Trong khi nhiều người coi thường sức khỏe người tiêu dùng, bất chấp những quy định cấm về sử dụng thuốc tăng trưởng để phun tưới cho rau, quả để đạt lợi nhuận cao thì bà Tư nhất quyết chỉ chăm bón rau bằng phân vi sinh, nước khoan từ lòng đất. Bà bảo: “Tính mạng con người là trên hết. Mình tưới thuốc tăng trưởng nhiều, chưa đến lứa đã vội hái đem đi bán kiếm tiền khác gì gieo tội ác. Bà con ăn cũng như mình ăn”. Bà là Mai Thị Tư ở ấp Bà Trường, xã Phước An (Nhơn Trạch - Đồng Nai), người hơn chục năm trồng rau sạch cung cấp cho bà con trong xã, ấp.
Không quản trưa nắng, hễ có bà con đến mua bà Mai Thị Tư hái bán nhiệt tình.
Mầm xanh trên đất bạc màu
Gần 5 năm trước, bà Tư từ huyện Nga Sơn, Thanh Hóa theo con trai vào ấp Bà Trường lập nghiệp kiếm kế sinh nhai. Làm gì để sinh sống và “bớt gánh nặng” cho con khi không có nghề nghiệp ổn định?. Nuôi heo thì không có tiền xây chuồng trại theo quy chuẩn vệ sinh môi trường, buôn bán thì không có vốn. Bao đêm trằn trọc, bà Tư không biết trồng cây gì, nuôi con gì trên mảnh đất vườn cỏ năn mọc um tùm quanh năm và nhiễm phèn chua nước lợ. Cuối cùng bà quyết định “bắt đất bạc màu đẻ ra rau sạch”.
“Làm gì cũng cần có cái nhân cái đức. Nếu phun thuốc kích thích thì chỉ một tuần là hái được, thậm chí phun tối nay, sáng mai hái bán luôn, rau nhìn xanh mơn mởn. Nhưng làm vậy khác gì âm thầm giết người”, bà Mai Thị Tư, chia sẻ. |
Vốn là người có sức khỏe, chịu thương chịu khó làm ăn, nói là làm, giữa cái nắng chang chang của miền Đông Nam Bộ, trong khi các con đi làm công nhân, bà ở nhà cuốc cỏ, san đất làm vườn. Từ khoảnh vườn cỏ năn và vũng bùn lầy quá gối, sau hai tuần làm cật lực, những luống đất màu mỡ, thẳng tắp ra đời. Ưu tiên khoảnh đất cao nhất bà trồng rau ngót, ở giữa trồng rau lang, phía ngoài gieo hạt cải thìa, quanh bờ ruộng trồng chuối, đu đủ, chanh giống mới, tắc (Miền Bắc gọi là quả quất) ngọt. Vũng bùn ngập quá gối trước kia toàn bèo và cỏ dại, được be bờ, ngăn nước vuông vức trồng rau nhút, rau muống và cần nước. Tận dụng tàu lá dừa, cành cây bà làm giàn trồng mướp đắng, mướp hương…
Một ngày làm việc của bà bắt đầu từ 4 giờ sáng tưới rau, làm cỏ, cuốc đất. Khi mặt trời lên, bà “làm nhà” cho rau cải thìa và các loại rau “khó tính” như xà lách, rau diếp. Chiều lại tưới rau, làm cỏ, bón phân. Bà Tư như con ong chăm chỉ ngày ngày cần mẫn trên ruộng rau xanh mướt.
Không phụ công người nông dân nghèo khó chăm chỉ làm ăn, sau hơn một tháng chăm bón, lứa rau đầu tiên của bà được “gặt hái”. Đêm trước ngày thu hoạch, bà vui buồn thấp thỏm không ngủ được. Nhìn những luống rau sạch không hóa chất xanh mơn mởn bà rưng rưng nước mắt. Bà xúc động không chỉ vì công sức làm lụng vất vả, mà xúc động vì đã “thử nghiệm” thành công trồng rau sạch trên nền đất bạc màu. “Trồng rau trên đất nhiễm phèn thì chỉ có dùng nước tưới khoan từ lòng đất là tốt nhất. Nếu dùng nước máy, rau sinh trưởng kém. Phân bón cho rau tất cả bằng phân vi sinh, tuyệt nhiên không có hóa chất hoặc chất kích thích tăng trưởng”, bà Tư chia sẻ
Để thưởng thức “sản phẩm” từ tay mình làm ra, món quà bà chiêu đãi con trai, con gái, dâu, rể là món rau xanh sạch. Bưng bát cơm trắng, gắp đũa rau khoai lang sạch xào tỏi, bà Tư rưng rưng nói với các con: “Mẹ mừng vì đã “bắt đất đẻ ra rau xanh”, nhưng mừng hơn là từ nay cả nhà đã có rau sạch ăn hằng ngày mà không cần đi chợ mua nữa”.
Rau sạch từ tấm lòng sạch
Với tấm lòng thơm thảo chia ngọt sẻ bùi, bà Tư hái rau biếu bà con hàng xóm quanh ấp ăn thử và đánh giá chất lượng. Tất cả những người ăn rau của bà đều có một nhận xét “yên tâm mà ăn, không sợ hóa chất”.
Bà Mai Thị Ân, hàng xóm của bà Tư chia sẻ: “Từ khi có rau sạch của bà Tư, ba gia đình mẹ con tôi đều ăn rau của bà. Trước đây mua rau ở chợ, về nhà để một ngày là thối hoặc nhũn nhoét. Nhưng rau của bà Tư để mấy ngày vẫn ăn được”.
Cũng yên tâm khi ăn rau sạch của bà Tư, chị Bùi Thị Lệ, trọ ở ấp Bà Trường nhận xét: “Ăn rau nhà bà Tư thì yên tâm tuyệt đối, hoàn toàn sạch sẽ mà không lo hóa chất. Từ rau muống, cải xanh, xà lách, rau lang đều không dùng chất kích thích hoặc phun lướt lá. Không chỉ xóm chúng tôi mà nhiều bà con trong ấp, xã đều ăn rau của bà Tư”.
Hỏi về số lượng rau bán ra thị trường mỗi ngày, bà Tư cho biết, mỗi ngày bà hái bán cho bà con quanh ấp khoảng 40 bó rau lang và 30 bó rau khác như: cải thìa, rau ngót, muống nước, cần nước, rau nhút… “Ngày nào nhiều thì đem đi chợ Phước An bán mối, bữa nào hái ít thì bán tại vườn. Trồng rau sạch thì không lo bị ế đâu. Mùa này không có rau mà bán ấy chứ”, bà Tư cho biết. Tôi hỏi: Mỗi ngày thu nhập bao tiền từ bán rau sạch? Bà Tư “bật mí”: “Trừ chi phí, tháng cũng được 4-5 triệu đồng tiền lãi”
Điều quý trọng hơn là bà luôn coi trọng sức khỏe của người tiêu dùng, không ham tiền mà dùng chất kích thích tưới cho rau. Chính vì thế, rau của bà lúc nào cũng đắt hơn tôm tươi và chưa bao giờ bị ế: “Làm gì cũng cần có cái nhân cái đức. Nếu phun thuốc kích thích thì chỉ một tuần là hái được, thậm chí phun tối nay, sáng mai hái bán luôn, rau nhìn xanh mơn mởn. Nhưng làm vậy khác gì âm thầm giết người. Kiếm được thêm tiền, nhưng gieo bệnh cho bà con, khác gì tội ác”, bà Tư tâm sự.
Từ mảnh ruộng bỏ không, cỏ năn mọc kín và nhiễm phèn, giờ là vườn rau sạch đủ loại xanh mướt. Ngày nào bà Tư cũng có rau sạnh bán. Người dân trong ấp Bà Trường không chỉ mua rau của bà Tư vì sạch, an toàn; mà còn quý trọng bà bởi đức tính hiền lành, thật thà, siêng năng làm lụng và hay giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong ấp. “Ở ấp Bà Trường nói đến “bà Tư rau sạch” rất nhiều người biết. Người dân không chỉ thường xuyên ăn rau sạch do bà trồng, mà thích mua rau của bà bởi tính tình xởi lởi, trồng sao nói vậy, không đẩy đưa “làm hàng, làm giá”, ông Hỏa Văn Thận, Chi hội phó Hội Cựu chiến binh ấp Bà Trường, nhận xét.
Minh Quang
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.