Những việc làm của các anh càng ngày càng tô thắm thêm phẩm chất của “Anh bộ đội cụ Hồ”. Không thể ghi hết những việc các anh làm giúp dân. Chỉ xin ghi vài việc ở vài địa phương.
Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng bảo vệ đất nước, không chỉ cùng nhân dân tạo nên những chiến công hiển hách, chấn động địa cầu mà đồng thời cũng là lực lượng quan trọng trong công tác giúp đỡ nhân dân mỗi khi thiên tai xảy ra và cùng nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao trình độ văn hóa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giúp dân trong hoạn nạn
Không thể nói hết bằng lời những việc mà các anh bộ đội trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc làm cho dân, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến các vùng núi biên cương xa xôi hẻo lánh, đâu có khó khăn là thấy có mặt của “Bộ đội cụ Hồ”.
Hẳn chúng ta chưa thể quên được trận mưa lũ hoành hành trên khắp biên giới miền Tây Quảng Bình đầu tháng 9 vừa qua, khiến hàng trăm ngôi nhà ngập chìm trong biển nước, nhiều trường không thể tổ chức lễ khai giảng, đời sống sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Đứng trước tình hình thiên tai ngập lụt nghiêm trọng đến đời sống của bà con, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Bình đã huy động phương tiện, lực lượng và lương thực để cùng chính quyền địa phương giúp người dân ứng phó với mưa lũ.
Với những phương tiện sẵn có và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được cử đến để phối hợp với lực lượng Công an, vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống, dầu ăn... hỗ trợ người dân vùng ngập lụt.
Trung tá Hoàng Xuân Long, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Chỉ huy Đoàn công tác BĐBP Quảng Bình kể lại, đường vào Đồn Biên phòng Cà Xèng phải qua 3 bản của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), khi đó đường ngập sâu đến hơn 5m nước, có đoạn dài hơn 1km. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng trên hai tuyến biên giới túc trực cùng với địa phương sẵn sàng chờ lệnh, tiếp nhận hàng cứu trợ để trao tận tay những gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đêm 3/9, khi trận áp thấp nhiệt đới ập vào đất liền chỉ sau cơn bão số 4 mấy ngày, cả một vùng đất rộng lớn ở khu vực biên giới Quảng Trị, thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đắkrông, bị lũ tấn công.
Nước từ thượng nguồn sông Sê Pôn đổ về nhấn chìm nhiều bản làng, chia cắt những con đường huyết mạch, giao thông đình trệ, nhiều khu vực bị mất liên lạc với bên ngoài.
Theo thiếu tá Ngô Quang Thuyên, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đêm 3/9 rạng sáng 4/9, đồn đã được “báo động đỏ”, hầu như toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đều được điều động về các vùng thấp trũng, giúp người dân vận chuyển đồ đạc và đưa họ lên nơi cao để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng.
Chưa hết, những người lính biên phòng cũng đứng canh suốt đêm ở những vị trí ngập để nhắc nhở người dân chớ có liều mạng mà đi qua. “Chúng tôi sử dụng ca nô, trưng dụng đò của người dân và chạy gần như suốt đêm. 2.000 con người đã được chúng tôi đưa đi tránh lũ trong đêm tối”, thiếu tá Thuyên nói.
Nhắc lại những ngày đó, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị cho biết, từ đêm 3/9 đến ngày 5/9, biên phòng Quảng Trị đã điều động trên 500 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ di dời dân và tiếp tục giúp đỡ dân khắc phục hậu quả sau lũ, với tinh thần nước rút đến đâu, thu dọn đến đấy.
“Chúng tôi đã điều động thêm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị tuyến biển và cơ quan bộ chỉ huy, lên tăng cường cho các đơn vị trên tuyến biên giới Việt - Lào, để giúp nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức vệ sinh trường học, trung tâm y tế và khơi thông các tuyến đường giao thông; đồng thời giúp người dân dọn dẹp nhà cửa để bà con sớm về lại nhà của mình”, đại tá Phương cho biết thêm.
Nói đến việc BĐBP giúp người dân ở đây, bà Trần Thị Xưng (trú khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) kể lại: “Tôi đi tránh lũ, sáng về tui mở cửa ra là tui thấy ngao ngán rồi, cực dữ ri trời. Nhưng khi tui thấy lính biên phòng vô là tôi thấy phấn khởi, hết lo luôn...”.
Hỗ trợ dân phát triển kinh tế
Không chỉ giúp khắc phục hậu quả của thiên tai, các anh bộ đội còn giúp đỡ người dân làm ăn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đồn Biên phòng Pa Ủ (Mường Tè – Lai Châu) đã hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi bò tập trung, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ/năm và chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như thảo quả, sa nhân tím...
Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, Đồn Biên phòng Pa Ủ không giao con giống cho bà con tự chăm sóc mà cử cán bộ trực tiếp xuống cùng nhân dân chăn thả, chăm sóc đàn bò. Nhờ đó, tỷ lệ con giống sinh trưởng được đảm bảo, phát triển tốt, nhân dân tiếp thu, tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Ban đầu giao nhận là 40 con bò, với sự hỗ trợ của chiến sỹ Biên phòng trong cách chăn thả, chăm sóc, đến nay, đàn bò của xã Pa Ủ phát triển lên 54 con. Theo kế hoạch, đến năm 2020, đàn bò sẽ nhân đôi, khi ấy Đồn sẽ bàn giao cho các hộ gia đình tự chăm sóc. Đây chính là mô hình giúp dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở xã nghèo vùng biên giới.
Đồn Biên phòng Pa Ủ cũng đã kết hợp với các hộ dân ở bản Hà Xi gieo cấy thử nghiệm giống lúa thơm với diện tích hơn 1ha, bước đầu cho thu hoạch hơn 2 tấn/ha. Những mảnh đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm nay biến thành màu xanh của sự no ấm. Những ruộng lúa nước xanh mướt giữa núi rừng đại ngàn đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển, chuẩn bị làm đòng.
Nói về sự giúp đỡ của BĐBP, chị Ly Mò Mư, ở bản Hà Xi, cho biết, trước đây người La Hủ chỉ biết trồng lúa nương thôi. Có BĐBP hướng dẫn trồng lúa nước được nhiều thóc hơn nên giờ bà con La Hủ sẽ làm theo BĐBP.
Thiếu tá Trần Hà Nam, chính trị viên, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là trong việc hướng dẫn phát triển sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới được nâng cao. Nhân dân tích cực lao động, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi.
Từ đó, người dân tích cực khôi phục, duy trì và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu; tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng; củng cố khối đại đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Những việc mà bộ đội giúp đỡ nhân dân trên các vùng miền của đất nước rất nhiều, không chỉ giúp bà con trong cơn hoạn nạn, phát triển sản xuất, làm giàu, từng bước xóa đói giảm nghèo, dạy bà con biết đọc, biết viết, khám - chữa bệnh cho nhân dân, các anh còn cùng với đồng bào giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Những việc làm của các anh để lại trong nhân dân nhiều tình cảm mến mộ bởi các anh là “Bộ đội cụ Hồ”.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng Toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.