Ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản.
Dự án làm sạch sông Tô Lịch bắt đầu khởi động
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, dự án “Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản” vừa bắt đầu được thí điểm, đưa vào sử dụng, tại đầu nguồn sông Tô Lịch. Đây là dự án được tin tưởng sẽ cải thiện đáng kể môi trường, khắc phục mùi hôi thối lâu nay, nhằm “tái sinh” dòng sông Tô Lịch.
Tại lễ khởi động dự án, tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia môi trường Liên Hiệp Quốc, chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản, khẳng định: "Công nghệ Nano -Bioreactor có thể xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch, không cần nạo vét cơ học nhưng chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể và sau khoảng thời gian 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy".
Sông Tô Lịch đang tồn tại 3 vấn đề chính đó là: mùi hôi thối; lớp bùn dưới đáy sông và chất lượng nước trong lòng sông. Các chuyên gia Nhật Bản khẳng định với hệ thống bio - nano được lắp đặt dưới lòng sông sẽ giải quyết triệt để được các vấn đề trên.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản có 4 ưu điểm vượt trội so với các công nghệ hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, công nghệ này tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên bio… giúp kích hoạt các vi sinh vật, cuối cùng là các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy vô tận trong nước.
Thứ hai, công nghệ nano phun trực tiếp bọt khi nano vào trong không khí và điều này giúp nồng độ oxy hòa tan cao, cá sẽ không bị chết hàng loạt.
Thứ ba, công nghệ này không bị tái ô nhiễm bởi hai yếu tố: vật liệu thiên nhiên được làm từ đá núi lửa, không tan trong nước và tồn tại mãi ở khu vực xử lý.
Thứ tư, công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với các công nghệ xử lý nước thải khác.
Hệ thống bio - nano khi được đặt xuống lòng sông sẽ trở thành "nhà máy" xử lý nước thải đặt trong lòng sông Tô Lịch với công xuất xử lý lên tới 1.350.000m3/ ngày đêm mà không cần phải xây dựng nhà máy.
Trong khi đó, ước tính mỗi ngày sông Tô Lịch chịu 150.000 m3/ngày đêm xả thải. Như vậy, các nhà máy xử lý đặt trong lòng sông Tô Lịch hoàn toàn có thể xử lý được lượng xả thải trong ngày và không còn ô nhiễm.
Dự án khởi động được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhiều năm nay của sông Tô Lịch.
Công nghệ Nano Bioreactor hoạt động như thế nào
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ Nano Bioreactor gồm hai thiết bị là máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor.
Các tấm Nano Bioreactor được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản với bí quyết công nghệ đặc biệt là bột đá và không tan trong nước, tồn tại gần như vĩnh viễn. Máy sục khí công nghệ nano với thời gian sử dụng trên 25 năm, không phải mất thêm chi phí định kỳ để xử lý như 1 năm, 2 năm lại phải nạo vét bùn đáy hay hàng tháng phải bổ sung định kỳ chế phẩm sinh học như công nghệ khác.
Công nghệ này sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.
Các máy sục khí công nghệ nano cũng sẽ làm giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 0,05µm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết thêm, hiện dọc sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt qua các cống này đổ trực tiếp xuống dòng sông. Thế nhưng, công nghệ Nano Bioreactor có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp khoảng 9 lần lượng nước chảy vào, thế nên lượng nước chảy vào sẽ được xử lý ngay trong ngày và sẽ không còn ô nhiễm.
“Dù vẫn có nước thải chảy vào sông hồ hàng ngày, nhưng do lượng bùn tích tụ ở tầng đáy gây ra mùi hôi thối đã bị phân hủy nên dưới tác động của các bọt khí kích thước nano và chất xúc tác Nano Bioreactor sẽ kích hoạt các vi sinh vật có lợi, phân giải tức thì các chất bẩn, bùn, vi khuẩn có hại thành khí CO2 và nước H2O. Do vậy không còn khí độc H2S hay NH3 gây ra mùi hôi thối độc hại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh”, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế nông thôn tại thời điểm 20h ngày 18/5 hàng trăm chiếc xe của công ty thoát nước Hà Nội vẫn đang hoạt động hết công suất.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.