Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 12 năm 2020 | 21:43

Sở Nội vụ Hà Tĩnh nói gì về việc hàng trăm cán bộ phải thi tuyển lại công chức?

Sẽ có hàng trăm cán bộ, trong đó có nhiều lãnh đạo ở Hà Tĩnh, phải thi lại công chức vì có nhiều sai phạm trong tuyển dụng.

Bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, qua rà soát tại 20 sở ngành, 13 huyện thị, sở nào cũng có ít nhất 1 người sai phạm trong tuyển dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh này có 199/24.795 viên chức, 308/1968 công chức, tổng là 507 viên chức, công chức phải thi tuyển lại công chức vào đợt sắp tới. Số viên chức, công chức này được xác định có sai phạm trong tuyển dụng vào giai đoạn từ 1998 – 2017.
 
Ngày 15/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kế hoạch số 486/KH-UBND về việc tuyển dụng lại công chức do có sai phạm trong tuyển dụng. Theo kế hoạch này, việc tuyển dụng công chức thuộc diện phải thi tuyển nhưng chưa thi tuyển theo Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BVN ngày 15/6/2020 của Bộ Nội vụ.
nv.jpg

Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh đang rà soát lại số công chức, viên chức chưa qua thi tuyển

 

Đối tượng dự tuyển công chức đợt này hiện đang công tác tại khối cơ quan nhà nước thuộc diện phải thi tuyển nhưng chưa thi tuyển và được tuyển dụng từ ngày 2/12/1998 đến ngày 28/12/2017. Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian thi vòng 1 được tổ chức trước ngày 22/12/2020. Thời gian thi vòng 2 được tổ chức trước ngày 24/12/2020.
 
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, việc tổ chức tuyển dụng lại công chức phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế của các trường hợp thuộc diện được khắc phục trong tuyển dụng và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc tổ chức tuyển dụng lại công chức phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020. Sau khi có thông báo danh sách người dự kiến trúng tuyển, người dự kiến trúng tuyển phải đến sở Nội vụ để xuất trình bản chính, bản sao các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng lại để hoàn thiện hồ sơ đăng ký tuyển dụng lại.
 
Trường hợp người dự kiến trúng tuyển lại không hoàn thiện đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lại hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển lại hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lại phát hiện người dự kiến trúng tuyển sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định thì sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển lại.
 
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Tĩnh, hiện vẫn chưa có số liệu cụ thể công chức tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, theo ước tính sẽ có hơn 500 công chức sẽ phải thi lại đợt này, trong đó có nhiều người đã tuyển dụng lâu năm, hiện đang giữ vị trí lãnh đạo ở các sở, ngành và cấp huyện.

Bà Hoa cho biết, nội dung câu hỏi bài thi đều là lĩnh vực chuyên môn, ứng dụng trong công tác của các viên chức, công chức.

Hơn 500 viên chức và công chức phải thi 2 vòng với 30 câu trắc nghiệm ngoại ngữ và tin học; 60 câu kiến thức chung và 1 bài thi viết với thời gian 120 phút.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho hay, thực tế thời gian từ ngày 16/12 đến 22/12 là hơi gấp, Sở Nội vụ sẽ xin Bộ Nội vụ điều chỉnh, lùi thời gian thi nhưng vẫn phải xong trước ngày 31/12. Trường hợp Bộ Nội vụ không cho phép thì tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện vì đến nay mọi công tác cho kỳ thi này đã được chuẩn bị đầy đủ.

“Theo quy chế 03, thí sinh chỉ cần đạt điểm 15/30 câu hỏi (tức 50% tổng điểm) là sẽ đỗ. Ngày 15/12, UBND tỉnh mới có văn bản nhưng những trường hợp phải thi tuyển lại họ đã biết thông tin từ lâu rồi vì chúng tôi đã rà soát bắt đầu từ tháng 9/2020 đến nay”, bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, số lượng công chức phải thi lại đều thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh trước đó. Bản thân họ thời điểm đó không sai mà do chính sách của tỉnh.

Theo đó, từ giai đoạn 1998 – 2017, tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách đặc cách xét công chức không qua thi tuyển nhằm nâng cao, củng cố chất lượng nhân lực, thu hút nhân tài về quê hương. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tiêu chuẩn của tỉnh đưa ra thấp hơn theo tiêu chuẩn Chính phủ. Ngoài ra, 1 số quyết định, nghị quyết về tuyển dụng cán bộ của Hà Tĩnh mang tính đặc thù không phù hợp với quy định đặt ra tại thời điểm đó.

Cụ thể, những trường hợp được đặc cách lên công chức không qua thi tuyển theo tiêu chuẩn của Hà Tĩnh chỉ cần xếp loại giỏi, trong khi tiêu chuẩn của Chính phủ phải đạt loại xuất sắc. Riêng viên chức đặc cách lên công chức theo quy định phải qua 1 kỳ thi sát hạch nhưng tỉnh lại không tổ chức thi.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top