Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2016 | 9:24

Quốc tế cam kết hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam 7,34 triệu USD khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn

Tại Hội nghị kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán xâm nhập mặn tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 26/4, cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam 7,34 triệu USD nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cộng đã có 22 tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó có 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng.

Hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân 18 tỉnh, thành phố.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, hiện dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi từ Đà Nẵng đến Phú Yên đạt từ 60-80% dung tích thiết kế (DTTK); các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 20-45% DTTK. Ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, các hồ chứa thủy lợi đang có dung tích trữ thấp dhơn thiết kế, đạt từ 40-50% DTTK, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015, có khoảng gần 200 hồ chứa nhỏ đã cạn nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ TBNN gần 2 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền cao nhất lên đến hơn 90 km. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố trong khu vực (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang và Vĩnh Long) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tính đến nay đã có khoảng 358.800ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn; 400.000 hộ dân, với  khoảng  2 triệu người ở các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ bị thiếu nước sinh hoạt; khoảng 1,1 triệu người trong vùng hạn hán không đủ lương thực, cần hỗ trợ để cứu đói. Do ảnh hưởng của không đủ lương thực, nước uống, hiện có khoảng 27.500 trẻ em và 39.000 phụ nữ bị suy dinh dưỡng. Thiếu nước và nước không hợp vệ sinh là nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc dịch bệnh liên quan đến nước, hiện có khoảng 400.000 người nguy cơ mắc bệnh dịch. Hạn hán xảy ra liên tiếp làm nhiều diện tích canh tác phải dừng sản xuất nhiều năm, cây trồng bị thiếu nước, nhiễm mặn làm suy giảm năng suất là nguyên nhân làm 1,75 triệu người  bị mất sinh kế.

Để đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện chỉ đạo; chủ trì nhiều hội nghị, đi thực địa tại các địa phương để trực tiếp chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.  

Các địa phương và người dân đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 tổng cộng khoảng 1.000 tỷ đồng. Các nội dung được hỗ trợ gồm: kinh phí điện, dầu bơm nước, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục, vận chuyển nước sinh hoạt, sửa chữa khẩn cấp công trình, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt, giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, thiên tai diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Liên Hợp quốc hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tổng kinh phí yêu cầu khẩn cấp là 48,5 triệu USD, nhằm cung cấp nước sinh hoạt, lương thực, cung cấp trị liệu thực phẩm và bổ sung vi chất dinh dưỡng để hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng tại cộng đồng và bệnh viện, cung cấp thuốc và vật tư y tế thiết yếu, hỗ trợ cải tạo đất bị nhiễm mặn, cấp nước cho khu vực bị hạn hán, xâm nhập mặn nặng…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Trong quá trình đối phó với thiên tai, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm lớn của Liên Hợp quốc, nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng các tài trợ. Tháng 3/2015, LHQ đã phối hợp tiến hành đánh giá nhanh những tác động của hạn hán và xâm nhập mặn để làm cơ sở giúp chúng tôi thêm thông tin chỉ đạo phòng, chống thiên tai trên toàn quốc một cách chính xác, nhanh chóng và kịp thời. Đồng thời cùng phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động nhằm ứng phó khẩn cấp để chủ động đối phó với các diễn biến bất thường của thiên tai”.

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực to lớn thực hiện các cứu trợ khẩn cấp cho người dân, song đây là một sự kiện cần có sự hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết cho người dân vùng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn.

Anh Thơ

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top