Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 11 năm 2018 | 10:0

“Sống mòn” nơi Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng

Cuộc sống thiếu thốn tứ bề đã tạo nên cảnh tượng hoang tàn nơi Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng, tọa lạc trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

1.jpg
Bảng hiệu "Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng"

Cuộc sống thiếu thốn tứ bề…

Hơn 10 năm trước, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng được phê duyệt (tháng 10/2007), do Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng là một cánh cửa mở ra bao kỳ vọng thoát nghèo cho nhiều thế hệ thanh niên xứ Thanh. Song, thực tại cuộc sống sau “cánh cửa” ấy lại của các hộ dân đã và đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
 
Cuộc sống thiếu thốn tứ bề bề đã và đang tạo nên cảnh tượng nhà cửa bỏ hoang, cỏ dại mọc bao phủ nơi Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng. Về với cuộc sống “lay lắt” của người dân nơi đây mới thấy được sự kỳ vọng thoát nghèo của bao thế hệ thanh niên xứ Thanh đến “định cư” ở Làng chỉ là cố bám trụ.
 
2.jpg
Cảnh tan hoang, cỏ dại mọc um tùm nơi Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng

Nhớ lại những ngày tháng đầu mới đến “định cư” nơi Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, anh L.K.H.(SN 1978), quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, kể lại: “Mang theo kỳ vọng thoát nghèo, thay đổi tương lai cho bản thân và cho những thế hệ con, cháu của mình, nên anh quyết định rơi quê hương Triệu Sơn để đến Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng. Thế nhưng, éo le thay, sau hơn 10 năm “lập nghiệp” ở nơi đây, thì cái ước mơ làm giàu của tôi, một chàng thanh niên lúc đó tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi cũng chỉ là “mơ ước”. Cuộc sống thiếu thốn tứ bề ở Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng dường như đã và đang dần dập tắt ngọn lửa hoài bão thoát nghèo, làm giàu của tôi”.

“Bản thân tôi đến đây để xây dựng cuộc sống mới bắt đầu từ tháng 3/2010. Lúc đó, tôi được cấp 400m2 đất ở và khoảng 3 ha đất canh tác, bao gồm cả cây ngắn ngày và dài ngày. Cuộc sống của gia đình hết sức vất vả, bởi không được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ đặc thù nào của vùng khó khăn, nhưng đã lỡ nên vẫn phải đu bám, để mong sự thay đổi của tương lai" – anh H. kỳ vọng.
 
 “Dậm chân tại chỗ” chờ… sổ đỏ
 
Hiện tượng nhiều hộ gia đình, vì cuộc sống thiếu thốn tứ bề, nên bỏ đi xa tìm kế mưu sinh nơi khác đã tạo nên viễn cảnh tan hoang ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng: Nhà cửa bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bao quanh lối đi….
 
Anh H. cho biết, đến nay đã hơn 10 năm, đất ở và đất canh tác của gia đình anh và các hộ gia đình khác sinh sống nơi đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Sau gần một thập kỷ trông chờ, đến năm 2017, thì gia đình anh H. mới nhận được các chính sách an sinh xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
 
Theo anh H., nhiều khi gia đình muốn vay vốn ngân hàng, để đầu tư kinh doanh nhưng không được, vì không có sổ đỏ để thế chấp. Hơn 10 năm qua, gia đình anh H. cùng các hộ đình khác cư ngày đâm trông chờ sổ đỏ, nhưng vẫn chưa được cấp. Và, các hộ dân ở làng này không biết đến bao giờ mới được cấp sổ đỏ để sớm an cư lạc nghiệp?!.
 
Trước việc người dân trông chờ sổ đỏ, ông Nguyễn Gia Cường, Bí thư kiêm Trưởng thôn Thanh Niên của làng, cho biết: “Toàn bộ 121 hộ dân nơi đây, dù nhiều lần đề đạt nguyện vọng được cấp sổ đỏ đến các cấp chính quyền địa phương và Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Thế nên, các hộ dân lập nghiệp ở làng này vẫn phải “dậm chân tại chỗ” để chờ đợi sổ đỏ về với mỗi gia đình”.
 
“Tuy khi mới thành lập thôn Thanh Niên thì có đến 121 hộ dân, nhưng trên thực tế các hiện đang sinh sống ở đây chỉ có 55 hộ. Số hộ còn lại, người ta xây nhà lên, rồi đành phải bỏ hoang, để đi làm ăn xa. Điển hình tại cụm dân cư số 2 của thôn Thanh Niên có 13 ngôi nhà, nhưng đến nay chỉ còn hai gia đình đang sinh sống ở dây thôi” – ông Cường cho biết thêm.
3.jpg
Người dân vẫn cố bám trụ với cuộc sống cuộc sống thiếu thốn tứ bề ở nơi đây
Xung quanh vấn đề nêu trên, ông Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, khẳng định: “Kể từ sau khi thành lập thôn Thanh Niên ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng, chúng tôi đã phối hợp với UBND huyện Như Xuân, để đề xuất với UBND tỉnh cho ý kiến về việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã báo cáo với Trung ương Đoàn để xin ý kiến giải quyết về việc này”.
 
“Điều chúng tôi đang băn khoăn là trước khi cấp sổ đỏ, thì phải có một số điều khoản nào đó ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm tránh tình trạng một số hộ dân lợi dụng vào dự án để đầu cơ, cho thuê, chuyển nhượng, dẫn đến việc làm mất đi mục tiêu đề ra ban đầu của dự án” – ông Thanh nói thêm.
 
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kịp thời xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sinh sống nơi đây, để họ sớm ổn định cuộc sống, tạo dựng tương lai tốt đẹp như mục tiêu ban đầu đã được đề ra khi thực hiện dự án.
 
 
 
 
Văn Cương - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top