Quốc hội đề nghị xây chiến lược quy hoạch, tránh được mùa mất giá
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt.
Tạo lập nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chỉ rõ thực tiễn quan hệ xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh bằng pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt.
Sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD; có 7/10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành Nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở Việt Nam đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, quá trình thi hành pháp luật về trồng trọt đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa thực hiện triệt để xã hội hóa hoạt động khảo nghiệm theo quy định của Luật Đầu tư; quá trình khảo nghiệm giống kéo dài, quy trình khảo nghiệm còn nhiều điểm bất cập...
Việc xây dựng và bảo vệ các hệ thống canh tác hướng tới nền sản xuất hàng hóa tập trung, có hợp đồng, cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc là nội dung quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhưng vẫn chưa được quy định ở các văn bản pháp luật. Tương tự, hoạt động thu hoạch, bảo quản, chế biến và thương mại chưa có quy định cụ thể.
“Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật này quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý Nhà nước về trồng trọt.
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 12 năm thi hành Pháp lệnh Giống cây trồng, tổng kết việc quản lý hoạt động phân bón, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và pháp luật quốc tế về giống cây trồng, về quản lý vật tư, canh tác nông nghiệp.
Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về trồng trọt. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội.
Cần thiết ban hành Luật Trồng trọt
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt như Tờ trình của Chính phủ để hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngành trồng trọt theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đánh giá về cơ bản, các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành, tương thích với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa thống nhất với các Luật khác như: Quy định về đặt tên giống cây trồng mới (Điều 23) chưa phù hợp với Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ; quy định về thẩm quyền công nhận giống (Điều 31) chưa thống nhất với Điều 44 Luật Lâm nghiệp…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ dự án Luật được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh giống cây trồng (2004), mở rộng phạm vi điều chỉnh lên đến 10 lĩnh vực gồm: Giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch; mua, bán; sơ chế; chế biến; bảo quản; xuất khẩu; nhập khẩu sản phẩm trồng trọt.
“Ngoài giống cây trồng, 9 lĩnh vực còn lại hiện đang được điều chỉnh bởi những luật, pháp lệnh nào? Dự thảo Luật đưa ra những quy định về nội dung này có điểm gì khác so với luật hiện hành?”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo rà soát thêm, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đánh giá dự án Luật được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự án Luật có nhiều nội dung, chính sách mới liên quan đến nhiều luật khác như Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học... vì thế cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ tránh sự trùng lặp.
Ngoài ra, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về cây trồng, giống biến đổi gen vì đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Đối với lĩnh vực phân bón, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định, dự thảo Luật chỉ dành một chương để quy định là ít, thiếu tính cụ thể trong khi tại nhiều nước trên thế giới có hẳn một luật riêng về nội dung này.
Đề cập đến tình trạng được mùa mất giá, giải cứu nông sản thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chiến lược về vấn đề quy hoạch, phát triển, dự báo thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, để đảm báo tính khả thi khi Luật được ban hành, dự thảo Luật cần làm rõ một số nội dung về lộ trình xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống, nguồn gen từ các cơ sở bảo tồn nguồn gen giống cây trồng thuộc hệ thống cơ sở bảo tồn của Nhà nước để tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên này; mối quan hệ giữa công nhận giống cây trồng với bảo hộ giống cây trồng trong Luật Trồng trọt và Luật Sở hữu trí tuệ để thuận tiện cho việc quản lý, áp dụng luật.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo làm rõ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; rà soát nhằm đảm bảo sự thống nhất của dự án luật với các luật liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Đầu tư công…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hóa, hạn chế thấp nhất những điều, khoản giao cho Chính phủ, Bộ trưởng quy định; luật hóa một số vấn đề nhất là những điều liên quan đến danh mục cây trồng, danh mục cấm.
Các quy định trong dự thảo Luật cần hướng tới nền sản xuất hữu cơ, tránh gây ô nhiễm, chú ý phát triển khoa học công nghệ mới về trồng, bảo quản, chế biến; có quy định khuyến khích người dân, doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, có chính sách thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến; giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5./.
Chiều 21/11, UBND TP. Hải Phòng tổ chức khai trương Dự án chính quyền số Hải Phòng. Đây là một trong những dự án quan trọng nhất, làm nền tảng thúc đẩy đột phá phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành NN-PTNT (14/11/1945 - 14/11/2024), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành lời chúc mừng tốt đẹp và trân quý nhất.
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng vừa tổ chức Lễ phát động Giải báo chí về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, năm 2024-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Chiều 7/10, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ra thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong các ngày 28 và 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 46. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.