Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 7 năm 2018 | 10:32

Quảng Trị, Đà Nẵng chăm lo đối tượng chính sách

Khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách tại Quảng Trị và tặng quà cho các nạn nhân chất độc Dioxin lên đến 8 tỷ đồng tại Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Quảng Trị: Chú trọng quan tâm đến sức khỏe các đối tượng chính sách
 
Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng luôn được ngành Y tế Quảng Trị xác định là nhiệm vụ quan trọng. Bởi đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự để đội ngũ cán bộ ngành Y tế thể hiện tình cảm sâu sắc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với người có công.
nam_yte_1-8.jpg
Thăm khám và kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng chính sách tại Quảng Trị
 
Công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống cho người có công với cách mạng là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng. Quảng Trị là địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nên số lượng người có công với cách mạng rất lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 120.100 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó có hơn 18.800 liệt sĩ và hơn 11.400 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; ngoài ra còn có hàng chục ngàn người có công với cách mạng khác. Quảng Trị còn là địa phương thay mặt cả nước chăm sóc hơn 54.600 mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đang yên nghỉ tại đây.
 
Thời gian qua, cùng với những chính sách ưu tiên cho người có công với cách mạng được quy định như bảo hiểm y tế, ưu đãi về kinh tế, chính sách trợ cấp…., thì công tác chăm sóc sức khỏe luôn được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Chỉ tính riêng trong quý 2/2018, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã tiếp đón gần 300 lượt đối tượng có công với cách mạng đến điều dưỡng. Tại đây, mọi người đã được các y, bác sĩ thăm khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe và các chế độ ăn uống, ngủ nghỉ; tư vấn, hướng dẫn sử dụng các kỹ thuật điều trị Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng; các bữa ăn luôn đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng và có chế độ ăn riêng cho những người ăn kiêng. Ngoài ra, thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, các cụ còn được cán bộ bệnh viện tuyên truyền, phổ biến những chính sách liên quan đến người cao tuổi; tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh các bệnh thường gặp. Đặc biệt, đây còn là dịp để các cụ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cháu, cũng như vận động các thành viên trong gia đình, thôn bản thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…
 
“Trong 1 tuần được đi điều dưỡng ở đây, bố rất vui vì được cán bộ, y, bác sĩ chăm sóc rất tận tình, chu đáo, thường xuyên quan tâm thăm hỏi; phòng ở thì sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày, mọi người trong đoàn còn được ăn ngon, được hướng dẫn sử dụng các máy phục hồi chức năng, chơi thể thao, cờ tướng, đọc báo…Vì vậy, mới ở được đây mấy hôm nhưng không chỉ bố mà các anh chị em trong đoàn ai cũng thấy sức khỏe mình tốt hơn, ăn được, ngủ được và tinh thần thì rất vui vẻ”, ông Hồ Xuân Hải, thôn Ba Linh, xã A Vao, huyện Đakrông cho biết.
 
Tại Quảng Trị, hiện nay ngoài Bệnh viện Phục hồi chức năng với nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe cho đối tượng có công với cách mạng, thì hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc ưu tiên cho các đối tượng người có công, chính sách khi đến khám, điều trị. Đặc biệt, đối với những người tuổi cao, sức yếu, nhất là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng khó khăn trong việc đi lại thì được bệnh viện phân công nhân viên hỗ trợ làm thủ tục, thuốc men; thường xuyên thăm hỏi, động viên kịp thời giúp họ vượt qua ốm đau, bệnh tật để yên tâm điều trị. Hằng năm vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, ngành Y tế đã tổ chức nhiều đợt truyền thông, khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, nhất là những người có công với cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ…
 
“Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện tốt những ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công; thường xuyên quan tâm, chú trọng đến việc hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho các đối tượng thương, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, cũng như chăm sóc tại nhà; chủ động phối hợp với các địa phương, ban ngành liên quan, đặc biệt là với hội Cựu chiến binh tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc tổ chức các đợt khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà… cho đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, vận động các đơn vị trong ngành nhận chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn”, Bác sĩ Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế cho biết.
 
Đà Nẵng: Gần 8 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin
 
Tối 12-7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu chiến binh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng và Báo Công an thành phố tổ chức chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tham dự.
images1456500_dang_viet_dung.jpg
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng (phải) trao tặng 200 triệu đồng cho chương trình
 
Phát biểu tại chương trình, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng ghi nhận những kết quả Hội đã đạt được tại cộng đồng và cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc các em NNCĐDC và trẻ em khuyết tật trong thời gian qua, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội.
 
Bên cạnh sự nỗ lực của Hội, thành phố ghi nhận sự đóng góp thường xuyên của nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo  tâm trong và ngoài nước luôn đồng hành, cùng chung tay trong việc chăm sóc, giúp đỡ các NNCĐDC trên địa bàn thành phố.
 
Ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam” là hoạt động thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và đơn vị trong công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, phát huy tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân da cam” như phương châm đại hội của Hội nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.
 
Chương trình phát động thư kêu gọi từ ngày 9-5, tính đến 21 giờ 30 ngày 12-7, Hội vận động được 7,972 tỷ đồng (trong đó bao gồm tiền mặt, quà tặng, các chương trình dự án và trang thiết bị cho Hội). Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao 20 suất quà cho các gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
 
Dịp này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trao tặng 200 triệu đồng cho chương trình.
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top