Đêm 29/4, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Chính phủ đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 từ ngày 28 đến 29/4, theo lời mời của Tổng thống Philippin Rodrigo Roa Duterte.
Với vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có những đóng góp thực chất đối với những vấn đề ASEAN tại hội nghị. Trước bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác nội khối và liên kết khu vực.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là leo thang căng thẳng ở khu vực Bán đảo Triều Tiên; ASEAN bước sang năm thứ hai xây dựng Cộng đồng và cũng là năm thứ 50 thành lập ASEAN.
Với chủ đề của Hội nghị lần này là “Chung tay đổi thay, kết nối toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã thảo luận về công tác xây dựng cộng đồng; quan hệ đối ngoại của ASEAN và đánh giá về tình hình thế giới và khu vực.
Trong công tác xây dựng Cộng đồng, các nhà lãnh đạo đánh giá, nhận thức của người dân về cộng đồng còn thấp, sự phối hợp công tác giữa các cơ quan của ba trụ cột khác nhau trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên khu vực còn yếu. Cùng với đó sự giao lưu kinh tế trong nội khối cũng chưa được như mong muốn, trong đó, thương mại nội khối không tăng trưởng như mong muốn, ngược lại còn xuất hiện thêm những rào cản phi thuế quan, ảnh hưởng đến giao thương nội khối.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chuyến tham dự hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho biết: “Xuất phát từ đó, các nhà lãnh đạo cũng đặt ra yêu cầu mới đối với các vị bộ trưởng, các quan chức cấp cao và các cơ quan của ASEAN phải xây dựng cộng đồng hướng tới người dân, vì người dân, đáp ứng nhu cầu của người dân, làm cho người dân được tận hưởng những lợi ích đem lại từ việc xây dựng Cộng đồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển. Xóa bỏ các rào cản về thương mại, bằng mọi cách đẩy mạnh thương mại nội khối của ASEAN”.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí cần đẩy mạnh phối hợp trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, chống nạn cướp biển, buôn bán ma túy, biến đổi khí hậu…
Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ các ưu tiên hợp tác của Chủ tịch Philippines trong năm nay, coi đây là những nội dung thiết thực, phản ánh nhu cầu kết nối nội khối và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là một đối tác toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm của ASEAN là cần ưu tiên thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm, gồm: đáp ứng lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm; nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN; và tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác nội khối và liên kết khu vực. Những đề xuất này của Việt Nam được lãnh đạo các nước ASEAN bày tỏ thống nhất cao.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phân tích thêm: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ba điểm. Thứ nhất là chú trọng đến người dân. Thủ tướng nhấn mạnh đến mối quan hệ với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ASEAN phát triển tốt hơn, cũng như phổ biến để người dân hiểu biết về Cộng đồng, hiểu biết về những lợi thế mà Cộng đồng đem lại. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc cải cách, giảm bớt các cuộc họp của ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động hiệu của Ban Thư ký ASEAN cũng như các cơ quan của ASEAN. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến giao dịch nội khối, nhất là hợp tác trong ASEAN, đó là điểm mà bên cạnh các nước ASEAN phát triển với các nước bên ngoài thì cũng phải chú trọng đến phát triển bên trong, để tạo cho ASEAN thành thị trường chung hấp dẫn đối với cả các nhà đầu tư bên ngoài”.
Đối với quan hệ đối ngoại của ASEAN, trước bối cảnh vai trò của ASEAN trong khu vực và thế giới ngày càng có uy tín, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế mong muốn hợp tác với ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm quan trọng với một số đối tác lớn, như 40 năm quan hệ hợp tác của ASEAN với Hoa Kỳ, Canada, EU; 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Các hoạt động này là nhằm tạo đà mới cho quan hệ của ASEAN với các đối tác.
Đối với tình hình thế giới và khu vực, các Nhà Lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp như tình hình căng thẳng liên quan đến Bán đảo Triều Tiên; các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và nguy cơ khủng bố lan rộng. Do đó, ASEAN đứng trước yêu cầu cần có tiếng nói chung mạnh mẽ, phát huy vai trò tích cực và đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trong vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Các bên cần kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và khả thi trên thực tế; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo ASEAN đã có cuộc gặp với đại diện Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) và đại diện thanh niên các nước ASEAN. Các nhà lãnh đạo nêu rõ, ASEAN sẽ nỗ lực hơn nữa để tạo cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân và Chính phủ, tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với hợp tác ASEAN, tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân các nước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật pháp, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Nhân chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số cuộc gặp, tiếp xúc song phương với Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte, Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi.
Trong các cuộc gặp song phương này, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như xuất khẩu gạo; chế biến thực phẩm cho người hồi giáo; đánh bắt cá và chế biến thủy hải sản, du lịch, xuất khẩu lao động, thúc đẩy đầu tư trong một số lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp, dầu khí; giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của nhau…
Cũng trong khuôn khổ chuyến tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán, gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống tại Philippines.
Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam đã thành công tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào năm kỷ niệm “vàng” của ASEAN khi ASEAN tròn 50 tuổi. Những đóng góp của Việt Nam vào sự thành công của hội nghị thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với sự đoàn kết, gắn bó và phát triển của ASEAN./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.