Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 16:47

Rộn ràng ngày mùa với nghề... cấy thuê

Những ngày đầu tháng 6 âm lịch này, khi mà các huyện ngoại thành của Hà Nội bước vào thời điểm gieo cấy vụ lúa mùa thì cũng là lúc một bộ phận người làm công việc cấy thuê được dịp… “hái ra tiền”.

Từ sáng tinh mơ, không khí nhộn nhịp với hình ảnh những người nông dân khom lưng nhanh tay cấy lúa xen lẫn tiếng người cười nói rôm rả, tiếng máy bừa, máy bơm nước nổ giòn giã trên cánh đồng... bức tranh đồng quê bình dị, yên vui đã hiện lên sinh động.

“Đón thợ cấy”

Bà Lê Thị Tâm, ở thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết, gia đình bà vừa đón 4 nhân công để cấy cho mảnh ruộng 5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) của mình. Bà Tâm kể, với 4 nhân công cấy trong 2 ngày xong đám ruộng, bà phải trả công cho mỗi thợ cấy 700.000 đồng, nghĩa là mỗi ngày công lao động 1 thợ cấy được 350.000 đồng. Rồi nữa, ngoài tiền công như vậy ra thì bà Tâm còn phục vụ mỗi ngày 1 bữa cơm trưa cho thợ cấy, cộng với nước uống…

 

z3564024988097_33bb6e9c5519a3bd62ac50034f346da6.jpg
Công việc cấy thuê tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá.

  

Giống như bà Tâm, chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối ( huyện Đông Anh) ngày 10/6 (âm lịch) mới đây cũng thuê 4 nhân công để cấy thửa ruộng 3 sào của mình. Chị Lan cho hay, mạ đã gieo đủ ngày từ cách đây cả gần 1 tuần, nhưng do đón mãi không được thợ cấy, và phải đợi mấy người họ làm xong cho nhà hàng xóm thì mình mới đón được, nên mãi tới hôm vừa mới đây mới cấy được xong thửa ruộng.

Chị Lan kể: “Bình thường ở khu vực quanh đây người dân vẫn thuê cấy theo công nhật, nghĩa là nuôi thợ cấy 1 bữa cơm trưa, cùng với mức tiền công trả trung bình khoảng 350.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có gia đình “xông xênh” trả tới 400.000 đồng/người/ngày cấy. Một hình thức thuê cấy khác nhưng không phổ biến nhiều, đó là thuê khoán, nghĩa là gia chủ khoán theo sào với giá vào khoảng 500.000 đồng, bao gồm cả nhổ mạ và cấy.

Trong những năm gần đây, khi bước vào mùa vụ, nhân công cấy thuê thường rất khan hiếm, vì vậy mà những người làm công việc này luôn được… săn đón cùng mức tiền thù lao khá cao, bởi gia đình nào còn làm nông nghiệp thì họ cũng mong muốn cấy lúa nhanh cho kịp thời vụ khi mạ gieo đã đủ ngày.

Tại một số quận mới lên đô thị chưa lâu như: Nam - Bắc Từ Liêm, Long Biên…, tình trạng khan hiếm thợ cấy thuê khi mùa tới cũng khá phổ biến. Ông Trần Tuấn Thái, năm nay 57 tuổi, nhà ở phường Thuỵ Phương(quận Bắc Từ Liêm), hiện còn làm 8 sào đất nông nghiệp chuyên cấy lúa, cho biết, bình thường do 2 con đi làm công ty, ở nhà chỉ có 2 vợ chồng già nên việc cấy, gặt quanh năm đều phải thuê mướn người làm chứ sức 2 vợ chồng làm không nổi. Nhiều năm muốn có thợ cấy thì phải dặn những người chuyên làm công việc này để họ sắp xếp, bởi lịch trình cấy thuê của họ luôn “kín” khi mùa gieo cấy tới. Ngay như mùa cấy này, nhà ông Thái cũng phải “đón thợ cấy” trước cả tuần rồi sau đó mới thuê được 6 người cấy trong 2 ngày để xong số diện tích…

Nhân công cấy thuê khan hiếm và được “săn đón” vậy nên những người làm công việc theo thời vụ này cũng vì thế mà… có giá! Bình thường như cách đây vài ba năm trở về trước giá tiền mà người ta phải trả cho một nhân công cấy thuê trung bình chỉ  từ 200-250.000 đồng/người/ngày; bây giờ nó đã tăng lên hơn gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi. Thực ra việc “đẩy giá” ngày công cấy thuê lên cao không hẳn do những người làm công việc này, mà cũng có một phần bởi chính những gia chủ thuê mướn, bởi nhiều nhà muốn đón được thợ cấy nhanh chóng đã trả cao hơn, vì vậy mà luôn có sự cạnh tranh. Ngoài ra, khi xăng tăng, cùng vô vàn các loại hàng hoá, dịch vụ gia tăng như hiện nay thì việc ngày công cấy thuê của người lao động cao hơn so với trước đây cũng là điều dễ hiểu…

Có một nghề gọi là nghề cấy thuê

Trên khắp cánh đồng, hình ảnh những dáng người khom lưng bên những đám mạ non vừa được cấy xong lẫn trong tiếng cười nói vui vẻ như hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Và trong khung cảnh đó còn là mơ ước của những người lao động về cuộc sống no đủ... Dù chỉ diễn ra trong vòng nửa tháng, nhưng công việc cấy thuê là một trong những cách điều tiết lao động tự phát theo thời vụ khá hiệu quả theo phương châm hai bên cùng có lợi. Sự hỗ trợ kịp thời của những người thợ cấy thuê đã góp phần quan trọng mang lại một mùa vụ bội thu.

 

z3564025158158_e74be6ae9dd7753c4426b5a21206f61c.jpg
Vào thời điểm mùa vụ, nhiều người phụ nữ làm công việc cấy thuê có cơ hội kiếm tiền.

  

Nói về công việc cấy thuê của một bộ phận những người làm công việc này, thì thường là họ là phụ nữ tới từ các tỉnh khác như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình… Theo như tôi biết, khi mùa cấy tới, những người phụ nữ từ các tỉnh trên đã tới các huyện ngoại thành của Hà Nội để kiếm tiền. Thường là họ đi làm thuê trong khoảng vài ba tuần, khi tới lúc hết mùa cấy mới trở về nhà, và số tiền họ kiếm được cũng là kha khá.

Chị Lưu Thị Dần, năm nay 39 tuổi, quê huyện Tam Nông (Phú Thọ), người đã làm công việc cấy thuê tại khu vực huyện Đông Anh từ mấy năm nay, kể rằng, bình thường một mùa cấy chị làm được khoảng 15 ngày, với mỗi ngày trung bình 350.000 đồng tiền công như vụ cấy năm nay, thì số tiền chị kiếm được cũng khoảng hơn 5 triệu đồng. Nếu như cấy cho gia đình nào trả cao hơn, hoặc nhận cấy khoán…, thì có thể kiếm được nhiều tiền hơn chút xíu.

Hay như chị Lê Thu Hạnh, 32 tuổi, quê huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), từng có “thâm niên” 7 năm tương ứng với 14 mùa vụ cấy thuê tại khu vực một số phường của quận Bắc Từ Liêm, thì mỗi mùa cấy qua đi chị cũng kiếm được mấy triệu đồng. Chị Hạnh kể: “Gia đình tôi cũng làm ruộng, nhưng cứ hễ tới mùa cấy là tôi lại để ruộng ở nhà cho mẹ chồng cùng người em làm, còn tôi theo mấy chị bạn hàng xóm đi cấy thuê kiếm tiền. Đây là công việc thời vụ thôi, nhưng với trung bình khoảng 5 triệu đồng kiếm được từ việc cấy thuê mỗi mùa cũng giúp được gia đình tôi nhiều thứ. Có năm tôi dùng tiền kiếm được mua cây giống để trồng, mua gà giống, lợn giống để nuôi. Cũng có năm số tiền ấy để dành đóng học phí, mua sách bút cho con…”.

Có thể thấy công việc cấy thuê không hề nhàn hạ, khi người làm công việc này phải lội bùn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” suốt cả ngày dưới trời nắng, mưa thậm chí họ phải ăn cơm nghỉ qua loa ngay ngoài bờ ruộng, sau đó lại lao động tiếp. Thế nhưng, khép lại công việc mỗi ngày, nhìn những nhành mạ cấy trên từng đám ruộng như reo vui trong gió, bắt đầu một quá trình vươn cao phát triển, niềm vui người cấy thuê đã hoàn thành công việc của mình, hứa hẹn những mùa vụ bội thu và cuộc sống no đủ, yên vui!

 

 

Trịnh Viết Hiệp
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top