Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017 | 1:51

Rượu chứa Methanol, sát thủ vô hình

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, liên tục trong những ngày gần đây, số ca ngộ độc rượu phải vào trung tâm cấp cứu có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc rượu chứa Methanol đều ở Hà Nội.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra hộ nấu rượu thủ công do ông Lại Văn Bằng (thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) làm chủ.

Tập trung kiểm tra kiểm soát rượu thủ công

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, do đó, trong những năm vừa qua, Chi cục QLTT Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch chuyên đề liên quan đến rượu lậu, rượu giả. Theo đó, trong năm 2015, Chi cục QLTT Hà Nội  kiểm tra 82 vụ, xử phạt hơn 600 triệu đồng, tịch thu 138 nghìn lít rượu; năm 2016, kiểm tra 138 vụ, xử phạt hơn 800 triệu đồng, tịch thu hơn 3.500 chai rượu.

Và trước tình trạng ngộ độc rượu liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, Chi cục QLTT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tập trung toàn lực lượng kiểm tra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu lưu thông trên thị trường, trong đó, đặc biệt chú trọng đến mặt hàng rượu thủ công. Kết quả, chỉ trong 7 ngày (từ 4-10/3), đã kiểm tra 158 vụ, tạm trữ, tịch thu 17.271 lít rượu và 155 chai rượu các loại, xử phạt 258,55 triệu đồng.

Từ ngày 22/2 đến ngày 8/3 tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), đã có 14 người phải cấp cứu và điều trị do ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp Methanol, trong đó 1 người đã tử vong. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng Hà Nội đã ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những xã, phường có bệnh nhân ngộ độc rượu. Đến nay, đã kiểm tra được 225 cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm tại labo 25 mẫu; niêm phong 1.970 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tính đến chiều 7/3, đã có kết quả xét nghiệm 10 mẫu rượu, trong đó có 2 mẫu rượu có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng rất cao.

Theo thông tin do cơ quan chức năng cung cấp, hiện nay trên thị trường đang lưu hành các mặt hàng rượu nhãn hiệu “Duy Hảo”, có thể là nguyên nhân chính gây nên hàng loạt vụ ngộ độc rượu Methanol trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe người dân, ngay trong ngày 10/3, Chi cục QLTT Hà Nội đã có công văn hỏa tốc yêu cầu đội trưởng c­­­ác đội quản lý thị trường  khẩn trương tập trung tổng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu thủ công lưu thông trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện cơ sở nào kinh doanh mặt hàng rượu “Duy Hảo” thì tổ chức kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định tạm giữ toàn bộ số rượu theo thẩ­m quyền và báo cáo ngay lãnh đạo Chi cục để được chỉ đạo kịp thời.

Bên cạnh việc tổng lực kiểm tra kiểm soát thị trường mặt hàng rượu thủ công, theo ông Trần Việt Hùng, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng rượu; đồng thời, khuyến cáo người dân mua hàng hóa có nguồn gốc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng uy tín.

Cấm bày bán rượu thủ công không tem nhãn

Bộ Công Thương  vừa có văn bản yêu cầu sở công thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa...

Ban Chỉ đạo 389 TP.Hà Nội cũng đã ban hành Văn bản số 15/BCĐ389/TP-CQTT yêu cầu các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP; Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý ATVSTP đối với kinh doanh sản phẩm rượu. Theo đó, yêu cầu các sở: Y tế, Công Thương, Công an TP.Hà Nội phối hợp triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, phải kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và có biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn; quyết không để các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu nhập lậu, không có nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng dưới mọi hình thức.

Các sở ngành phải chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống...) trên địa bàn thành phố. Đồng thời, có giải pháp, biện pháp tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm rượu, đồ uống có cồn, đặc biệt là các loại rượu sản xuất thủ công trên địa bàn thành phố.

Các sở, ngành thành viên khác của Ban Chỉ đạo  389/TP căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tuyên truyền, đấu tranh nhằm khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu.

Những biểu hiện ngộ độc Methanol

Các biểu hiện tương tự như khi uống quá nhiều rượu nên người bị ngộ độc sẽ thấy buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác cho đến mù mắt.

Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và có thể dẫn đến tử vong. Ngộ độc xảy ra rất nhanh, sau khi uống khoảng 6 - 8 giờ thì buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt kéo dài khoảng 8 giờ sau thì tử vong. Từ khi uống cho đến khi chết chưa đầy 24 giờ.

Điều này khác với sự say rượu thông thường: lúc đầu nói nhiều, lộn xộn, mất thăng bằng do trung tâm ức chế bị ức chế; sau đó chuyển sang trạng thái mệt mỏi, ngủ li bì do toàn bộ thần kinh trung ương bị ức chế. Say rượu thông thường ít khi tử vong, trừ trường hợp ra lạnh, hay vốn có bệnh tim mạch.

Ngộ độc xảy ra ngay khi uống chưa quá nhiều, chưa quá say, có người sau khi uống còn tỉnh táo về đến nhà mới thấy mệt vào viện thì... chết.

Khi gặp biểu hiện nhiễm độc methanol,  cần đưa nạn nhân cùng với những chất mà họ đã sử dụng (nghi tác nhân gây ngộ độc) tới cơ quan chống độc của các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Nên tránh uống các loại rượu trôi nổi chưa được kiểm định chất lượng và chưa qua kiểm tra của cơ sở y tế, của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tác hại của rượu có chứa Methanol

Theo website Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), methanol là loại rượu đơn giản nhất, chất lỏng không màu, dễ cháy. Methanol tinh khiết có mùi thoang thoảng ngọt ở nhiệt độ môi trường xung quanh; methanol thô có thể có mùi hăng, khó chịu. Methanol được dùng trong công nghiệp (nhiên liệu vận tải, nhiên liệu hàng hải, pin năng lượng mặt trời, phát điện, nấu ăn...) và thường làm dung môi hòa tan các chất vô cơ, hữu cơ hay chiết xuất các loại dầu. Để tránh nhầm lẫn với các loại dùng để uống, người ta cho chất màu xanh vào methanol nên gọi là cồn xanh.

Methanol rất độc đối với con người, bởi cơ thể chúng ta sẽ chuyển hóa methanol thành formaldehyde và tiếp đến là ôxy hóa thành axít formic rồi tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận mô mềm khác như thận và gan.

Theo bác sỹ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ cần 10ml methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% là methanol. Ngoài ra,  có thể bị mù, ngộ độc dẫn tới tử vong nếu uống và đưa 30 ml dung dịch nồng độ 40% methanol vào cơ thể!

Nguyễn Hạnh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top