Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 4 năm 2020 | 16:11

Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay chở 298 người Việt về từ Nhật Bản

Chuyến bay số hiệu VN311 của hãng hàng không Vietnam Airlines xuất phát từ Nhật Bản chở 298 hành khách là người Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Tất cả hành khách được kiểm tra y tế và thực hiện cách ly theo đúng quy định.

các-khu-vực-làm-thủ-tục-luồng-di-chuyển-của-hành-khách-đều-được-phun-khử-trùng.JPG

 Các khu vực làm thủ tục, luồng di chuyển của hành khách đều được phun khử trùng.

 

Được biết hành khách trên chuyến bay này bao gồm các du học sinh, khách du lịch, lao động Việt Nam bị mắc kẹt tại Nhật Bản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hành khách lên chuyến bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, được sàng lọc không dương tính với SARS-CoV-2, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn trên suốt hành trình. Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, sân bay quốc tế Vân Đồn đã đón 6 chuyến bay chở tổng cộng hơn 900 hành khách về từ Nhật Bản.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng phương án đón người Việt bị mắc kẹt tại nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã lập danh sách thống kê số lượng những công dân Việt Nam bị kẹt lại ở Nhật Bản có nhu cầu về nước. Các hành khách xuống sân bay Vân Đồn đều được đón tiếp theo quy trình khép kín bên ngoài nhà ga, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm.

Cụ thể, tàu bay khi hạ cánh đậu ở bãi đỗ xa. Sau đó, xe bus chở hành khách lần lượt vào làm thủ tục tại khu vực phía ngoài nhà ga, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động chung của các chuyến bay thương mại, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên cũng như các hành khách khác. Hành khách khi xuống máy bay đã tiến hành khai báo y tế bắt buộc, làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan và di chuyển bằng xe chuyên dụng từ Sân bay Vân Đồn về khu vực cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định. Cũng trong ngày hôm nay, sân bay Vân Đồn còn đón thêm chuyến bay khác đưa đội ngũ chuyên gia từ Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc.

 

chuyến-bay-chở-người-việt-từ-nhật-bản-hạ-cánh-xuống-sân-bay-vân-đồn.jpg
 Chuyến bay chở người Việt từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.

 

Theo ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn, quy trình đưa - đón hành khách tại sân bay hiện nay là hoàn toàn tối ưu, tuân thủ đúng theo các chỉ đạo của Cục Hàng không và Chính phủ áp dụng đối với hoạt động hàng không và các hoạt động tại nơi đông người trong mùa dịch. Điều này đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Cùng với việc đón người Việt từ các vùng dịch về nước an toàn, sân bay Vân Đồn đã và sẽ tiếp tục đón thêm đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao của các doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam quay trở lại làm việc trong các nhà máy, công xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay, sân bay quốc tế Vân Đồn đã trở thành một trong số ít sân bay tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đón các chuyến bay về từ vùng dịch, đảm bảo cho 35 chuyến bay với hơn 5.300 hành khách về nước an toàn.

“Dù luôn phải cập nhật quy trình đón khách vùng dịch theo các chỉ đạo mới của Chính phủ, nhưng 35 chuyến bay hạ cánh an toàn, suôn sẻ đã chứng minh rằng sân bay Vân Đồn của Tập đoàn Sun Group hoàn toàn đủ năng lực tiếp đón những chuyến bay theo một quy trình đặc biệt, trong một bối cảnh và tình huống rất đặc thù”, ông Phạm Ngọc Sáu nhận định.

Đại diện sân bay Vân Đồn cho biết, trong thời gian qua, nhiều chuyến bay thương mại phải tạm hoãn, nhiều kế hoạch phát triển thị trường mới đã phải hủy bỏ. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian quý báu giúp sân bay chuẩn hoá hoạt động, điều chỉnh những quy trình cũ và xây dựng các quy trình mới có tính linh hoạt, ứng biến theo tình hình thực tế; đồng thời tập trung tăng cường đào tạo nội bộ để phục vụ hành khách với chất lượng ưu việt hơn nữa.

 

hành-khách-xếp-hàng-làm-thủ-tục-nhập-cảnh.jpg
 Hành khách xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh.

 

Dự kiến, các chuyến bay thương mại tại sân bay Vân Đồn sẽ được nối lại từ đầu tháng 5 tới. Nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, tùy theo tình hình thực tế của dịch bệnh cũng như các yêu cầu của Chính phủ về công tác phòng dịch, sân bay Vân Đồn sẽ tiếp tục yêu cầu bắt buộc hoặc khuyến khích hành khách đeo khẩu trang tại sân bay cũng như trên chuyến bay, đảm bảo khoảng cách an toàn tại các vị trí làm thủ tục… 100% đội ngũ nhân viên sẽ vẫn đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ. Dung dịch sát khuẩn được đặt tại các quầy dịch vụ, nhà vệ sinh; công tác khử trùng, khử khuẩn phòng chống dịch sẽ được thực hiện liên tục tại các vị trí đón khách.  

Dự kiến, đường bay Vân Đồn – Sài Gòn do Vietjet khai thác hàng ngày sẽ bắt đầu đón khách từ 1/5, Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến/tuần từ 16/5, Bamboo khai thác hàng ngày từ 1/6; đường bay Vân Đồn – Đà Nẵng do Vietnam Airlines khai thác 3 chuyến/tuần từ 16/5.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng. Sân bay có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, với 7 vị trí đỗ, trong đó 3 bãi đỗ xa và 4 bãi đỗ gần. Năm 2019, sân bay Vân Đồn đã vinh dự nhận danh hiệu: Sân bay mới hàng đầu châu Á và Sân bay mới hàng đầu thế giới do Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng.

 

PV
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top