Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 7 năm 2021 | 21:57

Tây Ninh phải ưu tiên tập trung toàn lực để chống dịch thành công

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Tây Ninh lúc này phải ưu tiên tập trung toàn lực để chống dịch thành công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Tây Ninh lúc này phải ưu tiên tập trung toàn lực để chống dịch thành công; không cho dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ cửa khẩu, các khu cách ly và thực hiện chặt chẽ, triệt để, nghiêm túc đối với những nơi địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lúc này phải ưu tiên tập trung toàn lực để chống dịch thành công; không cho dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ cửa khẩu, các khu cách ly và thực hiện chặt chẽ, triệt để. Ảnh: VGP

 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển KTXH, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trên các lĩnh vực. Trong đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện các đột phá chiến lược đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa gắn với phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Hạ tầng chiến lược còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, còn nhiều hạn chế so với tiềm năng, khả năng và không gian phát triển; chưa phát huy tốt vai trò đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Công tác quy hoạch còn hạn chế, chưa xứng tầm với vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh còn những bất cập; các chỉ số liên quan đến năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính còn khiêm tốn. Đời sống của người dân có lúc, có nơi còn khó khăn. Năng lực của hệ thống y tế được bảo đảm trong điều kiện bình thường, nhưng nếu tình hình phức tạp hơn thì dễ dẫn tới lúng túng, bị động, bất ngờ...

Thời gian tới, Tỉnh cần đổi mới tư duy phát triển, nhận thức đúng hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Tây Ninh trong tổng thể Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối Việt Nam với Campuchia, các nước ASEAN qua các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát; trong đó lưu ý vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại mang tầm chiến lược của Tỉnh, nơi có truvền thống cách mạng kiên cường, là chiến khu, căn cứ địa cách mạng vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Tỉnh cần tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế, các yếu tố văn hóa, xã hội, lịch sử, truyền thống để có quyết tâm cao hơn, tạo đột phá thúc đẩy phát triển, sớm đưa Tây Ninh trở thành một trong những tỉnh phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá những kết quả đạt được của Tỉnh trên các lĩnh vực là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn; cần lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu vươn lên, nhất là trong bối cảnh nguy cơ dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh rất cao do giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và Campuchia. Thời gian gần đây, xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các lĩnh vực của Tỉnh, đòi hỏi cần phải chuẩn bị kỹ, có phương án phòng, chống dịch cao hơn nhiều so với phương án hiện có; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không được mất bình tĩnh, hoảng hốt, thiếu bản lĩnh mà phải chủ động, tích cực, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu Tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phát triển KTXH thành công với tinh thần “sản xuất để phòng, chống dịch và chống dịch để sản xuất”. Yêu cầu Tỉnh xem xét kỹ tình hình cụ thể từng địa bàn để quyết định phương án chống dịch phù hợp; trong đó, địa bàn nào có nguy cơ cao thì tập trung cho chống dịch, địa bàn nào an toàn thì đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết; tập trung chăm lo sức khỏe của nhân dân, không để lây nhiễm trong cộng đồng và giảm thiểu tử vong do dịch bệnh gây ra.

Quan điểm chỉ đạo là phải chủ động, tích cực, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại với tinh thần kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển; tập trung vào các yếu tố trọng tâm, trụ cột cho phát triển của Tỉnh, trong đó phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ; khơi thông những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực tự nhiên và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, các yếu tố văn hóa, lịch sử và phát triến kinh tế phải bảo đảm hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Chống dịch từ sớm, từ xa, chống dịch ngay tại cơ sở

Về phòng, chống dịch bệnh, Tỉnh tập trung quán triệt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ khi chưa có dịch và chống dịch ngay tại cơ sở làm nền tảng trên tinh thần mỗi huyện, xã, thôn, bản, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài, từng người dân là một chiến sỹ.

Lúc này phải ưu tiên tập trung toàn lực để chống dịch thành công; không cho dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ cửa khẩu, các khu cách ly và thực hiện chặt chẽ, triệt để, nghiêm túc đối với những nơi địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục phương châm 4 tại chỗ nhưng ở mức độ cao hơn, Tỉnh khẩn trương quyết định theo thẩm quyền mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về việc để xảy ra thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Lưu ý trong các nhà máy, doanh nghiệp, nơi sản xuất chủ động có phương án thuyết phục bố trí ăn ở và làm việc an toàn tại doanh nghiệp để bảo đảm phòng, chống dịch; chỉ sản xuất khi đã bảo đảm an toàn, nếu chưa an toàn thì tập trung phòng, chống dịch, tạm dừng sản xuất.

Triển khai thực hiện hỗ trợ ngay cho người thiếu việc làm, người mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68 ngày 01/7/2021 của Chính phủ.

Chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận trong công tác phòng, chống dịch, tạo mọi thuận lợi cho việc đưa đón người dân theo quy định, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống và sản xuất, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

  Quang cảnh cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tỉnh Tây Ninh. Ảnh: VGP

 

Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh

Về phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu Tây Ninh tiếp tục rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; chủ động sửa đổi, hoàn thiện theo thẩm quyền của Tỉnh và báo cáo đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền xử lý sớm những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc theo tinh thần thẩm quyền đến đâu xử lý ngay đến đó. Yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Tỉnh trong xử lý những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện phát triển KTXH, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần chủ động, tích cực, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, xử lý nhanh, hiệu quả, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan.

Tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh, thể hiện tầm nhìn bao quát, chiến lược, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, gắn kết với các địa phương trong vùng, bảo đảm những định hướng lớn và tính ổn định tương đối của quy hoạch, hạn chế sửa đổi, bổ sung thường xuyên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Ưu tiên phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và các dự án trọng điểm khác, tập trung vốn cho các công trình này để tạo đột phá thúc đẩy phát triển KTXH trên địa bàn Tỉnh và vùng, không để tình trạng phân tán, manh mún, lãng phí, kém hiệu quả trong phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng tăng năng suất lao động và thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là sớm nghiên cứu, đề xuất định hướng không gian phát triển cho phù hợp, tạo động lực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát. Bảo vệ chặt chẽ các khu công nghiệp, khu vực doanh nghiệp trước dịch bệnh để duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất cung ứng.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, đầu tư công, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; đẩy mạnh đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch mang tầm quốc tế; khai thác và phát huy tối đa hiệu quả các hoạt động đa mục tiêu Hồ Dầu Tiếng, bảo đảm an ninh, an toàn công trình và nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển KTXH.

Xây dựng, khai thác tốt cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử các cấp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triến kinh tế số, tận dụng cơ hội từ dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân và công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Chú trọng gìn giữ trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới nước bạn Campuchia trong phòng, chống dịch COVID-19 và giải quyết những vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới.

Coi trọng và phát triển công tác thông tin truyền thông đi trước một bước, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác các thông tin cần thiết để truyền cảm hứng, kêu gọi, động viên người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ, chung tay trong phòng, chống dịch và phát triển KTXH, góp phần tạo đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin trong toàn xã hội.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc các đề xuất, kiến nghị của Tỉnh; trong đó, có việc hỗ trợ tăng cường năng lực xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế, vaccine phòng dịch COVID-19.

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top