Sự cố cá chết đồng loạt diễn ra từ ngày 5/4 tại khu vực biển Vũng Áng (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) rồi lan theo chiều gió, theo thủy triều vào biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đến nay, đã gần tháng trời, người dân vùng biển điêu đứng, lãnh đạo các cấp, ngành từ địa phương đến Trung ương thì vẫn lúng túng tìm nguyên nhân cá chết.
>> Thảm họa cá chết hàng loạt tại khu vực Vũng Áng Hà Tĩnh: Cần phải khởi tố vụ án
>> Formosa họp báo giải thích về phát ngôn của Giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm
>> Vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung: "Phải chọn hoặc nhà máy, hoặc cá tôm"
>> Sớm đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngư dân vùng có cá chết
>> Chỉ đạo của Thủ tướng về hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung
>> Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực địa tình trạng cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh
Cá chết tại các bè nuôi của người dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh). Ảnh: Văn Huân
Ưu ái và những hệ lụy
Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh từ tháng 7/2008 với dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương. Dự án này có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn các tỉnh lân cận. Tổng diện tích thực hiện dự án Formosa hơn 3.300ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất 70 năm, tiền thuê đất chỉ hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê, mức giá quá thấp, gần như bằng không.
Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín công suất 22 triệu tấn thép/năm, 1.500 MW nhiệt điện. Theo cam kết của Tập đoàn Formosa, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đầu tư 7,9 tỷ USD, với công suất hơn 7,5 triệu tấn gang thép/năm và năng lực bốc dỡ hàng hóa qua cảng Sơn Dương 30 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 công suất sẽ tăng đến 22 triệu tấn thép/năm.
Sau sự cố cá chết đồng loạt ở các tỉnh miền Trung, nhiều câu hỏi từ các nhà khoa học trong và ngoài nước về vấn đề thực thi môi trường của Formosa, vốn đã có nhiều “tiền án” gây ô nhiễm nặng nề trên thế giới được đặt ra. Formosa từng “vinh dự” đón nhận giải “Hành tinh đen” năm 2009. Đây là giải do Ethecon - tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng góp” vào việc phá hủy môi trường.
Ngay tại quê hương của Formosa, các nhà khoa học Đại học Quốc gia Đài Loan Trung Hoa đã phát hiện và công bố về ô nhiễm các chất gây ung thư và phá hủy mô gan người, do công nghệ cracking dầu mỏ của Formosa tại Yulin gây ra.
Tại Campuchia năm 1998, Formosa dính líu đến cả một vụ chết người. Năm đó, Formosa “xuất khẩu” sang Campuchia 3.000 tấn rác nhiễm thủy ngân, do tàu Chang-Shun vận chuyển vào cảng Sihanoukville. Rác gồm những khối nén, bọc trong bao nhựa khá dày. Người dân quanh vùng đổ xô đến bãi rác, thấy những tấm nhựa này có thể dùng làm tấm lợp nhà. Họ dùng dao, dùng tay, thậm chí dùng răng cắn bóc các bao nhựa nhiễm độc. Chỉ vài ngày sau, nhiều người bị sốt, tiêu chảy. Một công nhân bến cảng làm việc dọn dẹp hầm tàu Chang-Shun phải nhập viện và chết ngay trong ngày. Khi lộ ra việc rác này chứa chất độc thủy ngân, người dân trong vùng tức giận đập phá các công sở. Hàng chục ngàn người hoảng sợ rời bỏ thành phố, làm chết thêm 5 người nữa. Trong vụ này, Việt Nam đã cấp tốc viện trợ cho Campuchia 500 bộ quần áo và mặt nạ phòng độc để giúp tẩy độc. Formosa sau đó bị buộc phải nhận lại toàn bộ số rác nhiễm độc thủy ngân này về nước.
Tại Hoa Kỳ, ở các bang Texas và Louisiana, các nhà máy của Formosa bị phát hiện xả các chất độc như 1,2-dichloroethane (EDC), dioxin và chroroform… ngấm vào đất và nước ngầm, kể cả xuống sông Mississippi. Năm 2009, Formosa bị EPA (Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) “phạt dân sự” số tiền là 2,8 triệu USD, đồng thời bị buộc phải bỏ ra 10 triệu USD để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các bang Texas và Louisiana…
Tại Việt Nam, trong tổng thể quy hoạch mà các bộ phê duyệt, phía Formosa có đề xuất vấn đề đường ống dẫn xả thải ra biển. Theo giấy phép cấp ngày 11/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có thời hạn 10 năm ghi, cho phép Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được xả thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải vào nguồn nước biển ven bờ vịnh Sơn Dương. Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không gỉ qua đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy với lưu lượng 45.000m3/ngày đêm. Với giấy phép cho phép như vậy thì phía Formosa có thể xả nước thải ra bất kỳ nơi nào kể cả bên bờ biển. Thế nhưng khi người dân phát hiện ra đường ống dẫn thải dài gần 2km chôn sâu dưới đáy biển, với hệ thống ống xả thải này phía Formosa đã có báo cáo với Bộ TNMT để xin phép và đã được Bộ đồng ý. Thử hỏi, khi đã được cấp phép cho xả trực tiếp ra bờ Vịnh Sơn Dương thì phía Foromosa lại còn làm ống dẫn đến mức như thế nhằm mục đích gì? Ai là người giám sát thi công đường ống này?
Nói về quan trắc, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh cho rằng, mặc dù Sở đã cử cán bộ vào kiểm tra định kỳ nhưng do thiết bị thiếu nên ống xả ra đáy biển không thể kiểm soát nổi.
Formosa được cấp phép xả nước thải sau khi xử lý; thời hạn giấy phép 10 năm với 12 thông số và giới hạn nồng độ gây ô nhiễm. Ảnh: Duy Tuấn
Độc tố và thủy triều đỏ gây chết cá?
Tại buổi Họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt diễn ra lúc 20 giờ tối 27/4 tại trụ sở Bộ TNMT (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết, để truy tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở dải ven biển miền Trung, lần đầu tiên liên bộ TNMT, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương..., 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và nhiều nhà khoa học từ các viện nghiên cứu hàng đầu đã phối hợp điều tra.
“Vấn đề rất phức tạp, xảy ra nhiều nơi trên thế giới, người dân cần biết nguyên nhân là yêu cầu chính đáng, song cần có thời gian kiểm tra, kiểm nghiệm để đưa ra kết quả chính xác. Có trường hợp phải mất nhiều năm để tìm nguyên nhân”, ông Nhân nói và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mỗi công dân có trách nhiệm đồng hành cùng cơ quan nhà nước.
Theo Thứ trưởng, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận, phân tích kết quả nghiên cứu những ngày qua, đưa ra nhiều ý kiến xác đáng. Sau khi loại trừ nhiều yếu tố, tất cả đi đến thống nhất nhận định sơ bộ có hai nhóm nguyên nhân:
Một là, do tác động của độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.
Hai là, do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ.
“Chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định”, ông Nhân nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lại có cách lý giải riêng. “Không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại”, một chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu thủy sản nói.
Theo ông, nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết, nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng sẽ chết. “Tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được”, ông nói và khẳng định hiện tượng này đúng ra gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy.
Vẫn theo chuyên gia này, nếu tảo nở hoa nước sẽ có màu đỏ rực hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển. Khi dạt vào bờ nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.
Đồng tình quan điểm trên, TS.Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng, tảo nở hoa, không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. “Làm gì có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt”, ông Dũng nói.
Về lý do độc tố từ nước thải do con người tạo ra, ông Dũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì, “chứ không thể công bố chung chung như thế”. Phát hiện thủy triều đỏ không khó, mọi người đều có thể nhìn bằng mắt thường. Các tỉnh có nhiều cá chết chưa tỉnh nào báo cáo có thủy triều đỏ, đó cũng là băn khoăn của Viện trưởng Y học biển Việt Nam Nguyễn Trường Sơn. Ông cho rằng, nguyên nhân nước biển bị ô nhiễm do hoạt động của nhà máy, khu công nghiệp... cần được chú ý nghiên cứu càng sớm càng tốt.
Để xác định cụ thể nguồn cơn hiện tượng cá chết hàng loạt và có giải pháp ứng phó lâu dài, ông Nhân cho rằng, cần tổ chức nghiên cứu làm rõ hai nhóm nguyên nhân trên. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế để kiểm chứng nếu cần.
Trong thời gian sớm nhất, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ cung cấp kết quả phân tích độc tố, đưa ra khuyến cáo về hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản. Các địa phương tổ chức quan trắc chất lượng nước ven bờ có khuyến cáo về các hoạt động du lịch, tắm biển.
Qua sự cố trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không thực hiện đầy đủ cam kết, không bảo đảm môi trường, gây ô nhiễm nặng nề cần phải gấp rút tạm dừng việc đầu tư tiếp.
Đây là quyết định nghiêm khắc vì sự sống còn của cả dân tộc. Nếu sau một thời gian phía chủ đầu tư khắc phục nghiêm chỉnh, cam kết không để xảy ra nạn ô nhiễm môi trường lúc đó tiếp tục đầu tư tiếp cũng chưa muộn.
Sáng 28/4, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã vào Formosa Hà Tĩnh trực tiếp kiểm tra hệ thống ống xả thải của Nhà máy luyện thép và nhiệt điện Vũng Áng 1. Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã đi thuyền ra biển nơi cuối ống xả của Formosa, huy động thợ lặn trực tiếp lấy mẫu nước,mẫu trầm tích ngay cửa ống xả. Làm việc với Formosa, Bộ trưởng khẳng định, luật pháp Việt Nam không cho phép làm ống thải ngầm. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Formosa phải nâng đường ống thải lên mặt đất để có tính minh bạch. Dự luận rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo đầy trách nhiệm, mang tính minh bạch đảm bảo môi trường trong khu vực của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà. |
Hoài Nam
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.