Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 14:18

Sâu đầu đen phá hại dừa ở Bến Tre: Cần tìm biện pháp đặc trị hiệu quả

Tại Bến Tre, sâu đầu đen đang phá hại dừa ở nhiều huyện, thành phố. Đặc biệt, gió chướng làm cho sâu đầu đen lan nhanh vì chúng treo tơ theo gió đu sang các cây dừa lân cận. Hậu quả, nhiều cây dừa phải đốn hạ.

t21.jpg
Sâu đầu đen ăn trụi cả cây dừa con, (Ảnh T.Thảo).

 

Lây lan nhanh

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đối tượng sâu mới gây hại trên dừa có tên gọi là sâu đầu đen Opisina Arenosella Walker. Đây là loài sâu hại nghiêm trọng, có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka.

Theo ông Lê Văn Tùng, ở xã Đa Phước Hội (Mỏ Cày Nam),  gia đình ông đã phun thuốc 3 lần, lượng thuốc phun, xịt cũng cao hơn nhưng vẫn chưa diệt được sâu đầu đen. Nếu bỏ ra 100 ngàn đồng/cây để phun thuốc diệt hết sâu thì ông cũng sẵn sàng nhưng không ai dám nhận.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Đa Phước Hội, cho biết, ngay khi có sâu xuất hiện, xã đã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đến từng hộ khảo sát, tổ chức hướng dẫn nhà vườn cách phòng trị. Vận động người dân phun xịt thuốc trên diện rộng. Thế nhưng, sâu đầu đen vẫn tấn công và phá hại dừa, có người phải đốn bỏ hàng loạt cây dừa đang cho trái.

Còn theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam), sâu đầu đen ăn dài trong phím lá, lan rộng ra hết lá khiến lá dừa càng ngày càng khô. Vì là loại sâu lạ nên khi phát hiện, địa phương báo ngay với ngành Nông nghiệp tỉnh để hỗ trợ, hướng dẫn cách tiêu diệt.

Hiện, 6/9 huyện, thành phố của Bến Tre có sâu đầu đen gây hại với diện tích 146,78ha. Nông dân tự đốn tiêu huỷ  2,7ha dừa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới xuất hiện ở Việt Nam, chưa có quy trình được công nhận để quản lý sâu đầu đen hại dừa. Đồng thời, chưa có loại thuốc nào tại Việt Nam đăng ký phòng trị. Đặc điểm loại sâu này là có thể ăn toàn bộ cây dừa (từ thân, lá đến trái), mức độ lây lan, phát triển rất nhanh.

Sớm tìm ra biện pháp đặc trị hiệu quả

Bến Tre hiện có khoảng 73.000ha dừa,  sản lượng 600 triệu trái/năm. Dừa là một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của người dân nơi đây. Sâu đầu đen gây hại lan nhanh, nhiều hộ gia đình Bến Tre bị mất nguồn thu nhập.

Từ khi phát hiện sâu đầu đen, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã tiến hành phun xịt thuốc hóa học bằng thiết bị bay điều khiển từ xa, tuy nhiên, sau đó sâu vẫn tiếp tục xuất hiện.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm, Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, sâu gây hại chủ yếu từ các tàu lá già bên dưới dần đến các lá trưởng thành, các tàu lá non trên ngọn và cả vỏ trái, làm cho cây dừa suy kiệt hoàn toàn. Có cây dừa bị sâu tấn công chỉ còn một vài lá trên ngọn khiến cây rất khó phục hồi và có khả năng chết.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre, ngành Nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn người dân dùng thuốc sinh học để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Tuy nhiên, việc phun xịt thuốc cũng gặp khó khăn.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, thông tin, ngành Nông nghiệp rất quan ngại về mức độ nguy hiểm cao của sâu đầu đen đối với vườn dừa. Tuy nhiên, cần bình tĩnh trong việc lựa chọn giải pháp, cũng như việc sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, hiệu quả.

Phát biểu tại cuộc họp bàn biện pháp phòng trị sâu đầu đen trên cây dừa, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền về nhận diện, nâng cao nhận thức phòng chống  sâu đầu đen. Tiếp tục thực hiện giải pháp khoanh vùng, diệt sâu, phát huy sáng kiến trong quá trình thực hiện. Huy động cả cộng đồng cùng quan tâm trong việc chống dịch sâu đầu đen.

“Tìm ra loại thuốc sinh học thực sự có hiệu quả để diệt sâu. Công tác phối hợp với các ngành, viện, trường phải chặt chẽ. Từng huyện, thành phố lập tổ phòng chống tiêu diệt sâu đầu đen, các ấp thành lập tổ xung kích để tập trung phòng chống, ngăn chặn dịch hiệu quả”, ông Tam đề nghị.

 

Hiện, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen là 148 ha, trong đó Bến Tre bị nhiễm 146,8 ha và Sóc Trăng mới nhiễm 1,2 ha, như vậy tốc độ lây lan là khá chậm so với các sâu bệnh khác.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả thấp có khả năng do phun chưa theo kỹ thuật “4 đúng”. Cụ thể là phun khi sâu tuổi đã lớn, hiệu quả sẽ thấp. Bên cạnh đó, phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây dừa cao 15 - 20m rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của thuốc.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị, các địa phương cần khuyến cáo người dân tăng cường kiểm tra dừa, nếu phát hiện sâu đầu đen hay nhộng thì chặt cành đem ngâm nước hoặc đốt. Các địa phương cần điều tra, khoanh vùng diện tích nhiễm sâu để áp dụng các biện pháp phòng trừ sớm khi còn diện hẹp.

 

Hoàng Văn (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top