Tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với vùng Dự án di dân, tái định cư về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.
Thông báo kết luận nêu rõ, thủy điện Sơn La là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp điện lâu dài và ổn định, giữ vững an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án di dân, tái định cư là hợp phần quan trọng trong Dự án thủy điện Sơn La thực hiện di dân khỏi vùng ngập lòng hồ đến nơi ở mới, đã hoàn thành trước thời hạn 3 năm.
Sau 15 năm thực hiện, Dự án di dân, tái định cư cho trên 20 nghìn hộ đồng bào các dân tộc vùng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi ở mới đã tốt hơn, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết được củng cố...
Bên cạnh những thành tích chủ yếu trên, quá trình thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La còn một số tồn tại, hạn chế, đời sống vật chất của người dân tái định cư tại một số điểm vẫn chưa ổn định, khó phát triển bền vững, dễ xảy ra tái nghèo; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng di dân, tái định cư còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đạt thấp; đầu tư lớn nhưng số xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới còn rất ít; công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân tái định cư sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai sâu rộng; công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp còn chậm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương và Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với vùng Dự án di dân, tái định cư về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh; giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Điều tra, tổng hợp các số liệu về đời sống của người dân tái định cư, như việc làm, thu nhập, nhu cầu về giáo dục, y tế; cần tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những phản ánh, kiến nghị của đồng bào để tổng hợp gửi cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng các thôn, bản, xã nông thôn mới; chú ý xây dựng và phát triển hợp tác xã kiểu mới để thực hiện công tác khuyến nông, khuyến công và du lịch cộng đồng, liên kết các ngành nghề, giúp đỡ nhân dân tổ chức lại sản xuất để xây dựng nông thôn mới.
Cần đổi mới phương thức hỗ trợ nhằm huy động các nguồn lực ổn định đời sống của nhân dân một cách bền vững. Khuyến khích sự tham gia rộng rãi của cộng đồng ngay từ chủ trương đầu tư, giám sát, thực hiện, đánh giá hiệu quả đối với các công trình, phục vụ cộng đồng, với truyền thống và phong tục, tập quán của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tái định cư đã ban hành, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới cho phù hợp với thực tế tại các vùng tái định cư thủy điện Sơn La.
Đối với UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nghiên cứu các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất theo hướng tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp điều kiện thực tế từng điểm tái định cư. Hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho số hộ chưa được cấp.
Hoàn thành 6 công trình đang thi công (tỉnh Điện Biên 4 công trình, tỉnh Lai Châu 2 công trình); thực hiện 35 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp và Dự án kè suối Nậm La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La từ số vốn tiết kiệm còn dư sau quyết toán hoàn thành dự án.
P.V
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.