Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 2017 | 2:13

Tản mạn về hồ Hoàn Kiếm và Lê Thận

Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

Hồ Hoàn Kiếm là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh  được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Tên hồ gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trả lại gươm báu cho rùa thần sau khi đánh thắng giặc Minh.

Truyền thuyết gươm báu “Thuận Thiên” của vua Lê Lợi được sử sách ghi lại như sau: Đêm mồng 10 tháng 12 năm Ất Mùi (1415), có người ở Cổ Lôi tên là Lê Thận, làm nghề đánh cá, đêm kéo vó ở sông Lương Giang, xứ Ma Viên, thấy dưới nước có ánh sáng như đuốc. Cả đêm không kéo được con cá nào, chỉ được một thanh sắt trông như hình thanh kiếm cũ, dài 3 thước, rộng 2 tấc, dầy 3 phân (Sách Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử chép là dài hơn một thước). Năm ấy, Lê Lợi 31 tuổi, cùng Thận chơi thân, gặp khi nhà Thận có giỗ, Lê Lợi tới làm lễ, nhìn gầm giường thấy ánh sáng lạ bèn tới gần xem thì ra đó là thanh sắt. Lê Lợi xin, Thận cho ngay. Mang về nhà mài thì hiện lên 4 chữ “Thuận Thiên” và chữ “Lợi”, bèn giấu kín một nơi. Năm Bính Thân (1416), Lê Lợi 32 tuổi, sáng sớm ngày 15 tháng Giêng, Lê Lợi ra cửa bắt được một chuôi gươm bằng đồng đen dài một tấc năm phân, dày 4 phân. Chuôi kiếm vừa khít khi lắp vào thanh kiếm “Thuận Thiên”. Thanh kiếm “Thuận Thiên” đã theo Lê Lợi vào sinh ra tử trong hơn 10 năm đánh đuổi giặc Minh. Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (Lê Thái Tổ) tại điện Kính Thiên ở thành Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Nhớ lại chuyện xưa mới đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Nhân một buổi đẹp trời, vua ngự giá ra chơi hồ Tả Vọng (còn gọi là hồ Lục Thủy vì nước xanh thẫm, tên cũ của hồ Hoàn Kiếm), thuyền rồng đến giữa hồ, bỗng dưới nước nổi lên một rùa vàng rất to. Rùa bơi đến trước thuyền rồng cúi đầu như có ý bái lạy và cất tiếng: “Việc nước đã xong, xin bệ hạ hoàn lại kiếm thần!”. Vua tung gươm, rùa vàng liền đớp lấy lặn xuống nước mất tăm. Từ đó nhân dân gọi hồ Tả Vọng là hồ Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm).

Về Lê Thận, sử sách chép rằng: ông là bạn thân của Lê Lợi. Hội thề Lũng Nhai năm 1416, Lê Thận tên xướng thứ 3, sau Lê Lợi và Lê Lai trong bài văn thề Lũng Nhai. Khi Lê Lợi khởi binh, Lê Thận là những người theo trước nhất, được trao chức Thứ thủ kỵ binh trong quân Thiết đột. Lê Thận cùng với Lê Văn An là tướng võ, cùng với tướng văn là Lê Văn Linh luôn đi sát Lê Lợi. Tháng 2 năm 1428, vua Lê Thái Tổ xếp hạng những người có công lao theo vua ở Lũng Nhai, Lê Thận được xếp thứ 2, phong là Trung Lượng đại phu, coi các vệ quân tả hữu Phủng thần, tước Đại trí tự.

Lê Thận được phong làm Nhập nội thiếu úy tham tri việc quân các vệ thuộc Tây đạo dưới đời vua Thái Tông. Tháng 6 năm 1437 đổi sang làm Tham tri Bắc đạo. Sau khi Đại tư đồ Lê Sát bị tội, ông được cử làm Tư Mã, coi các vệ ở Bắc đạo, tham tri chính sự. Đời vua Lê Nhân Tông, 1443, ông được thăng lên chức Nhập nội kiểm hiệu tư đồ Bình chương sự. Năm 1448, vua Lê Nhân Tông về Lam Kinh, Lê Thận lúc ấy giữ chức Đại tư đồ, cùng với Đô áp nha Lê Bí ở lại trông giữ kinh đô. Tháng 7 năm 1448, Lê Thận mất, truy tặng là Bình chương quốc quân trọng sự, tước Huyện thượng hầu, ban thụy là Trung Tiết, cho hưởng lễ thái thường. Năm 1484, triều đình truy tặng là Thái phó Hoằng quốc công.

Chuyện không có gì phải nói lại nếu như Lê Thận được đặt cho một tên phố ở gần hồ Hoàn Kiếm. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Hà Nội không có tên phố, tên đường mang tên Lê Thận (trong khi TP. Hồ Chí Minh, có đường mang tên Lê Thận ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú).

Gần đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề xuất mọi người dân đóng góp ý tưởng quảng bá cho cụm di tích hồ Hoàn Kiếm. Là người con của Hà Nội, tôi xin góp một ý tưởng. Trong khu vực đền Ngọc Sơn, nên có biểu diễn rối nước (một loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam) với tích vua Lý Thái Tổ trả gươm cho rùa thần. Thêm nữa, hiện khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm là phố đi bộ, nên chăng, tối thứ bảy hàng tuần, dùng đèn lade chiếu lên mặt tiền tòa nhà Bưu điện những câu chuyện về Hà Nội, về sự tích hồ Gươm. Và Hội đồng nhân dân thành phố cần xem xét đặt tên Lê Thận cho một con đường của Thủ đô.

Hiền Anh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top