Theo Lịch sử khoa bảng bằng chữ Hán, thời phong kiến Việt Nam kéo dài 845 năm, từ Khoa minh Kinh Bắc học tới Vương triều Nguyễn có trên 600 nhà khoa bảng là người Kinh Bắc, chiếm gần 1/3 số tiến sỹ trong cả nước.
Ngày nay, làng tiến sỹ Tam Sơn (Từ Sơn - Bắc Ninh) được biết đến là nơi khoa bảng bậc nhất cả nước.
Những danh nhân khoa bảng
Từ thời lập quốc xích quỷ, Văn Lang Tam Sơn là vùng địa linh nhân kiệt, có nhiều nhân tài và có truyền thống khoa bảng nổi tiếng khắp trong nước đúng như dân gian ca ngợi:
Chỉ tính riêng hàng ngũ đại khoa thời phong kiến, Tam Sơn đã có 22 vị tiến sỹ, trong đó có 2 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 1 nhất giáp tiến sỹ, 5 nhị giáp tiến sỹ, 11 tam giáp tiến sỹ và 1 phó bảng. Xin giới thiệu một vài gương mặt tiêu biểu.
Người tiêu biểu nhất cho hàng ngũ khoa bảng Tam Sơn là trạng nguyên Nguyễn Quán Quang.
Nguyễn Quán Quang dự thi hương đậu giải nguyên, thi hội đậu hội nguyên, khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi đại tỷ thủ sỹ năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu ứng chính bình năm thứ 15 (năm 1246), ông đỗ tiến sỹ đệ nhất giáp, trở thành trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt. Ông có nhiều công lao với triều đình trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Lần ông được cử làm sứ thần lên biên giới điều đình với giặc khi quân Nguyên chuẩn bị xua quân “làm cỏ” nước Nam. Tướng giặc kiêu ngạo, hung hăng tự bóp nát cây bèo tỏ ý đe dọa. Với sự tài trí khôn khéo và kiên quyết, trạng nguyên Đại Việt dùng hòn đá ném xuống ao bèo, bèo dạt ra một khoảng trống lớn, nhưng một lúc sau lại kéo về dày đặc. Tướng Nguyên tái mặt, sợ sự đoàn kết của quân dân Đại Việt không dám xuất quân. Do có nhiều chiến công, ông được vua Trần Thái Tông phong làm tướng Quốc công và ban quốc tính là Trần Quán Quang. Sau khi ông qua đời, người dân lập đền thờ ông trên núi Vường, tôn thờ làm Thần Thành hoàng làng.
Tiến sỹ Ngô Luân là anh ruột bảng nhãn Ngô Thầm, bác ruột trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu. Ông đỗ Tam giác đồng tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời vua Lê Thánh Tông. Sau khi ông thi đỗ khoa Đông các, là thành viên Hội Cao đàn nhị thập bát tú. Làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ. Ông cùng với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được giao nhiệm vụ phê bình tập Quỳnh uyển cửu ca và tham gia soạn Văn bia tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đức vua Lê Thánh Tông giao trọng trách phê bình tập Cổ kim cung từ thi (1496) cho ông. Ông để lại nhiều bài ký, bài biểu được chép trong Hoàng Việt văn tuyển.
Tiến sỹ Nguyễn Úc là anh ruột tiến sỹ Nguyễn Khiết Tú, là bác ruột tiến sỹ Nguyễn Tảo, Nguyễn Hòa Trung. Ông đỗ Đệ tam giác đồng tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Lê Thánh Tông, từng được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông làm quan đến chức Lại bộ tả thị lang.
Bảng nhãn Ngô Thầm Hiệu là Hòe Hiên, sinh năm Nhâm Ngọ (1462), ông là cha đẻ trạng nguyên Ngô Nguyễn Thiệu, ông nội tiến sỹ Ngô Diễn, Ngô Dịch. Năm 31 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ nhị danh khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện hiệu thư, là thành viên Hội Tao đàn. Ông mất năm Canh Dần (1530), thọ 68 tuổi.
Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu hiệu là Thuận Nhã Tự Trúc Khê, ông sinh năm Kỷ Mùi (1499), là con trưởng của bảng nhãn Ngô Thầm. Năm 20 tuổi, đỗ Nhất giáp tiến sỹ cập đệ nhất danh niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518), thời Lê Chiêu Tông. Khi nhà Mạc lật đổ nhà Lê, ông bỏ quan về quê dạy học. Sau Mạc Đăng Dung mời về triều, làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư kiêm đông các đại học sỹ đô ngự sử Hàn lâm viện thị thư. Ông là người tài cao, học rộng, được vua Mạc Đăng Dung rất yêu quý, thường được cử đi sứ và tiếp sứ Tàu….
Phát huy truyền thống khoa bảng của làng tiến sỹ Tam Sơn, ngày nay, Tam Sơn có 31 giáo sư, tiến sỹ mà người tiêu biểu là giáo sư Ngô Gia Huy, sinh năm 1917, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hùng Vương, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa IV. Người trẻ nhất là tiến sỹ Ngô Minh Trung, sinh năm 1976 và tiến sỹ Bùi Thị Minh Nguyệt, sinh năm 1975. Người có quân hàm cao nhất là thiếu tướng, PGS. TS. Trần Viết Tiến, sinh năm 1968, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103.
Điểm du lịch về cội
Tam Sơn là vùng quê cổ kính và tươi đẹp, có sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Tương, núi đồi bao bọc quanh làng quan họ gốc. Từ ngàn xưa, người Tam Sơn vừa làm ruộng, vừa chăn tằm dệt vải với sản phẩm tơ lụa nổi tiếng. Chợ họp ngay dưới chân núi, trước cửa chùa Tam Sơn, là trung tâm buôn bán thóc, gạo, tơ lụa. Ngoài ra, Tam Sơn còn có rượu Hoàng cửu không chỉ là đặc sản của Tam Sơn mà còn được khắp vùng ưa chuộng.
Những năm gần đây, kinh tế phát triển, Tam Sơn đã xây dựng được nhiều công trình chùa tháp, đình đền nguy nga lộng lẫy trong đó, 3 di tích được xếp hạng Quốc gia và 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh mà di tích tiêu biểu nhất là chùa Tam Sơn.
Chùa Tam Sơn tên chữ là Cảm Ứng, tọa lạc trên đỉnh núi Tam Sơn. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, quy mô 100 gian. Là danh lam cổ tự, trung tâm Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì hành đạo của các vị quốc sư, thiền sư danh tiếng. Chùa là nơi vua quan, hoàng phi, công chúa thường xuyên lui tới vãn cảnh, ngâm vịnh đề thơ. Đặc biệt, chùa là nơi quốc sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn về lánh nạn và học tập để rồi trở thành Hoàng đế sáng lập ra vương triều nhà Lý và khai sáng kinh thành Thăng Long, mở ra thời kỳ văn minh của nước Đại Việt.
Chùa có kiến trúc nội công, ngoại quốc, gồm 12 hạng mục công trình: Tam quan, tiền đường, vườn tháp, đền đông, đền tây… Gác chuông là một kiệt tác đặc sắc gồm 2 tầng 8 mái, trong chùa có nhiều di vật quý như tượng phật bà ngàn mắt ngàn tay, tượng thiền sư Định Hương, Bảo Tính, Minh Tâm được thao tác công phu. Nhiều di vật quý như khánh đá tạc năm 1672, cây hương đá tạc năm 1697, chuông đồng đúc năm 1862…
Điểm đặc biệt khác hẳn các ngôi chùa khác là chùa Tam Sơn không chỉ thờ Phật mà còn thay đình thờ các vị thành hoàng làng như Sơn Thần, trạng nguyên Nguyễn Quán Quang, tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường và các vị tiến sỹ, 1 công chúa, 2 nguyên phi nhà Lý. Đó là sự kết hợp tín ngưỡng dân gian giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo.
Lễ hội chùa Tam Sơn được tổ chức từ ngày mùng 8-10 tháng Giêng, cuốn hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước về tham gia lễ hội mùa xuân. Về Tam Sơn để được nghe các làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh ngọt ngào, đằm thắm ở một làng Quan họ gốc, nghe hát Chèo Chải Hê, giàu chất trữ tình mà chỉ ở Tam Sơn mới có. Đi xem đấu vật, đu tiên, tổ tôm điếm.., khi ra về nhớ mang theo mấy chai Hoàng tửu và mấy ký gạo nếp nhung Tam Sơn làm quà cho gia đình, bè bạn.
Thăm thêm đình đền Thọ Trai, du khách như được sống lại thời kỳ hoang sơ của Nhà nước Văn Lang thời vua Hùng Vương thứ 6, nơi Thánh Gióng trên đường đánh giặc Ân đã đến đây lấy lương thực và tuyển thêm trai tráng. Tại đình Thọ Sơn còn có tảng đá in dấu chân ngựa, tương truyền là dấu chân ngựa sắt của Thánh Gióng.
Đến với Tam Sơn vào những ngày Xuân, bạn sẽ như được trở về với cội nguồn dân tộc sống động, huy hoàng, bi tráng và đậm tính nhân văn của một thời để nhớ.
Trần Viết Tạo (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tam Sơn)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.