Trải qua 2 thập niên, tên tuổi Mai Linh nổi lên đình đám với thương hiệu taxi hoạt động rộng khắp cả nước khiến bất cứ doanh nghiệp kinh doanh vận tải nào cũng phải “thèm thuồng”...
Thế nhưng, liên tiếp gánh chịu các khoản nợ xấu, lỗ khủng, Tập đoàn Mai Linh (MLG) đang chìm sâu vào vòng xoáy nợ nần, cùng với đó là nghi án chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng doanh thu của Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc (MLMB).
Thương hiệu Mai Linh một thời đi đầu kinh doanh vận tải taxi chở khách đang bên bờ vực của nợ nần. (Ảnh minh họa)
Năm 2007, MLG triển khai hợp tác phát hành thẻ Mai Linh trả sau (MCC - Mai Linh Customer Club) khi khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải taxi Mai Linh, trong đó có MLMB. Đây không chỉ là một cơ hội kinh tế cho các đơn vị hợp tác mà còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất đối với toàn bộ hệ thống taxi Mai Linh.
Bằng hình thức này, khách hàng đi taxi của MLMB có thể thanh toán qua thẻ do MLG phát hành, tiền thanh toán sẽ tập trung vào tài khoản của MLG. Sau đó, MLG có trách nhiệm hạch toán, chuyển trả doanh thu cho các đơn vị tham gia sau khi đã trích lại khoản phí thu hộ. Tuy nhiên, kể từ thời điểm triển khai đến nay, MLG đã hút toàn bộ lượng doanh thu thu được từ thẻ MCC, nhưng không thực hiện việc hoàn trả cho MLMB và các công ty thành viên số tiền dịch vụ mà khách hàng đã thanh toán cho MLMB thông qua việc sử dụng thẻ MCC.
Báo cáo kiểm toán của MLMB năm 2015 cho thấy, số phải thu các công ty trong cùng Tập đoàn Mai Linh chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ nhờ thu hộ tiền thẻ taxi MCC… lên tới trên 401 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của MLMB đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte ngày 20/05/2016 cho thấy, kết thúc kỳ kế toán năm 2015, các khoản nợ ngắn hạn mà MLMB phải thu là hơn 559 tỷ đồng. Khoản nợ khổng lồ này chủ yếu đến từ các công ty trong cùng MLG lên đến hơn 401 tỷ đồng, bao gồm nghiệp vụ thu hộ tiền thẻ taxi MCC và các nghiệp vụ mua bán tài sản cố định, vật tư, sửa chữa... (Dẫn nguồn số liệu tại trang số 19 - Bản Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất MLMB 2015).
Bị đọng vốn, tình hình tài chính MLMB lâm nguy, mất cân đối thu - chi nghiêm trọng. Số phận của MLMB với hàng ngàn cổ đông góp vốn, có giá trị tài sản lên tới 2.400 tỷ đồng lay lắt như “ngọn đèn trước gió”, cùng gần 10.000 cán bộ, nhân viên có nguy cơ mất việc làm, đối mặt cuộc sống lao đao, khốn cùng sau nhiều năm làm việc miệt mài và nỗ lực cống hiến. Trong khi số tiền doanh thu của MLMB đáng ra phải được nhận từ dịch vụ sử dụng thẻ MCC lại bị MLG “giữ lại” để “ném” vào các khoản đầu tư khác.
Không phải tự nhiên, khoản doanh thu của MLMB từ dịch vụ MCC được MLG “giữ lại” theo cách bất thường từ nhiều năm qua lại diễn ra một cách dễ dàng và trót lọt đến thế. Cũng cần nói thêm, ông Hồ Huy đang là người đại diện theo pháp luật của rất nhiều doanh nghiệp và không có gì “lạ” khi ông này vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị MLG và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của MLMB. Và phải chăng, chính người đứng đầu của cả 2 công ty đại chúng thuộc họ Mai Linh đã đứng lên trên tất cả, tự đưa ra quyết định ưu tiên dòng tiền khẩn cấp của người em “đói khát” nhường cho người anh đang sống trong tình cảnh “ốm yếu, khắc khoải”? Và có phải vì cứu một doanh nghiệp đang thoi thóp mà 10.000 cán bộ, nhân viên, là trụ cột 10.000 gia đình đứng trước nguy cơ mất việc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sinh kế của họ?
Tính tới quý 2/2016, tổng các khoản nợ phải trả của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh là hơn 2.382 tỷ đồng, tăng 94 tỷ đồng so với quý trước.
Việc làm ăn bết bát dẫn đến nợ nần “khủng” của MLG đã xuất hiện mầm mống từ đầu những năm 2010. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2012, mọi chuyện bắt đầu “bục ra” rồi “vỡ lở” khiến hàng nghìn cổ đông hoang mang, lo lắng về sự tồn vong của Mai Linh. Bước sang giai đoạn 2013-2015, khi thị trường tài chính thoát khỏi “cơn bão” khủng hoảng và hồi phục tích cực, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đua nhau triển khai dự án mới thì Mai Linh vẫn cứ “lặng lẽ” trong cái bóng của mình. Tính đến thời điểm hết quý 2/2016, tổng số nợ phải trả treo trên đầu MLG lên tới con số hơn 2.382 tỷ đồng.
Động thái gần đây nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra cảnh báo rủi ro cấp tín dụng đối với các công ty trong nhóm Mai Linh. Theo đó, Vietcombank yêu cầu các chi nhánh thận trọng xem xét cấp tín dụng đối với các khách hàng là các đơn vị thuộc nhóm Mai Linh gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh và các công ty con, công ty liên kết, các cá nhân khác có liên quan về sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với nhóm Mai Linh.
Ngoài ra, Vietcombank còn đưa ra cảnh báo chi nhánh hạn chế thực hiện cấp tín dụng ngắn hạn cho các công ty trong nhóm Mai Linh. Đối với các khoản nợ cũ, chi nhánh đã thực hiện cấp tín dụng liên quan đến mục đích đầu tư cho hoạt động vận chuyển hành khách bằng taxi, cần thực hiện kiểm soát chặt tài sản thế chấp là các xe taxi, đảm bảo quản lý dòng tiền từ hoạt động taxi để thu hồi nợ đúng thời hạn.
Dẫn lời một cổ đông lớn, nguyên là một cán bộ chủ chốt của MLMB (xin được giấu tên) cho hay: “Sự việc có dấu hiệu chiếm dụng vốn của MLMB mà MLG đã thực hiện trong gần 10 năm qua đã không chừa cho MLMB lối thoát. Tôi và hàng chục nghìn người lao động, hàng nghìn cổ đông (nhà đầu tư) tại MLMB biết rất rõ, doanh nghiệp đang ở trong thời khắc nguy hiểm nhưng lực bất tòng tâm. Là người duy nhất có thể bảo vệ MLMB, tôi đã bị gạt ra ngoài. Doanh thu từ khách thanh toán qua MCC chiếm gần 30% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi hằng năm của MLMB và tiếp tục có chiều hướng tăng lên, nếu cứ tiếp tục làm, doanh nghiệp sẽ ra sao?”.
Thật trớ trêu thay, những người đang gánh “di sản” là các khoản phải thu hơn 401 tỷ đồng chỉ biết cặm cụi hàng phút, hàng giây để làm việc, còn số tiền họ làm ra thì đang bị các công ty trong cùng MLG “giữ lại”. Để bảo vệ cuộc sống của những người lao động chân chính, các cổ đông MLMB đã đi đến gõ cửa nhiều cơ quan công quyền để gửi đơn kêu cứu, tuy nhiên đến nay, sự việc vẫn chìm trong im lặng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ánh Sáng/Congly.vn
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.