Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 6 năm 2019 | 6:37

Quy hoạch cả ngàn hecta làm dự án du lịch tâm linh có hợp lý?

Nhiều ĐBQH băn khoăn: Tại các khu du lịch tâm linh chưa có sự tách bạch giữa tâm linh và thương mại dịch vụ.

Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt vấn đề, liệu có hay không lợi ích nhóm giữa chủ đầu tư và người duyệt quy hoạch dự án nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh? Lượng tiền công đức được quản lý, thu-chi thế nào?

Có dự án nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh với hàng ngàn hecta được duyệt quy hoạch. (Ảnh minh hoạ: VTV4)

Quy hoạch cả ngàn ha du lịch tâm linh có hợp lý?

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc các dự án nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh với hàng ngàn ha được duyệt quy hoạch là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Thực trạng này liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Hiện nay tại các khu du lịch tâm linh không có sự tách bạch rõ ràng giữa tâm linh và thương mại dịch vụ.

"Việc quy hoạch cả ngàn ha cho các khu du lịch kết hợp tâm linh liệu có hợp lý hay không? Để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, nhất là những công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp… thì ai phải chịu trách nhiệm?", ông Hoà đặt câu hỏi.

Những dự án mới có quy mô xin cấp đất hàng nghìn ha đang khiến dư luận chú ý phải kể tới như Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam) lấy tới 5.100 ha, Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) lấy 18.940 ha.

Hay như dự án Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao, tại xã Yên Trung và Yên Bình, huyện Thạch Thất, được UBND TP Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án do Công ty CP du lịch KOVA làm chủ đầu tư đã triển khai không tách bạch giữa các khu tâm linh và nghỉ dưỡng...

Trả lời chất vấn các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận trong thời gian vừa qua đã xuất hiện một số dự án kết hợp mục đích tâm linh và tôn giáo với diện tích khá lớn.

"Hiện nay chúng ta kiểm soát bằng công cụ chủ yếu là giấy phép xây dựng. Trong giấy phép xây dựng phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý tôn giáo địa phương", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu thực trạng.

Theo "tư lệnh" ngành xây dựng, hiện nay tồn tại trong các quy định pháp luật, chưa xác định cụ thể rõ loại hình công trình tâm linh nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị. Do đó, các địa phương vận dụng cũng còn chưa thống nhất.

Riêng về quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng đất trong các dự án tâm linh kết hợp với du lịch, nghỉ dưỡng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, tới đây sẽ có những quy định cụ thể hơn, để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất phục vụ tâm linh và đất dành cho du lịch nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và hiệu quả xử lý tài chính về đất có liên quan.

 

Quản lý tiền công đức thế nào?

Trong phiên chất vấn chiều 5/6, ĐBQH Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) băn khoăn về chuyện tiền công đức  thu được được quản lý, sử dụng thế nào cho công khai minh bạch.

Ông Bình hỏi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: "Xin Bộ trưởng cho biết bộ có giải pháp gì để quản lý chặt chẽ nguồn thu này trong thời gian tới?".

ĐBQH quan tâm tới việc quản lý và sử dụng tiền công đức thế nào cho hợp lý. (Ảnh minh hoạ: KT)

Cũng quan tâm tới vấn đề này, ĐBQH Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hoá) nêu: Sự phát triển dự án tâm linh được đầu tư lớn, tầm cỡ kỷ lục quốc gia, khu vực và thế giới, báo cáo của Bộ trưởng đã đánh giá việc thu, chi tiền công đức công khai, minh bạch. "Xin Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên? Tổng thu, chi tiền công đức mỗi năm bao nhiêu? Sử dụng mục đích gì? Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu, chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa đang thực hiện hiện nay hay không?", ông Diến đặt câu hỏi.

Trả lời về các dự án tâm linh, tiền công đức, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào và chi như thế nào? 

Hiện nay, về quản lý nhà nước chưa có văn bản này. Chỉ có một văn bản của Bộ VHTT&DL cùng với Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc sử dụng tiền công đức nhưng ở đây, chỉ có nói tại Thông tư liên tịch 04 năm 2014, có hướng dẫn là tiền, tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai.

"Về quản lý nhà nước đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi chưa có văn bản quản lý nhà nước nào quy định về việc này", ông Thiện nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin thêm, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110 liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong nghị định đó có một điểm là giao cho Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn vấn đề thu, chi. Nghị định vừa mới ban hành cuối năm 2018, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng văn bản theo hướng dẫn./.

 

 

Trần Ngọc
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top