Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2019 | 15:46

Rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan

Thực hiện Chương trình phối hợp số 07, ngày 13/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tham dự Hội nghị có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.

Mặt trận luôn đồng hành cùng Chính phủ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và với tinh thần Mặt trận luôn đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan là những yêu cầu cấp thiết. Qua giám sát, có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực thuế và hải quan.

 

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang nỗ lực triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết, giám sát những chuyên đề, lĩnh vực theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Với 12 chương trình giám sát, trong đó có hoạt động giám sát về phát triển kinh tế tư nhân, đây là giám sát của nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy một trong những nút thắt cần được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tập trung tháo gỡ, loại bỏ đó là những vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, những vấn đề các đại biểu tham dự nêu ra tại Hội nghị hôm nay chính là thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm, lắng nghe của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đối với người dân và doanh nghiệp.

 

Qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy một trong những nút thắt cần được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành tập trung tháo gỡ, loại bỏ đó là những vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Thông tin về kết quả giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, qua 3 đợt giám sát tại 10 tỉnh, thành phố, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xác định một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ trong công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ chế một cửa quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, hiện tại, cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước.

 

Theo đó, với việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, năm 2018 có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan. Tính luỹ kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm.

Gỡ nút thắt cho hoạt động xuất, nhập khẩu

Tại Hội nghị, đại diện Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ, làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong công tác kiểm tra chuyên ngành gắn với quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, mạnh dạn đề xuất các giải pháp lên Chính phủ, và các bộ, ngành sao cho hiệu quả, thiết thực nhất.

 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, việc kiểm tra chuyên ngành mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song vẫn đang là cản trở tương đối lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Từ kết quả khảo sát 3.100 DN do VCCI thực hiện cho thấy, DN đánh giá các thủ tục kiểm tra chuyên ngành là dễ, rất dễ chỉ ở mức khá thấp, chỉ xung quanh mức 15-27% ở tất cả các thủ tục.

Để góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, đại diện VCCI đề xuất ban hành quy định bắt buộc mọi thủ tục kiểm tra chuyên ngành đều phải được thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT, không nên chờ đợi sự tự nguyện của các cơ quan nhà nước như vừa qua.

“Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa quốc gia cần được vận hành tối ưu hơn nữa, tiến tới chấm dứt tình trạng phải nộp hồ sơ giấy đối với các thủ tục trực tuyến”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Về các giải pháp triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin qua việc xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.

Ông Nguyễn Công Bình cũng khẳng định, Tổng cục Hải quan sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan hoàn thiện việc sửa đổi các văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; trực tiếp làm việc với các bộ, ngành để khẩn trương giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát cải cách, sửa đổi bổ sung các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại và giảm thời gian thông quan cho DN.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng có các giải pháp tăng cường việc kết nối công nghệ, xây dựng một đề án tổng thể cải cách về công nghệ thông tin để khắc phục lỗi trong vận hành của cổng thông tin một cửa quốc gia; xây dựng đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Không phải cắt nhiều là tốt”

Đánh giá cao hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hoạt động giám sát đã góp phần giúp Chính phủ, các bộ, ngành cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tốt hơn.

 

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASESN. Khi trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy việc triển khai cơ chế này thành nhiệm vụ trung tâm trong kết nối, phát triển giao thương trong khu vực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng quan điểm với các đại biểu tham dự Hội nghị khi cho rằng việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều, chống gian lận thương mại chưa tương xứng với tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất nhập khẩu có sự chồng chéo kiểm tra của nhiều đơn vị trong 1 bộ, thậm chí của nhiều bộ khác nhau. Bộ, ngành ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có mã HS, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc xã hội hoá công tác kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế, công tác phối hợp giữa các bộ còn lúng túng. Bên cạnh đó, cổng kết nối 1 cửa ASEAN còn “nghẽn” trong thời gian cao điểm, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập tới thái độ, phong cách làm việc của cán bộ, công chức và việc cắt giảm các TTHC, điều kiện kinh doanh. Theo đó, vẫn còn nhiều cán bộ có thái độ sách nhiễu, làm phiền doanh nghiệp. Cũng từ đó, phát sinh những vấn đề khác như “chi phí không chính thức”.

Về cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Việc cắt giảm cần phải rà soát lại xem cắt giảm đến đâu, cắt giảm có phù hợp không. Không phải cứ cắt giảm nhiều là tốt đâu”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ tạo thuận lợi phải đi với chống gian lận thương mại, yêu cầu các bộ, ngành rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành.

“Thủ tục, mặt hàng nhập khẩu nào không hợp lý thì cắt giảm, nhưng thủ tục, mặt hàng nhập khẩu không đáng cắt mà lại cắt, bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà không hợp lý, phải rà lại. Không thể mở toang cửa quốc gia được”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý: “Cứ cắt giảm không khéo lại rơi vào “lợi ích nhóm đấy”. Có doanh nghiệp đi vận động cắt giảm cái nọ cái kia đấy”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường trực MTTQ Việt Nam không chỉ giám sát việc thực thi của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức mà mở rộng cả ra cả khối doanh nghiệp là các đơn vị thực thi. “Tất cả phải hai mặt, không thể đòi hỏi một phía. Tất cả những nhũng nhiễu, vòi vĩnh là phải cắt. Có những cái không đáng cắt thì lại đi cắt. Có những thứ rất cần cắt thì lại không cắt”, Phó Thủ tướng nhận định về việc cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành.

Nói về những kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhận định: “Doanh nghiệp hôm nay phản ánh những cái rất nhỏ, nhưng là nhỏ với các bộ, ngành thôi, chứ với doanh nghiệp là vấn đề rất lớn. Nếu tính theo các doanh nghiệp trong nền kinh tế thì vấn đề lại cực kỳ lớn”.

 

Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu nhưng vẫn phải kiểm tra chuyên ngành, dễ nảy sinh các tiêu cực, khắc phục các yếu kém trong tổ chức thực thi công vụ. “Đây là trách nhiệm của Bộ trưởng”, Phó Thủ tướng nói rõ.

Cùng với đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành đẩy mạnh xã hội hoá việc đầu tư thiết bị trong kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, không để tình trạng “Bộ vừa ban hành tiêu chuẩn, vừa kiểm tra”.

 

Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top