Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 9 năm 2021 | 20:53

Tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021 - 2022 hiệu quả, chất lượng

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Công điện số 1190/CĐ-TTg ngày 20/9/2021 về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch năm học mới 2021 - 2022 hiệu quả, chất lượng.

Công điện gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Ngân hàng chính sách xã hội; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nêu rõ:

Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và các địa phương đã rất tích cực chuẩn bị các điều kiện, ưu tiên, huy động các nguồn lực để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là các thiết bị máy tính, đường truyền internet tốc độ cao để triển khai việc dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều gia đình, học sinh không có đủ điều kiện để mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện việc học trực tuyến theo Kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi của chương trình; hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội. Chú trọng hơn nữa trong bảo đảm công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng có dịch.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp Công nghiệp ICT tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên thời lượng và khung giờ phát sóng các bài giảng để học sinh, sinh viên các cấp học có thể được học tập đầy đủ các môn học theo chương trình giáo dục, đào tạo. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng qua đài phát thanh, truyền hình cụ thể, chi tiết từng môn học, lớp học, cấp học bảo đảm diện bao phủ tốt nhất.

5. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức thành viên kêu gọi quyên góp, ủng hộ và huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn trang thiết bị phục vụ việc học trực tuyến.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Rà soát danh sách học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến, trong đó huy động các nguồn lực xã hội để cùng tham gia; chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài giảng để phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương, nhất là đối với lớp 1, lớp 2.

b) Phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình địa phương để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày.

c) Tăng cường công tác giám sát y tế trong trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với các địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top