Đến thời điểm này việc chưa triển khai thực hiện xử lý thân đập chính hồ Núi Cốc khiến dư luận và người dân hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về sự thiếu minh bạch của việc đề xuất và phê duyệt dự án có giá trị nhiều chục tỷ đồng này.
Theo các chuyên gia: Nguy cơ vỡ đập hồ Núi Cốc không đáng ngại?
Sự việc bắt nguồn từ một báo cáo của của Sở NN&PTNT Thái Nguyên. Theo báo cáo này đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nước ở vai đập, phía bờ hữu cao trình +45,00m đến +46,00m; Một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập chính ở cao trình +38,00m đến 150m²; Tại cao trình từ +42,00m đến +44,00m bờ tả có hiện tượng nước thấm nhiều; Rãnh thoát nước hạ lưu của đập tại cơ +32,00m và +42,00m bị gãy đổ chiều dài 200m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8m; Mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ.
Ngay sau khi nhận được báo cáo, ngày 6/6/2017, ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một đoàn kiểm tra với đầy đủ các thành phần đến thực địa.
Ngay trong ngày, một cuộc họp cũng đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chủ trì đã được tổ chức. Và trên bản tin thời sự của đài truyền hình địa phương buổi tối đã phát đi lời khẳng định: Sự an toàn của đập chính Hồ Núi Cốc đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.
Trước sự cấp thiết của sự việc, ngày 9/6, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã có cuộc kiểm tra tại thực địa và làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.
Vụ việc càng được đẩy cao hơn khi Quyết định số 1569/QĐ-UBND về việc công bố tình trạng khẩn cấp đối với nguy cơ gây mất an toàn của đập chính hồ Núi Cốc ngày 14/6 được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kèm theo dấu HỎA TỐC.
Tại Quyết định này UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở NN&PTNT tiến hành ngay việc xác định các vị trí thấm, cảnh báo và đặt biển báo khu vực đang có sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến và tiến độ khắc phục khẩn cấp.
Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên khẩn trương tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, đánh giá tình trạng hư hỏng; xác định nguyên nhân, có giải pháp xử lý và khắc phục khẩn cấp việc thấm qua thân Đập chính Hồ Núi Cốc.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn phối hợp với các địa phương vùng hạ lưu (có ảnh hưởng) thông báo rộng rãi về tình trạng khẩn cấp trên.
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Phú Bình, Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên tổ chức tuyên truyền thông tin để cảnh báo, thông báo đến người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng khi có sự cố xảy ra để chủ động phòng, tránh.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao cho Cty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên làm Chủ đầu tư khẩn trương tiến hành lập hồ sơ thiết kế và lựa chọn nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm xử lý các sự cố công trình thủy lợi để triển khai khắc phục khẩn cấp sự cố Đập chính Hồ Núi Cốc trong vòng 45 ngày; Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp Đập chính Hồ Núi Cốc; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đối với nguy cơ gây mất an toàn của đập chính hồ Núi Cốc được đóng dấu Hỏa tốc.
Cũng liền sau đó, một cuộc hội thảo với mục đích “Tìm giải pháp khắc phục sự cố Đập chính hồ Núi Cốc” được tổ chức để rồi cuối cùng một chủ trương về lập dự án xử lý sự cố được quyết định nhanh chóng.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn với các ngành, đơn vị chức năng hồi đầu tháng 6/2017 ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo: Trong vòng 45 ngày (tính từ ngày 6/6), việc xử lý chống thấm thân đập phải được hoàn thành, để chậm nhất từ ngày 10 đến 20/8, hồ Núi Cốc có thể thực hiện việc trữ nước phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Nội dung này sau đó cũng đã được nhấn mạnh trong cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, trên thực tế thì đến ngày 25/8/2017 - tức là đã qua thời điểm công trình hồ Núi Cốc phải tích nước theo quy định 5 ngày - quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình Xử lý khẩn cấp Đập chính hồ Núi Cốc mới được ban hành. Đến ngày 29/8/2017 quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án này cũng mới được ban hành. Để rồi, đến nay - khi bài viết này ra mắt bạn đọc - việc lựa chọn nhà thầu (theo hình thức chỉ định thầu) vẫn chưa được hoàn tất.
Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt dự án và Quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình Xử lý khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc mốc thời gian thực hiện hoàn tất cũng được “cắm” trong tháng 8 và tháng 9/2017.
Với thời gian còn lại chỉ vỏn vẹn khoảng 1 tuần, không hiểu các nhà thầu sẽ làm như thế nào để hoàn thành toàn bộ các công việc chính gồm: khoan phụt tạo màng chống thấm cho thân đập; xử lý hệ thống tiêu thoát nước thân đập; xử lý hư hỏng mái hạ lưu và hệ thống tiêu thoát nước mặt và giải pháp hỗ trợ công tác quản lý vận hành công trình?
Thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên nói riêng và miền Bắc nói chung đang bước vào cuối mùa mưa. Lúc này, việc tích nước tại hồ Núi Cốc là cần thiết nhằm bảo đảm tưới tiêu và sinh hoạt trong thời gian tiếp sau.
Vì thế, việc chưa triển khai thực hiện xử lý thân đập chính hồ Núi Cốc khiến dư luận và người dân hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về sự minh bạch của việc đề xuất và phê duyệt dự án có giá trị nhiều chục tỷ đồng này.
Đến ngày 29/8/2017 quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án này cũng mới được ban hành.
Phải chăng, việc “đẩy” thông tin sự cố cùng một loạt các hoạt động kiểm tra, phát ngôn, thậm chí là công điện, quyết định công bố tình trạng khẩn cấp… chỉ để đạt mục đích lập dự án trọng điểm nhóm C - Xử lý khẩn cấp Đập chính hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư 46,88 tỷ đồng?
Câu chuyện một câu sinh viên thấy nhiều người đồn vỡ đập hồ Núi Cốc trên đường đưa bố đi khám bệnh lại chứng kiến cảnh ngập lụt khắp nơi ở Phú Lương và TP Thái Nguyên đã đưa tin lên mạng xã hội facebook và bị phạt hành chính đến 12,5 triệu đồng lại càng khiến dư luận băn khoăn bởi sẽ chẳng thể khiến nhiều người quan tâm lo lắng về việc này nếu như trước đó không có “Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đối với nguy cơ gây mất an toàn của đập chính hồ Núi Cốc”?!
Tại sao việc thực hiện xử lý khẩn cấp Đập chính hồ Núi Cốc diễn ra chậm chạp, không đúng với tính chất, thời gian của vụ việc được địa phương phát ra trước đó? Và nếu hồ Núi Cốc thực sự vẫn an toàn “còn lâu mới vỡ” như nhận định của các chuyên gia thì có cần thiết phải tiếp tục thực hiện dự án khi hồ Núi Cốc đã đến thời điểm tích nước và khả năng kỹ thuật thi công bị hạn chế?
Tại hồ Núi Cốc những ngày mưa bão vừa qua, có nhiều thời điểm nước hồ đã đạt đỉnh điểm thiết kế với khoảng 155 triệu m³ nếu xảy ra sự cố vỡ đập như cảnh báo thì ai, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm bởi khi ấy cả hai thành phố lớn của tỉnh Thái Nguyên là TP Thái Nguyên và TP Sông Công cùng huyện Phú Bình sẽ có thể bị san phẳng? Phải chăng tính mạng và tài sản của người dân đã bị coi rẻ để phục vụ một lợi ích nào đó?
Thái Nguyên Nhân/Xây dựng
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.