Trong tuần, sự kiện được bạn đọc quan tâm nhiều nhất chính là việc xét xử vụ Công ty Dược VN Pharma cung cấp thuốc ung thư giả, bên cạnh đó là những tin nổi bật khác trong lĩnh vực xã hội như: triển khai tuyến buýt đầu tiên trên sông Sài Gòn, thông xe hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam hay tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp sau hoàn lưu bão số 6…
Cựu Chủ tịch VN Pharma lĩnh 12 năm tù
Sáng 25/8, sau năm ngày xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharma); Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu.
7 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo VN Pharma và các công ty dược bị phạt từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm tù về các tội Buôn lậu hoặc Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
Theo HĐXX, Hùng và các luật sư cho rằng "chỉ sai sót trong thủ tục hành chính, không biết thuốc nhập khẩu là giả" nhưng việc xem xét hành vi phạm tội của các bị cáo là xem xét một chuỗi gồm nhiều hành vi.
Bị cáo Hùng phải chịu mức án 12 năm tù về những hành vi trái quy định pháp luật.
Bị cáo Hùng đã thực hiện một loạt hành vi sai phạm, chỉ đạo nhân viên thuê người viết hồ sơ thuốc, sử dụng con dấu, chữ ký của hai công ty nước ngoài không còn phép hoạt động tại Việt Nam, nâng khống giá thuốc, sử dụng các giấy tờ giả của công ty ở Canada do Cường cung cấp… để làm hồ sơ nhập khẩu 9.300 hộp thuốc không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn.
Ông Cường bị xác định đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp hai giấy tờ giả quan trọng, để Hùng làm hồ sơ xin phép nhập khẩu thuốc. Tòa bác đề nghị của luật sư, cho rằng không cần thiết phải thành lập hội đồng giám định lại lô thuốc, vì đây là vụ án về buôn lậu.
Tòa cũng kiến nghị làm rõ việc VN Pharma chi hoa hồng cho các bác sĩ (khoảng 7,5 tỷ đồng) để họ kê đơn thuốc cho bệnh nhân dùng sản phẩm công ty này cung cấp. "Nếu xét thấy có dấu hiệu sai phạm thì xử lý thành vụ án khác", bản án nêu.
Đối với những cán bộ Cục quản lý dược Bộ Y tế, HĐXX cho rằng họ "chưa làm hết trách nhiệm" khi không phát hiện sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép nhập khẩu cho VN Pharma. Sau khi cấp phép Cục quản lý dược nghi ngờ và kịp thời niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường, nên cơ quan điều tra không xử lý hình sự. Tuy nhiên, HĐXX đề nghị cơ quan an ninh điều tra tiếp tục xem xét, làm rõ trách nhiệm những người liên quan, "nếu có dấu hiệu thì xử lý sau".
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng trước ngày 31/8/2017.
Trải nghiệm buýt sông Sài Gòn
Tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy đầu tiên được hạ thủy vận hành kỹ thuật vào sáng 21/8, mở ra nhiều hy vọng về việc giải quyết vấn nạn kẹt xe, tai nạn giao thông đang nhức nhối của người dân TP.Hồ Chí Minh suốt thời gian qua. Tuyến buýt sông này cũng hy vọng sẽ giúp TPHCM quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường.
Tuyến buýt trên sông Sài Gòn sẽ góp phần giảm áp lực giao thông của thành phố Hồ Chí Minh.
Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh vừa phối hợp cùng Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) tổ chức lễ hạ thủy, vận hành kỹ thuật thử nghiệm tàu buýt sông số 1, tuyến Bạch Đằng quận 1 – Linh Đông, quận Thủ Đức. Tuyến buýt sông đầu tiên có sức chứa 80 hành khách được hạ thủy sau thời gian dài chuẩn bị và nhiều lần trễ hẹn. Đứng từ xa trên công viên Bạch Đằng, quận 1, người ta dễ dàng nhìn thấy chiếc tàu buýt nổi trội với màu vàng bắt mắt đậu dưới sông Sài Gòn. Phía trên là khu vực nhà chờ được thiết kế thân thiện với màu trắng chủ đạo. Cầu dẫn từ nhà chờ xuống tàu cũng được trang trí tinh tế tạo cảm giác nhẹ nhàng mà an toàn cho người dân khi đặt chân lên tàu. Bên trong con tàu cũng được lắp đặt hệ thống trang thiết bị hiện đại, chắc chắn với hai hàng ghế tựa hai bên, chừa lại lối đi thoáng đãng. Những ô cửa sổ bằng kính trong suốt giúp người ngồi trên tàu dễ dàng ngắm khung cảnh Sài Gòn hai bên bờ sông.
Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết, Công ty cam kết tuyến buýt đường sông đầu tiên đảm bảo an toàn về kỹ thuật, có sự tính toán phù hợp điều kiện sông nước, nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết sáng nắng chiều mưa của TPHCM. “Tuyến tàu buýt đường sông này cũng hướng đến giá trị văn hóa 300 năm của TPHCM - trên bến dưới thuyền. Tuyến này tuyệt đối đảm bảo phù hợp với cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường”, ông Toản nói.
Tuyến buýt đường sông đầu tiên chuẩn bị đưa vào hoạt động cũng giúp ngành du lịch TPHCM có nhiều cơ hội mới để phát triển. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, với những trang thiết bị cao cấp, thân thiện được trang bị trên tàu buýt, du khách có thêm một lựa chọn nữa cho chuyến tham quan của mình khi đến TPHCM. “Du khách có thể sử dụng lợi thế sông nước để đi đến những điểm mình mong muốn trên lộ trình rất thuận lợi và cảnh quan rất đẹp. TPHCM có lợi thế về đường sông, đường thủy. Tuy nhiên, du lịch đường thủy chưa thực sự phát triển và nó chỉ mang tính tiềm năng. Việc đưa vào khai thác các phương tiện đường thủy là cơ hội để chúng tôi tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đường thủy của mình. Khi mà đường bộ thường xuyên tắc đường vào giờ cao điểm, ô nhiễm thì du lịch đường thủy là lựa chọn và có cơ hội để phát triển”, ông Vũ cho biết.
Tuyến buýt sông số 1 được đưa vào vận hành kỹ thuật thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đón khách từ tháng 10/2017 mở ra giải pháp mới cho TPHCM về việc giải quyết vấn nạn kẹt xe. Bên cạnh đó, thu hút người dân tiếp cận nhiều hơn với hệ thống vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân trong tương lai. Để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy, lực lượng chức năng TPHCM đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ các trạm buýt sông ra đường lớn để phục vụ hành khách.
Chính thức thông xe hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam
Sau một thời gian dài thi công, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức thông xe toàn tuyến hầm đường bộ Đèo Cả. Đây là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu dự án tại Km1353+150 QL1A trên địa bàn tỉnh Phú Yên, điểm cuối dự án tại Km1374+525 QL1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Dự án do Công ty Cổ phần Đèo Cả làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài dự án 13,19km, trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m.
Có hầm, thời gian qua Đèo Cả sẽ rút ngắn từ 60 phút xuống còn 10 phút.
Hai hạng mục chính của dự án là hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã có quy mô và trang thiết bị vận hành hiện đại nhất trong các hầm đường bộ trên Quốc lộ 1 hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe khai thác cùng chiều đảm bảo vận tốc khai thác 80 km/h.
Đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
Việc đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác sử dụng giúp rút ngắn thời gian qua Đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút.
Hầm đường bộ Đèo Cả sẽ trực tiếp tạo điều kiện để kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và cả nước.
Khi lưu thông qua khu vực Đèo Cả, người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm (mất phí) hoặc đi qua đường đèo không mất phí.
Mưa lớn gây thiệt hại về người và tài sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, đêm 24, sáng 25/8, tại các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Hà Giang có mưa to, đến rất to. Mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ, thiệt hại về người và tài sản, hoa màu của nhân dân.
Ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa lớn, gió gật mạnh, gây thiệt hại về nhà ở, lúa, hoa màu và đi lại của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung cho biết, mưa lớn nhất từ năm 1990 trở lại đây tại trung tâm huyện và các xã phía nam làm thị trấn huyện lỵ Bằng Lũng lần đầu tiên bị ngập nặng, nước tràn vào nhà nhiều hộ dân, chợ huyện ngập sâu. Huyện phải di dời khẩn cấp 19 gia đình bị sạt lở. Thống kê ban đầu, có khoảng 500 ha lúa bị ngập, lũ tràn qua, diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại rất lớn.
Hầu hết các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Chợ Đồn, như quốc lộ 3B từ trung tâm huyện đến các xã phía nam, tuyến 254 xuyên qua huyện...bị sạt lở rất lớn tại hàng chục điểm, giao thông ách tắc hoàn toàn; các đập tràn nước dang cao. Lãnh đạo huyện Chợ Đồn chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các xã nắm chắc tình hình, chủ động di chuyển các hộ có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở trên các tuyến đường, đập tràn; đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương san gạt để sớm lưu thông trở lại trên các tuyến đường.
Sau khi thiệt hại xảy ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã đi thăm hỏi, chỉ đạo các lực lượng, địa phương khẩn trương khắc phục, không để các hộ có nhà bị tốc mái phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”; đối với trường học bị tốc mái, khẩn trương chỉ đạo dọn dẹp, khắc phục, bố trí các em học sinh ở ghép với các nhà bán trú khác và sửa chữa ngay trạm Y tế xã Tú Trĩ để hoạt động trở lại khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), mưa lớn liên tục trong đêm 24 rạng sáng 25-8, lượng mưa đo được 229mm khiến nhiều xã như Minh Thanh, Kháng Nhật, Tú Thịnh, thị trấn Sơn Dương thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị ngập lụt cục bộ.
Tuyến Quốc lộ 37 và 2C qua thị trấn Sơn Dương (Tuyên Quang) bị ngập nặng.
Hiện, nước trên sông Phó Đáy tiếp tục lên nhanh, một số thôn bị cô lập hoàn toàn. Chưa có thiệt hại về người nhưng nhiều diện tích lúa, hoa màu của bà con đã chìm trong nước, công tác bảo đảm an toàn cho người dân và thống kê thiệt hại vẫn đang được thực hiện.
Những ngày qua, trên lưu vực hồ thủy điện Tuyên Quang xuất hiện mưa lớn. Lúc 7 giờ ngày 25-8, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Tuyên Quang là 118,17m, mực nước hạ lưu là 50,02m, lưu lượng nước vào hồ là 3.338m3/s, lưu lượng nước ra khỏi hồ là 344m3/s.
Để bảo đảm an toàn cho hồ chứa, Công ty Thủy điện Tuyên Quang đã mở một cửa xả đáy vào 9 giờ. Chiều 25-8, Công ty tiếp tục mở cửa xả đáy thứ hai. Sau khi mở hai cửa xả, dự kiến tổng lượng nước xả qua máy và cửa xả khoảng 1.845m3/s.
Để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tuyên Quang yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân đang kinh doanh nuôi cá lồng, làm nghề khai thác thủy sản phía thượng và hạ lưu hồ thủy điện Tuyên Quang biết và có biện pháp phòng ngừa.
Tỉnh Hà Giang cũng có mưa to, đến rất to. Mưa lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Mưa lớn, nước suối dâng cao đã cuốn trôi chị Giàng Thị Ná, SN 1977, trú tại thôn Nà Khà, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên.
Về tài sản, hơn 200ha lúa, ngô tại các xã Yên Định, Minh Ngọc, huyện Bắc Mê bị ngập úng; 11 nhà dân tại huyện Bắc Mê, TP Hà Giang phải di dời khẩn cấp do ngập nước, sạt lở đất; nhiều điểm trường tại huyện Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn bị hư hỏng; hàng chục điểm sạt lở tại các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện ở Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì, khối lượng đất đá sạt lở hàng nghìn mét khối, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Theo thống kê của tỉnh Hà Giang, thiệt hại do hoàn lưu bão số 6 tính đến ngày 25/8, ước khoảng sáu tỷ đồng.
Danh Hùng (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.