Sáng nay, 7/3, tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trực tiếp đối thoại với ngư dân thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch“ Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.
Ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (giữa) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
Sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua các chương trình dự án đầu tư vào Sầm Sơn cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với ngư dân vùng bị ảnh hưởng dự án, nhiều người dân Sầm Sơn đã phát biểu ý kiến chung nhất là mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giành lại từ 500-1000m để bà con có chỗ neo đậu tàu thuyền và hoạt động đánh bắt hải sản. Buổi đối thoại được tổng hợp 13 ý kiến, đồng chí Trịnh Văn Chiến cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận và lắng nghe các ý kiến.
Người dân thị xã Sầm Sơn phát biểu ý kiến
Sau khi tổng hợp các ý kiến, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu: "Việc xảy ra trong những ngày qua là rất đáng tiếc, tôi thấy tôi có khuyết điểm với bà con. Tuy nhiên, trong những ngày qua, có nhiều thông tin kích động người dân. Đây là việc làm xấu, vi phạm pháp luật”.
Về quy hoạch bãi biển Sầm Sơn, đồng chí Bí thư phát biểu: "Biển là của đất nước, là của Sầm Sơn. Phần bờ biển phải được quy hoạch sao cho gắn bó với lợi ích của dân. Không có chuyện tỉnh thu biển rồi giao cho bất cứ cá nhân nào. Sầm Sơn là bãi biển đẹp có tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, việc khai thác biển hiện chưa hiệu quả. Do đó, tỉnh có chủ trương nâng cấp bãi biển. Làm được điều này hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đóng góp của người dân Sầm Sơn. Trong quá trình thực hiện nâng cấp Sầm Sơn thành bãi biển đẹp nhất nước, tỉnh đã làm theo chủ trương của Chính phủ, cũng như Bộ Nông nghiệp và PTNT. Để chuẩn bị cho buổi tiếp xúc với bà con, với tư cách là người đứng đầu tỉnh, tôi sẽ giao lại cho tỉnh rà lại tất cả các văn bản của thị xã Sầm Sơn để tìm cho ngư dân có chỗ neo đậu bè mủng. Hiện nay, việc tổ chức xây dựng bến thuyền mới, khi nào hoàn thành sẽ đưa bà con tới đó, tỉnh đã có ý kiến giải quyết việc này theo Quyết định 705. Bà con nào đồng ý thì làm theo quyết định trên, nếu chưa đồng ý thì tiếp tục khai thác".
Tại đây, ông Trịnh Văn Chiến cũng yêu cầu các cá nhân, tập thể phải bảo vệ tốt cho ngư dân, đảm bảo đời sống nhân dân: "Mong bà con phát huy tốt truyền thống, cùng với tỉnh phát triển Sầm Sơn hơn nữa, sao cho xứng đáng với cả nước. Nếu có ai chưa đồng ý với chủ trương chung của tỉnh, đề nghị bà con viết đơn ra giấy rồi gửi về Ủy ban tỉnh để được tiếp thu và giải quyết tiếp”.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 705/2016/QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn của thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”.
Cụ thể: Mỗi hộ có tàu thuyền khai thác thủy hải sản công suất máy dưới 20 CV khi không đánh bắt thủy hải sản ven bờ sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng và ngư lưới cụ. Những hộ có thuyền mủng sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng và ngư lưới cụ.
Trong thời gian tìm ngành nghề mới, các hộ kể trên cũng được hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ có tàu thuyền công suất dưới 20 CV; 8 triệu đồng/hộ có thuyền mủng và được hỗ trợ gạo với mức 30kg gạo tẻ/tháng/hộ trong thời gian 6 tháng.
Các hộ này nếu dừng khai thác thủy hải sản ven bờ trước ngày 15/3 tới sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các hộ có tàu thuyền dưới 20 CV nếu đóng mới tàu thuyền công suất từ 30 CV đến 400 CV sẽ được hỗ trợ 125-250 triệu đồng (tùy theo công suất của tàu) và trong vòng 5 năm được hỗ trợ lãi suất 7%/năm.
Quang cảnh bên ngoài buổi đối thoại
Trước đó, tại trụ sở tiếp công dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn đã chỉ đạo, yêu cầu UBND thị xã Sầm Sơn khẩn trương xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi nghề từ đánh bắt hải sản sang ngành nghề khác. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Sầm Sơn và các đơn vị có liên quan khẩn trương khảo sát, đề xuất quy hoạch bến neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 3/3/2016.
Trong khi chưa có bến thuyền mới, giao UBND thị xã Sầm Sơn chỉ đạo UBND phường, xã hướng dẫn nhân dân neo đậu thuyền, bè phù hợp, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Tân Thành
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.