Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2016 | 8:10

Quy trình xả lũ thủy điện Hố Hô còn nhiều bất cập

Đợt lũ lụt lịch sử ở hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ngoài nguyên nhân khách quan là mưa lớn kéo dài, nhiều ý kiến cho rằng, thủ phạm góp phần khiến tình trạng lũ lụt thêm nghiêm trọng là do Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ.

Cơn đại hồng thủy dội xuống đầu người dân miền Trung từ ngày 13-15/10/2016, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh mưa to đến rất to, lượng mưa đầu nguồn đo được trên 1.000 mm. Mưa lớn gây nên lũ quét, sạt lở. Tính đến hết ngày 20/10 đã có đến 34 người chết, nhà cửa, đường sá, giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng, gia súc, gia cầm, hoa màu bị lũ cuốn trôi. Trong đó, Hương Khê là huyện có nhiều xã bị ngập sâu từ 3-5m như Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Giang, Hòa Hải, Lộc Yên, Hương Đô, Gia Phố…

Sau lũ, nhiều người cho rằng, ngoài mưa lớn, một nguyên nhân khiến lũ lên nhanh ở Hương Khê là do thủy điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình. Cũng phải nói thêm rằng, Hương Khê là vùng rốn lũ, người dân dường như đã quá quen với việc này nên trong thiết kế xây dựng, nhà nào cũng có một cái chạn ở trên để tránh lũ. Vì vậy, việc thủy điện Hố Hô xả lũ giống như... giọt nước tràn ly.

Chạn là nơi trú ẩn an toàn cho người dân Hương Khê khi lũ về.

Hương Khê có tổng diện tích rừng trên 100.000ha, lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, tất cả nằm ở phía thượng nguồn cộng với hàng trăm sông suối đổ về trong đó có các con sông lớn như sông Rào Bội, sông Rồng, sông Tiêm,... Mỗi khi có mưa lũ, lượng nước hàng trăm triệu mét khối đổ dồn về sông Ngàn Sâu và các hồ đập, các vùng dân cư ở những nơi thấp trũng gây ngập úng nhiều ngày. Trong khi đó, đập thủy điện Hố Hô được xây dựng trong bối cảnh "thiên không thời, địa không lợi", bởi toàn bộ diện tích rừng và đập dâng thuộc phần đất Hà Tĩnh quản lý, còn vị trí xây dựng đập dâng và nhà máy lại thuộc đất của Quảng Bình, mọi quyền lợi từ thủy điện đều thuộc về Quảng Bình, còn thiệt hại Hà Tĩnh  phải gánh chịu.      

Sau trận lũ lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng, Hương Khê ngập lụt nặng nề là do thủy điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình, không thông báo với người dân trước lúc xả lũ. Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô cho biết: “Bước vào mùa mưa bão 2016, chúng tôi được UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai lũ lụt và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ (PCTT&TKCNCH). Khi nhận được thông báo từ đài khí tượng thủy văn trong các ngày 13-15/10/2016 sẽ có mưa to và rất to, chúng tôi đã có Công văn số 09/CV- HB- NMTĐHH báo cáo tình hình điều tiết nước thủy điện Hố Hô và Văn bản số 10/CV-HB-NMTĐHH ngày 12/10/2016 gửi tới UBND huyện Hương Khê và các xã liên quan để biết cùng phối hợp phòng tránh lũ lụt, khi cần thiết công ty buộc phải xã lũ để nhân dân trong vùng biết. Trước đó, chúng tôi cũng đã làm việc với các cấp chính quyền 8 xã vùng hạ du đồng thời cung cấp, hỗ trợ mỗi thôn 1 kẻng để cảnh báo lũ, ngoài ra còn trang bị 4 còi hú, loa phóng thanh kịp thời thông báo cho toàn dân nghe trước lúc xả lũ". Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Hương Khê và nhiều xã trên địa bàn đều khẳng định, không nhận được thông báo của nhà máy trước khi xả lũ, nên khi nước lên quá nhanh, người dân trở tay không kịp.

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) kể lại sự việc với PV

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình), người chứng kiến toàn bộ diễn biến của cơn lũ khủng khiếp này nói: “Do mưa lớn kéo dài hai ngày đêm không ngớt, nước từ thượng nguồn Tuyên Hóa đổ về, 2 hồ đập tích nước hàng triệu nằm phía thượng nguồn, nước chảy tràn qua cả thân đập, nếu đập vỡ thì cả xã Hương Hóa chúng tôi sẽ trôi hết theo sông Ngàn Sâu rồi. Trước đó, thủy điện Hố Hô đã xả lũ với mức nước thấp, nhưng khi lũ từ phía thượng nguồn Tuyên Hóa đổ về gây lũ lớn trên sông Ngàn Sâu".

Theo các chuyên gia, việc xả nước của thủy điện Hố Hô đợt vừa qua cho thấy nhiều bất cập. Trước hết, do công tác dự báo kém nên đến 17h30 ngày 14/10 khi lũ về 1.700 m3/s hồ vẫn tích nước, đến 18h30 cùng ngày khi lũ về 1.843 m3/s (đỉnh lũ) thì hồ đã đầy nên không tích được nữa, buộc phải xả vào ban đêm. Thông tin này không đến kịp thời với người dân để chủ động di dời. Nếu dự báo tốt, khi gặp đỉnh lũ mà hồ chưa đầy sẽ điều tiết giảm được lũ cho hạ du. Vấn đề là hồ đang tích để cắt lũ cho hạ du thì chuyển sang xả nước. Đây là thời điểm nhạy cảm và phải xem xét hồ đã thực hiện đúng Quy trình đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hay chưa (không phải riêng quy trình xả lũ). Mực nước dâng bình thường của hồ là 70 m, lúc 18h30 ngày 14/10 hồ xả trong khi còn gần 3 mét nữa mới đầy. Cộng thêm lưu lượng xả qua máy phát điện, tổng lưu lượng xả lớn hơn lượng nước đến hồ nên mực nước thượng lưu hồ từ 68 m hạ xuống 64,6 m (lúc 3h ngày 15/10). Việc này làm gia tăng lũ hạ du. Nếu dự báo tốt lũ đến hồ, chắc chắn hồ sẽ dành được dung tích khoảng 6 triệu m3 để cắt đỉnh lũ, hỗ trợ cho hạ du và chỉ xả bằng lũ đến khi hồ đạt mực nước dâng bình thường 70m như trong thiết kế.

Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp cấp bách đối với miền Trung là rà soát quy hoạch hạ tầng cơ sở theo thứ tự ưu tiên là an toàn công trình, cắt giảm hoặc chống lũ cho hạ du, đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du và phát điện. Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân về quy trình, thời gian xả lũ. Mặt khác, cần tăng cường đẩy mạnh khoa học công nghệ, nâng cao độ chính xác của công tác dự báo để các hồ chứa cần duy trì mực nước trước lũ (dung tích phòng lũ) trong một thời kỳ. Muốn làm điều này phải tăng cường hệ thống quan trắc và chất lượng dự báo khí tượng thủy văn cho hồ, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa của các lưu vực sông và các giải pháp chủ động ứng phó với thiên tai.

Để chủ động ứng cứu tại chỗ, cơ quan chức năng cần xây dựng các khu nhà phòng tránh kiên cố, nơi cư trú an toàn, dự trữ lương thực, thuốc men, ghe thuyền, phao cứu hộ. 

P.V

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top