Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 6 năm 2016 | 6:49

Tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia

Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước đến Campuchia sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, hôm nay (15/6), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ ngày 15-16/6.

Đây là chuyến thăm xã giao theo thông lệ ASEAN của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch nước, đồng thời thể hiện sự coi trọng và thúc đẩy quan hệ quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới.

Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, là nước láng giềng với Việt Nam.

tang cuong hop tac toan dien viet nam – campuchia hinh 0
Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Cách đây gần 50 năm vào ngày 24/6/1967 đã đánh dấu sự kiện quan trọng hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, khi nhân dân Việt Nam còn đang trong giai đoạn đấu tranh khốc liệt chống giặc ngoại xâm.

Đây là sự ủng hộ có ý nghĩa cao cả của Campuchia đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện này cũng khẳng định sự ủng hộ chân tình của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, nền trung lập của Vương Quốc Campuchia do Cựu Quốc Vương Norodom Shihanouk đứng đầu.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Campuchia đã và đang được hai nước tiếp tục phát triển theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” trên nhiều lĩnh vực.

Những năm qua, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp như Quốc vương Norodom Sihamoni thăm cấp nhà nước Việt Nam năm 2012, thăm nghỉ dưỡng (10/2015); Chủ tịch Thượng viện Say Chhum thăm chính thức Việt Nam (12/2015); Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU132) tại Hà Nội (3/2015) và Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (1/2016); Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Campuchia năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước năm 2014; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang Campuchia dự Lễ tang Chủ tịch Đảng CPP, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Chea Sim (6/2015).

Hai bên tiếp tục thúc đẩy mạnh các cơ chế hợp tác song phương như Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam- Campuchia (10/2015), Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 8 (10/2015), Thỏa thuận thường niên về hợp tác giữa Bộ, ngành, địa phương, giao lưu nhân dân…

Tiếp nối tinh thần đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chọn Campuchia là một trong những nước đầu tiên đến thăm sau khi đảm nhiệm cương vị mới.

Chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Bên cạnh hợp tác chính trị, chuyến thăm của Chủ tịch nước cũng mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế đưa kim ngạch song phương vượt con số hơn 3,3 tỷ USD đạt được trong năm 2015.

Hiện nay, Việt Nam đã đầu tư 172 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 3,62 tỷ USD là nước đứng thứ 05 trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia.

Campuchia có 12 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 54 triệu USD, đứng thứ 49 trên tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với đó năm 2015 Campuchia đón khoảng 1 triệu lượt du khách Việt Nam (tăng 9,9%), Việt Nam đón khoảng 210.000 lượt khách Campuchia. Đây là cơ sở để phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 5 tỷ USD mà hai nước đề ra.

Cùng với hợp tác chính trị, kinh tế thì hợp tác an ninh - quốc phòng cũng được tăng cường, hai bên phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, tăng cường, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia; tiếp tục khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch sử dụng lãnh thổ nước này chống phá an ninh, ổn định của nước kia.

Hai nước cũng đẩy mạnh tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác y tế và giao lưu nhân dân, góp phần duy trì và bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước Campuchia, Chủ tịch nước sẽ có các cuộc hội đàm Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Thủ tướng Hun Sen, hội kiến lãnh đạo Quốc hội, gặp gỡ các Đại Tăng thống và các doanh nghiệp tiêu biểu hai nước nhằm trao đổi các biện pháp thiết thực tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư... đồng thời hai bên cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị mới, cùng đoàn cấp cao nước ta tới vương quốc Campuchia sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia phát triển lên tầm cao mới, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác  phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

Theo Hoàng Dũng/VOV
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top