Chiếu Hới giờ không chỉ “bơi” trong “ao” làng mà đã vươn ra “biển lớn”, có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước. Nghề dệt chiếu đang là hướng làm giàu của nhiều gia đình ở xã Tân Lễ (Hưng Hà – Thái Bình) .
Xưởng chiếu của Doanh nghiệp tư nhân Dũng Tiến (xã Tân Lễ)
Bám đất, giữ nghề
Tương truyền, ông tổ nghề chiếu là Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Năm 1484, ông được dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang sứ nhà Minh (Trung Quốc), đến vùng Quế Lâm, ông thấy nghề dệt chiếu ở đây phát đạt, liền vào xem và học hỏi kỹ thuật dệt của họ. Về nước, ông đã truyền dạy lại cho dân làng Hới (Hải Triều).
Nghề dệt chiếu ở Tân Lễ từ xưa luôn là nghề được nhiều người ưa chuộng, tuy là nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Những chiếc chiếu hoa, chiếu trắng, chiếu trổ đầy màu sắc được làm từ bàn tay khéo léo cần cù của người dân nơi đây đã từng có mặt khắp mọi miền đất nước.Ngày nay, do sự đổi mới, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, người dân ở đây đã dần bỏ lối dệt thủ công mà thay vào đó họ dùng máy để sản xuất. Bà Nguyễn Thị Yến, người gắn bó với nghề từ nhỏ, chia sẻ: “Bây giờ trong làng ít người dệt chiếu thủ công như tôi, nhiều hộ đã chuyển sang dệt bằng máy để sản xuất đáp ứng đủ lượng tiêu thụ của thị trường… Và việc dệt bằng máy đem lại lợi nhuận cao hơn so với dệt thủ công nên đa số các hộ còn tâm huyết bám nghề bây giờ cũng dần chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã
Bước cải tiến rõ nét nhất của làng nghề là từ năm 2005, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào thay thế sức lao động của con người, đưa công suất lên ngày một cao và chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm, làm ra một số loại chiếu có kích cỡ mà dệt thủ công chưa làm được.
Ông Dũng chia sẻ: “Gia đình tôi vốn có truyền thống làm nghề dệt chiếu. Theo nghề cha ông, lớn lên mặc dù không trực tiếp làm chiếu nhưng tôi kinh doanh nguyên vật liệu làm chiếu cho làng nghề. Từ năm 2005, nhận thấy thị trường chiếu dệt thủ công ngày càng thu hẹp, tôi cùng gia đình mạnh dạn đầu tư mua 6 máy dệt chiếu nhựa công nghiệp. Hàng tháng, cơ sở xuất ra thị trường hàng vạn lá chiếu”.
Đến nay, cơ sở sản xuất của ông Dũng có 60 máy dệt chiếu nhựa và chiếu cói, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Ghé thăm cơ sở sản xuất chiếu của ông Nguyễn Hữu Bắc, ông chia sẻ: “Xưởng sản xuất của tôi đã được mở rộng từ năm 2011 và đến nay có khoảng 80 máy chiếu nhựa và chiếu cói, tạo việc làm cho 200 công nhân và lương trung bình của mỗi công nhân khoảng 6 triệu đồng/tháng”.
Chiếu Hới giờ không chỉ “bơi” trong “ao” làng mà đã vươn ra “biển lớn”, có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước. Tân Lễ hiện có 6 cơ sở lớn dệt chiếu nhựa và chiếu cói. Phần lớn hộ dân trong xã đều làm nghề dệt chiếu, bình quân mỗi hộ có từ 1 - 3 máy dệt. Nghề dệt chiếu đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng năm 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn, song toàn xã vẫn duy trì 61 máy dệt chiếu cói cùng hơn 200 máy dệt chiếu nylon, sản xuất được hơn 4,6 triệu lá chiếu, trị giá hơn 225 tỷ đồng,
Tân Lễ giờ đã thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện; xã đã cán đích nông thôn mới. Để Tân Lễ duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế, góp phần gìn giữ và làm giàu từ nghề truyền thống của địa phương.
Thanh Hoa
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.