Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 11 năm 2021 | 15:42

Quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu cho sự phát triển ĐBSCL

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, quy hoạch vùng ĐBSCL là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững, trong đó “ưu tiên cao nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại”.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, quy hoạch vùng ĐBSCL là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững, trong đó “ưu tiên cao nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại”.

 

ptt-le-van-thanh.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quy hoạch vùng ĐBSCL là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/Đức Tuân

 

Sáng 3/11, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Dự họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số bộ, cơ quan và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Chấm dứt tình trạng "mạnh địa phương nào, làm địa phương đó"

Để có được dự thảo Quy hoạch này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung cao trong hoàn thiện về nội dung và cách thể hiện; đã xin ý kiến nhiều lần, nhiều vòng, tiếp thu tối đa ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm thực tiễn, nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo, những người có tâm huyết, trách nhiệm,... đối với sự phát triển của vùng đất đặc biệt này.

Tại Hội nghị, các địa phương cơ bản nhất trí với quy hoạch, được chuẩn bị công phu với nhiều điểm đột phá.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với vùng là hạ tầng giao thông, hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhắc lại các hội nghị của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Được cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã nêu chiến lược “8G” phát triển ĐBSCL, trong đó, chữ G đầu tiên là "Giao thông". Đó là dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Được đề nghị tập trung đầu tư cho các công trình giao thông liên vùng.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhất trí cao với ý tưởng liên kết cụm ngành công nghiệp và dịch vụ, xây dựng các trung tâm đầu mối, xem đây là khâu đột phá.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng, trong thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã có rất nhiều sáng kiến để liên kết với nhau nhưng chủ yếu là các sáng kiến nhỏ lẻ, của các cụm.

Với quy hoạch này, chúng ta sẽ có thể chế, sẽ có trung tâm điều phối liên kết. Sẽ có một bản đồ án quy hoạch chung vừa tích hợp các ngành nhưng đồng thời cũng là tích hợp của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng "mạnh địa phương nào, làm địa phương đó".

Ông Lê Quang Mạnh đề nghị Ban soạn thảo quan tâm cập nhật các quy hoạch mới được phê duyệt như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải.

Từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, các địa phương đề xuất đầu tư xây dựng nhiều hồ thủy lợi, tích trữ nước ngọt, bởi đây là việc rất cần thiết. Việc đầu tư xây dựng hồ chứa đòi hỏi nhiều nguồn lực, tuy nhiên, không nên chỉ sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước mà cần có chính sách huy động thêm nguồn xã hội hóa.

Các địa phương cũng đề xuất huy động khoản vay của các nhà tài trợ cho đầu tư phát triển ĐBSCL theo phương án Trung ương cấp phát 90% vốn ODA, địa phương vay lại 10%.

 

dbscl.jpg

Giải đáp ý kiến các địa phương, về vấn đề giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: cao tốc TPHCM đến Cà Mau; cao tốc An Hữu - thành phố Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề,... "Nếu làm tốt, đến năm 2025, chúng ta sẽ có 300 km đường cao tốc trong vùng. Như thế để thấy, Trung ương, Chính phủ rất quan tâm, tập trung cho cao tốc". Bên cạnh đó là triển khai 7 tuyến quốc lộ. Về hàng hải, Bộ GTVT ủng hộ phát triển mạnh cảng quốc tế Long An; ủng hộ Trà Vinh xây dựng cảng tổng hợp Trà Vinh duyên hải; ủng hộ Cà Mau kêu gọi nhà đầu tư vào cảng Cầu Vai; riêng cảng Trần Đề của Sóc Trăng cũng đang xúc tiến đầu tư,... Về hàng không thì sẽ nâng cấp cảng hàng không Cần Thơ, mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc...

Đại diện Bộ NNPTNT cho biết, Bộ đang cùng các tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu chủ lực lớn, đạt chất lượng để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như vùng trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản… Bộ NNPTNT đã có nhiều dự án nạo vét, mở kênh lớn để trữ nước ngọt, trong đó có dự án cải tạo kênh, trục chính dẫn nước ngọt từ sông Hậu đến bán đảo Cà Mau.

Ưu tiên cao nhất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong xây dựng quy hoạch, nhất là trong bối cảnh phải tập trung cho phòng chống dịch bệnh, hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quý IV/2021. Đây là công việc rất quan trọng để có sớm quy hoạch vùng ĐBSCL, từ đó huy động nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư.

“Tất cả ý kiến địa phương đều thống nhất đánh giá quy hoạch vùng ĐBSCL đã được chuẩn bị kỹ, kế thừa quá trình phát triển, cập nhật các yêu cầu trong tình hình mới”, Phó Thủ tướng nói. “Các đồng chí đều thống nhất quy hoạch bảo đảm được chất lượng, đúng với các quy định của pháp luật”.

Các ý kiến đều khẳng định vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước, là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước (chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; đóng góp 15,4% GDP, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu…).

Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng. Do đó, theo Phó Thủ tướng, quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch triển khai quy hoạch cũng rất quan trọng, bởi nếu không tổ chức thực hiện có hiệu quả thì sẽ trở thành quy hoạch “treo”.

“Hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng”, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay 4 quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng ĐBSCL. “Ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng”, Phó Thủ tướng nói.

Chủ động xây dựng kế hoạch, thu hút nguồn lực thực hiện quy hoạch

Sau khi có quy hoạch, các địa phương chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án. Dẫn chứng về sự phát triển của thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng cho biết, đối với địa phương này, 90% nguồn vốn đầu tư phát triển là từ doanh nghiệp và người dân, chỉ có 10% nguồn vốn là từ ngân sách Nhà nước. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. “Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”.

Theo Phó Thủ tướng, việc xác lập các cực tăng trưởng cần gắn liền với mục tiêu phát triển Thành phố Cần Thơ với chức năng là trung tâm của vùng.

Không gian phát triển vùng cần gắn với hệ thống các đầu mối về công nghiệp. Chú trọng sâu phát triển không gian biển gắn với phát triển kinh tế biển, trước mắt là hệ thống hạ tầng đường ven biển, cảng biển, hệ thống logistics nhằm khai thác tiềm năng các vùng đất ven biển khi 13 tỉnh ĐBSCL có tới 7 tỉnh ven biển.

Để triển khai thực hiện Quy hoạch có hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chương trình, dự án cụ thể đảm bảo hiệu quả, khả thi để có thể triển khai được ngay Quy hoạch này, đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời là cơ sở để định hướng cho việc lập, triển khai các quy hoạch tỉnh một cách thống nhất, đồng bộ.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương quan tâm hơn nữa đến các dự án đã được đưa vào danh mục trong quy hoạch vùng. Cần nỗ lực triển khai nhanh thủ tục đầu tư. Đối với các dự án dự kiến sử dụng vốn ODA, Phó Thủ tướng đề nghị phải đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, để có thể giải ngân được ngay khi bố trí vốn.

Đối với một số dự án trong quy hoạch có thể thực hiện sớm hơn khi huy động được nguồn vốn xã hội hóa, như các tuyến cao tốc, cảng biển. “Có tuyến các đồng chí ghi là hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030, nhưng nếu cảng do doanh nghiệp đầu tư mà hoàn thành trước, chẳng hạn vào năm 2025, thì đoạn cao tốc kết nối với cảng cần đẩy sớm hơn”.

Quản lý và sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn nước ngọt

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nền tảng, đặc sắc của Vùng ĐBSCL. Do đó, phải tập trung quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên đánh giá tác động và khả năng đáp ứng của nguồn nước. Cần xác lập nguyên tắc tổng thể về việc vận hành các hệ thống hạ tầng liên quan đến nước để đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển lên môi trường, hệ sinh thái tự nhiên của vùng.

Đồng thời, đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn nước ngọt; sử dụng hợp lý các nguồn nước lợ, nước mặn để phát triển kinh tế. Tăng tích trữ nước ngọt qua xây dựng hệ thống hồ chứa, đê ngăn mặn, tạo tính linh hoạt trong khơi thông các dòng nước.

Sau cuộc họp này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, tài liệu để trình Hội đồng thẩm định xem xét, tổ chức thẩm định trong tháng 11/2021; phê duyệt trong tháng 12/2021.

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top