đã để lại rất nhiều di vật trong lòng đất và trên mặt đất trong khu vực này.
Đây là một không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn quý hiếm, rất có giá trị, xứng đáng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, và trong tương lai có thể xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Tại Văn bản số 805/BVHTTDL ngày 07/3/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến "Nghiên cứu mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích bao gồm khu vực đầm An Khê và các khu vực liên quan khác. Tiếp tục khai quật để bổ sung làm rõ giá trị của di tích". Như vậy, đầm An Khê và khu vực xung quanh nằm trong khu vực bảo vệ của di tích. Bởi vậy, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị không lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê; cũng không thể thu hẹp một phần đầm An Khê được vì sẽ vi phạm khu vực bảo vệ của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, và vi phạm"tính xác thực", "tính toàn vẹn" của di sản tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972. Bởi vậy, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án pin mặt trời ở khu vực khác phù hợp hơn.
Theo PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, giải tỏa sức ép giữa phát triển - bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này cần phải có ngay các giải pháp căn bản nhất là quy hoạch vùng lõi di tích. Phạm vi vùng lõi được quy hoạch mới cần phải mạnh dạn khẳng định vai trò của đầm An Khê trong đời sống cộng đồng cư dân cổ từng sinh sống và phát triển trong quá khứ và ngay trong cuộc sống đương đại. Theo PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, nên giữ nguyên trạng đầm An Khê, dự án điện mặt trời có thể chuyển sang địa điểm khác…
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam, việc xây dựng điện mặt trời trên đầm An Khê là tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, vốn còn nằm trong lòng đất. Để xây dựng điện mặt trời như đóng cọc trong lòng đất, lòng đầm để đỡ các tấm lưới sắt lợp kín mặt đầm, xây dựng trạm thu phát điện, cột tải điện và các công trình hạ tầng khác đi kèm. Những hoạt động này làm biến đổi hoàn toàn không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh, làm mất đi tính chân xác, tính nguyên vẹn của di sản, trực tiếp xâm hại hoặc xóa bỏ vĩnh viễn di sản văn hóa Sa Huỳnh ở đây.
Theo PGS.TS. Võ Văn Minh, Đại học Đà Nẵng, nhìn một cách tổng thể trong không gian chung của tỉnh Quảng Ngãi, đầm An Khê là “mắc xích” quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hội nhập quốc tế, đầm An Khê cần được bảo tồn các giá trị theo “chiều sâu” và cần được kết nối trong không gian rộng. Bảo tồn không có nghĩa là khó phát triển mà thực chất là nhằm phát triển bền vững.
Chiều 7/10, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ra thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong các ngày 28 và 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 46. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.